Thiếu GV nhưng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bị giảm, lãnh đạo trường ĐH băn khoăn

08/06/2023 06:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Địa phương chưa đặt hàng đào tạo có thể vì chưa có cơ chế ràng buộc sinh viên trở về công tác sau tốt nghiệp và cơ chế bồi hoàn kinh phí cũng chưa rõ ràng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2023 cho các trường đại học trên cả nước.

Theo đó, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm đều giảm, thậm chí có cơ sở đào tạo giáo viên bị giảm sâu về chỉ tiêu.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của các ngành đào tạo giáo viên là hơn 2.670. Nhưng theo chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đối với khối ngành này, trường chỉ còn 920 chỉ tiêu, giảm hơn 1.700 chỉ tiêu so với dự kiến.

Trong đề án ban đầu, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) công bố tuyển gần 600 sinh viên, nhưng số chỉ tiêu được Bộ phê duyệt là 514.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Hồng Đức được Bộ phê duyệt là 985 (giảm 100 chỉ tiêu so với năm trước).

Với các trường sư phạm trọng điểm cũng gặp tình trạng tương tự, như Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tuyển 1.710 sinh viên cho 22 ngành đào tạo giáo viên, thấp hơn khoảng 300 chỉ tiêu so với công bố trước đó của trường.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự định tuyển hơn 3.000 sinh viên khối ngành đào tạo giáo viên, nhưng trường được giao khoảng 2.400 chỉ tiêu.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thông báo dừng tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 với 14 trường cao đẳng và 2 trường đại học, trong đó nhiều trường là do địa phương không có nhu cầu.

Băn khoăn việc xác định nhu cầu nhân lực giáo viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, hiện nay, một trong những căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên là nhu cầu của các địa phương, nhưng việc địa phương xác định nhu cầu còn liên quan đến thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc triển khai Nghị định 116 hiện vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn cho các trường đại học.

“Thực tế, có địa phương vẫn đang thiếu giáo viên, người học có nhu cầu được đào tạo nhưng địa phương vẫn báo không có nhu cầu nên không đặt hàng đào tạo.

Rồi có trường hợp sinh viên theo học sư phạm nhưng không nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, hoặc có sinh viên theo học được một năm rồi xin dừng không nhận hỗ trợ,…, như vậy là có rất nhiều tình huống cần phải có hướng dẫn cụ thể.

Vấn đề lớn nhất của việc triển khai Nghị định 116 là hiện nay, nhiều địa phương thiếu giáo viên, nhưng khi nhà trường gửi công văn đề nghị đặt hàng đào tạo, trong gần 20 địa phương thì chỉ có 2 địa phương trả lời, có địa phương đặt hàng số lượng cực ít, có địa phương trả lời không đặt hàng. Như vậy, nhà trường rất khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo xin kinh phí với cấp trên.

Chúng tôi luôn tìm mọi giải pháp để động viên sinh viên sư phạm, để chất lượng đào tạo được nâng lên. Nhưng trong bối cảnh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn”, thầy Thắng cho biết.

Phó Giáo sư Võ Văn Thắng thông tin thêm, Trường Đại học An Giang đóng tại địa bàn tỉnh An Giang, nhưng lại là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, đối tượng tuyển sinh của trường là học sinh trên toàn quốc và phục vụ nhân lực cho cả nước, đặc biệt là nhân lực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà trường không phải là trường đại học địa phương chỉ phục vụ nhân lực cho tỉnh An Giang. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào nhu cầu của tỉnh An Giang để xác định chỉ tiêu cho trường là chưa hợp lý. Đồng thời, đối với kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm cũng là ngân sách Trung ương cấp.

Hiện nhiều địa phương đưa ra nhu cầu ít, có thể bởi họ lo ngại trong việc cấp kinh phí hỗ trợ cho người học theo diện Nghị định 116, trong khi chưa có cơ chế ràng buộc sinh viên trở về địa phương công tác sau tốt nghiệp và cơ chế bồi hoàn kinh phí cũng chưa rõ ràng.

