Tiết dạy kỹ năng kiểm soát cảm xúc đầy thú vị của học sinh lớp 6 THCS Mai Động

28/08/2023 11:23
Nguyễn Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiết dạy kỹ năng sống với chủ đề kiểm soát cảm xúc đã cho học sinh góc nhìn toàn diện về cảm xúc, từ đó giúp các em biết làm chủ chính mình.

Những vụ việc bạo lực trong học đường, mất đoàn kết nội bộ trong lớp học, ... hay cách giao tiếp ứng xử của học sinh, trách nhiệm của các em với cộng đồng xã hội là những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Nhằm giúp học sinh giải quyết những vấn đề trên, các cơ sở giáo dục phổ thông đang đẩy mạnh việc giảng dạy kỹ năng sống cho các em với nhiều phương pháp, cách thức để học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng vào thực tiễn.

Để hiểu thêm về việc giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cũng trải nghiệm một tiết dạy kỹ năng sống về kỹ năng kiểm soát cảm xúc của lớp 6A2 - trường Trung học cơ sở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội).

Mở đầu tiết học, giáo viên Bùi Thị Lan Phương (chủ nhiệm lớp 6A2, dạy Ngữ Văn - Lịch Sử) đã gợi mở cho học sinh về trạng thái cảm xúc của bản thân như vui, buồn, lo lắng, sợ hãi... và điều đó có thể tác động như nào đến người đối diện.

"Khi một người có cảm xúc tích cực như sẽ tác động như nào đến chúng ta?", cô Phương hỏi học sinh.

Một nam sinh giơ tay trả lời: "Họ sẽ khiến chúng ta cảm thấy gần gũi hơn, trò chuyện cởi mở hơn".

Cô Bùi Thị Lan Phương gợi mở cho học sinh hiểu về chủ đề kỹ năng kiểm soát cảm xúc. (Ảnh: NP)

Cô Bùi Thị Lan Phương gợi mở cho học sinh hiểu về chủ đề kỹ năng kiểm soát cảm xúc. (Ảnh: NP)

Cô Phương khen ngợi nam sinh và hỏi tiếp: "Vậy một người có cảm xúc bi quan, chán nản sẽ tác động như nào tới các em"?.

Trả lời câu hỏi trên, một nữ sinh cho hay: "Điều đó sẽ khiến người đối diện cảm thấy khó trò chuyện...".

Cô Phương cũng cho học sinh tham gia trò chơi "đoán cảm xúc qua biểu cảm khuôn mặt" theo nhóm. Theo đó, học sinh sẽ lên bốc thăm nội dung miêu tả cảm xúc của bản thân và phải diễn tả bằng hành động, không được thể hiện bằng lời nói. Các bạn trong nhóm sẽ đoán, nếu không trả lời đúng, các bạn ở nhóm khác sẽ trả lời.

Nội dung trò chơi này đã được các học sinh trong lớp tham gia nhiệt tình. Qua đó, tăng thêm sự ghi nhớ kiến thức của buổi học.

Em Đỗ Hương Giang bốc được nội dung miêu tả cảm xúc tức giận. (Ảnh: NP)

Em Đỗ Hương Giang bốc được nội dung miêu tả cảm xúc tức giận. (Ảnh: NP)

Em Đỗ Hương Giang miêu tả cảm xúc tức giận bằng biểu cảm khuôn mặt để các bạn đoán câu trả lời. (Ảnh: NP)

Em Đỗ Hương Giang miêu tả cảm xúc tức giận bằng biểu cảm khuôn mặt để các bạn đoán câu trả lời. (Ảnh: NP)

Phần tiếp theo, giáo viên chia sẻ cho học sinh về những nguy cơ khi bản thân không làm chủ được cảm xúc, thông qua hình ảnh slide câu chuyện về vụ va chạm giao thông nhưng không kiềm chế được sự nóng giận, dẫn tới xô xát chân tay, làm đối phương phải nhập nhập viện.

Giáo viên đã gợi mở cho học sinh trong việc giải quyết tình huống trên đó là phải nhường nhịn, kiềm chế cảm xúc, sự nóng giận của bản thân để tránh xảy ra xô xát.

Mở rộng vấn đề, giáo viên cũng lấy ví dụ về việc mâu thuẫn với bạn trong trường, học sinh cần phải làm gì để sự việc không trở nên xấu hơn là xuất hiện bạo lực hoặc rạn nứt tình bạn.

Cô Phương giới thiệu câu hỏi trong mục "Đuổi hình bắt chữ" với hình ảnh. (Ảnh: NP)

Cô Phương giới thiệu câu hỏi trong mục "Đuổi hình bắt chữ" với hình ảnh. (Ảnh: NP)

Đến phần cuối của buổi giảng dạy, giáo viên đã hướng dẫn học sinh các cách để kiểm soát cảm xúc thông qua trò chơi với thông điệp truyền tải như không phản ứng vội; Nhìn nhận lại tình hình; Suy nghĩ tích cực để cảm thấy dễ chịu; Nghĩ đến trách nhiệm của bản thân; Viết tâm trạng cảm xúc ra giấy; Tìm đến những người tin cậy hoặc chuyên gia tâm lý để chia sẻ vấn đề và cuối cùng là không suy diễn.

Giáo viên chia sẻ gì về tiết học kỹ năng sống?

Cô Bùi Thị Lan Phương cho biết, trong tiết dạy kỹ năng sống, cô không chỉ dừng ở lý thuyết mà còn cho các em được tham gia các trò chơi và hoạt động.

"Ở bài học trước, tôi cho các con hoạt động nhóm với trò nhảy dây để tăng sự vận động, và hiểu ý nghĩa của hoạt động nhóm có vai trò như nào trong học tập, cũng như cuộc sống sau này trong tương lai", cô Phương nói.

