Hôm nay (30/10), Quốc hội bắt đầu 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn.
Khác với những lần trước Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề, lần này đại biểu sẽ nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết chất vấn.
Sau đó, các đại biểu sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực lời hứa từ đầu nhiệm kỳ.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là hình thức rất hiệu quả.
Từ trước đến nay, liên quan đến hậu giám sát vẫn rất nhiều đại biểu nêu, giám sát rất quyết liệt nhưng việc giải quyết kiến nghị giám sát, hậu giám sát còn là vấn đề.
Đây là một trong những bước góp phần vào việc thúc đẩy kiến nghị sau giám sát.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá sự đổi mới này, đại biểu Đỗ Văn Sinh – đoàn Quảng Trị cho rằng: "Phương thức chất vấn lời hứa của các thành viên Chính phủ rất hay.
Bởi vì, một lĩnh vực không phải của chỉ bộ, ngành đó, mà liên quan tới các bộ, ngành khác.
Phiên chất vấn này đặt ra các nội dung chất vấn từ kỳ họp đầu tiên đến nay. Nhiều vấn đề của cử tri, đại biểu Quốc hội đặt ra. Các tư lệnh ngành đã giải quyết như thế nào”, đại biểu Sinh nêu.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đây là phiên chất vấn một cách tổng thể những vấn đề bức xúc, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ.
Ông nhận định một số vấn đề các bộ, ngành giải quyết được nhưng có vấn đề không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian để giải quyết tiệm cận được.
Đại biểu đưa ra ví dụ như vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Hiện, có khoảng 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm.
Bộ trưởng Tô Lâm nói gì về thông tin mở rộng điều tra tiêu cực thi cử? |
“Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục đào tạo, vẫn thất nghiệp?.
Chúng ta phải cải cách từ gốc của vấn đề như: Chương trình giáo dục đào tạo, định hướng nghề nghiệp, cách thức tiếp cận, thậm chí dư luận xã hội…”, ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Đại biểu cũng phân tích tốt nghiệp phổ thông cơ sở chuyển sang vừa đào tạo nghề vừa học, trước đây có chương trình vừa học vừa làm. Nếu, ai có trình độ cao hơn thì học chuyên sâu hơn.
Ông nói: “Đấy là vấn đề định hướng hệ thống kèm theo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…phải cân đối, vài năm nữa chúng ta mới khắc phục được chuyện này.
Các đại biểu quan tâm là cái vấn đề lớn, định hướng lớn để cải cách tất cả vấn đề của nền kinh tế - xã hội”.
Cũng theo ông, vấn đề xã hội rất quan tâm đó là giáo dục. Hiện, Quốc hội đang xem xét 2 dự Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.
Luật Giáo dục Quốc hội sẽ để lại chưa thông qua tại kỳ này vì có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Thậm chí, Quốc hội cho rằng phải lấy ý kiến nhân dân chứ không chỉ ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội. Vấn đề này rất lớn, tồn tại trong nhiều năm, nên cần rất thận trọng.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn. Ảnh: Đ.T |
Cũng liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: "Chất vấn tại kỳ họp này, tôi chắc chắn sẽ hấp dẫn vì càng ngày càng hiện đại, không có câu hỏi chuẩn bị trước sẽ tạo thế chủ động cho các Bộ trưởng.
Tôi cho rằng điều này không gây căng thẳng và áp lực với các thành viên Chính phủ. Bởi các Bộ trưởng lúc nào cũng phải sẵn sàng.
Đã là Bộ trưởng thì phải có sự chuẩn bị đầy đủ đối với các vấn đề liên quan lĩnh vực mình phụ trách”, đại biểu Tuấn nêu đánh giá.
Đại biểu kỳ vọng buổi chất vấn đầu tiên sẽ sôi nổi, trọng tâm, chất lượng đi sâu vào vấn đề giáo dục và giao thông.
Theo đại biểu, với giáo dục, đó là vấn đề đụng chạm toàn xã hội nên khía cạnh nào cũng có thể ảnh hưởng tới người dân.
Ở góc độ tư lệnh ngành, Bộ trưởng, Chính phủ cần hết sức quan tâm, quan tâm hơn nữa. Cần cân nhắc cái nào ra trước, cái nào ra sau, suy xét thấu đáo mỗi khi ban hành đề án.
Theo chương trình, sáng 30/10, đại diện Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 sẽ được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày. Cuối cùng, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp này của trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Sau khi hoàn tất các báo cáo, Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nội dung trên. |