Theo cô Phương, chương trình giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh được tổ chức theo chương trình mới là 3 tiết/tuần, ví như chương trình được lồng ghép vào các hoạt động khác như tiết chào cờ, tiết sinh hoạt lớp và tiết riêng độc lập để các con có thể được rèn luyện kĩ năng của mình.

Ngoài ra trong một số môn dạy, giáo viên cũng phải rèn luyện thêm kỹ năng cho học sinh.

"Ví dụ như trong tiết dạy môn Văn của tôi, tôi có một tiết về thực hành nói để giúp học sinh truyền đạt điều mình muốn nói được dễ dàng", cô Phương cho hay.

Nhiều em học sinh chưa thích ứng được việc nghe, viết ghi nhớ lại còn khá bỡ ngỡ, viết chậm. (Ảnh: NP)

Nhiều em học sinh chưa thích ứng được việc nghe, viết ghi nhớ lại còn khá bỡ ngỡ, viết chậm. (Ảnh: NP)

Các em học sinh được giáo viên rèn việc viết những ý chính bằng bút đỏ và ý phụ bằng gạch đầu dòng cùng những nội dung tổng hợp. (Ảnh: NP)

Các em học sinh được giáo viên rèn việc viết những ý chính bằng bút đỏ và ý phụ bằng gạch đầu dòng cùng những nội dung tổng hợp. (Ảnh: NP)

Nữ giáo viên cho hay, khi học sinh chuyển cấp, các em sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ. Cô Phương nhận thấy ở các em là sự nhút nhát và ghi chép chậm theo kiểu cô ghi gì trên bảng, trò chép như vậy. Vì vậy, giáo viên phải rèn kỹ năng nghe, chép thành ý cho học sinh, cách trình bày bày như đầu bài bằng bút đỏ, các ý gạch đầu dòng...

Chủ nhiệm qua nhiều năm với khối học sinh lớp 6, cô Bùi Thị Lan Phương chia sẻ, với những em khối lớp 6 trong năm học trước, rất nhút nhát bởi các em phải học online ở nhà do Covid-19 trong thời gian dài. Đối với lớp 6A2 năm nay do cô Phương chủ nhiệm, cô nhận định các em có sự nhanh nhẹn, năng động.

Về chương trình giảng dạy, cô Phương cho rằng, chương trình giảng dạy kỹ năng sống có sự biên soạn nhưng để các em tiếp thu tốt đòi hỏi sự truyền đạt của giáo viên. Ví dụ như trong một bài với nội dung dài, giáo viên không truyền đạt hết được thì giáo viên tìm cách để truyền đạt một cách nhanh, dễ hiểu.

Đa dạng hoạt động giảng dạy kỹ năng sống

Chia sẻ thêm về hoạt động trên, cô Nguyễn Thị Hà Thanh (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, Ban giám hiệu nhà trường nhận thấy sự hạn chế của học sinh về kỹ năng về ứng xử giao tiếp; kỹ năng về làm việc nhóm; kỹ năng ứng phó một cách tích cực với các tình huống xảy ra trong xã hội...

Từ thực tế trên, cần phải có sự quan tâm, tăng cường trong giáo dục kỹ năng sống, thực hành cho học sinh. Mặt khác, kỹ năng sống là nội dung gắn liền với 4 trụ cột của giáo dục là học để biết, học để làm người, học để sống với người khác và học để làm.

"Vì vậy, nếu thiếu sự quan tâm trong giáo dục đào tạo kỹ năng sống cho học sinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn điện của học sinh, cũng như tương lai sau này của các em", cô Thanh chia sẻ.

Về chương trình giảng dạy, cô Thanh cho hay, nhà trường triển khai theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng.

Hai năm học vừa qua, hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường đã truyền đạt được các kỹ năng cho học sinh như, kỹ năng kiên định và từ chối; Kỹ năng ứng xử khi tiếp xúc với người lạ; Kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy, cô giáo, gia đình, xã hội …; Kỹ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng; Kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích; Kỹ năng bảo vệ hoa và cây nơi công cộng…

Giờ ra chơi của các em học sinh trường Trung học cơ sở Mai Động. (Ảnh: NP)

Giờ ra chơi của các em học sinh trường Trung học cơ sở Mai Động. (Ảnh: NP)

"Nhà trường đã mạnh dạn đưa hoạt động này vào thành tiết giảng dạy chính thức trong hè , tích hợp trong các môn học và được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông. Bởi vậy, việc thực hiện của đơn vị đã mang lại hiệu quả nhất định.

Qua hai năm triển khai hoạt động trên, nhà trường nhận được sự đánh giá của phụ huynh rất tích cực về sự thay đổi của con trong nhận thức, tư duy và biết vận dụng vào thực tiễn", cô Thanh chia sẻ.

Để có được thành quả trên, nữ Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Giáo viên cũng được vận dụng nhiều hình thức, phương pháp, phương tiện dạy học linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và thể loại bài giảng dạy.

Song song với đó, nhà trường cũng rất sát sao trong việc dạy và học theo đúng nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống.

Trong năm học tới đây, kế hoạch của nhà trường là tiếp tục tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong toàn trường.

Cụ thể, nhà trường sẽ tiếp tục chỉ đạo giáo viên giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp mỗi tuần, tích hợp, lồng ghép trong các môn học. Tổ chức, triển khai hình thức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá hoạt động của giáo viên, tổ chức tọa đàm rút kinh nghiệm việc triển khai và thực hiện giáo dục kĩ năng sống trên quy mô tổ, trường.

"Để việc giảng dạy và học tập tốt hơn, nhà trường cũng sẽ tham mưu với cấp trên trong việc bổ sung cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học", cô Thanh nói.

Nguyễn Phương