Bởi thực tế, trong những năm qua, hầu hết các địa phương đều phản ánh tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển giáo viên.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra ở hầu hết các tỉnh, nhưng các địa phương vẫn không đặt hàng hoặc đặt hàng với số lượng rất ít.

“Và từ thực tế đó, có thể thấy Nghị định 116 chưa đi được vào thực tiễn, vì dù địa phương không đặt hàng, không mất kinh phí đào tạo thì sau này họ vẫn có thể tuyển dụng được bình thường.

Thế nhưng, về lâu dài, chúng ta cần tính toán đảm bảo đủ nhân lực giáo viên cho ngành giáo dục, việc xác định nhu cầu của địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế”, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nêu quan điểm.

Kế hoạch đào tạo phải theo nhu cầu sử dụng

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về xác định chỉ tiêu, việc xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các ngành giáo viên là dựa trên cơ sở là năng lực đào tạo của các Nhà trường, nhu cầu sử dụng của địa phương và cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC

Hiện nay, Trường Đại học Hồng Đức đang triển khai tổ chức đào tạo không chỉ các ngành giáo viên mà tổ chức đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau (kinh tế, luật, Công nghệ thông tin, Nông-Lâm-Ngư nghiệp, Khoa học Xã hội nhân văn và Hành vi,...).

Từ năm 2023, trường tổ chức đào thêm 04 ngành trình độ đại học (Sư phạm Lịch sử-Địa lý, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị khách sạn và Luật kinh tế), nên việc giảm chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm sẽ không gây ảnh hưởng đến các hoạt động đào tạo, nhân sự của trường.

Tuy nhiên, nếu các năm sau tiếp tục giảm thì sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên của các khoa đào tạo sư phạm hiện nay.

“Trong 2 năm qua, khi triển khai thực hiện Nghị định 116 đã từng bước thu hút được nhiều sinh viên khá giỏi vào học sư phạm; tuy nhiên, nguồn kinh phí được lấy từ các địa phương nên dẫn đến tăng thêm phân bổ kinh phí cho giáo dục, từ đó ít nhiều ảnh hướng đến phân bổ kinh phí tổng thể của địa phương, trong khi đó địa phương chưa được cấp bù.

Tuy nhiên, cần phải xác định là hỗ trợ kinh phí cho người học để đào tạo được những giáo viên tốt cho tương lai là hết sức cần thiết nên cân đối kinh phí cấp bù cho các địa phương khi thực hiện đào tạo nguồn nhân lực này để sau khi người học tốt nghiệp có thể làm việc bất kỳ ở địa phương nào nếu có nhu cầu”, thầy Dũng nêu quan điểm.

Phó Giáo sư Bùi Văn Dũng cũng cho rằng, cần phải có giải pháp để đảm bảo nguồn nhân lực giáo viên cho tương lai, vì để đáp ứng việc tăng quy mô các cấp, bậc học và bù cho đội ngũ giáo viên nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Do đó, cần phải có kế hoạch đào tạo theo nhu cầu sử dụng chứ không nên gắn đào tạo với chỉ tiêu tuyển dụng.

Trước đó, vào tháng 8/2022, tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, nhiều địa phương đều đồng loạt phản ánh tình trạng thiếu giáo viên.

Cụ thể như tỉnh Thanh Hoá thiếu hơn 10.000 giáo viên, tỉnh Nghệ An thiếu 6.000, tỉnh Đồng Nai thiếu hơn 2.000 giáo viên, tỉnh Bình Dương thiếu 3000 giáo viên,...

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (tháng 10/2022), cả nước còn thiếu hơn 106.000 giáo viên các cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên, kế đến là bậc tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu trên 18.000 và bậc trung học phổ thông thiếu gần 12.000 giáo viên.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, đến tháng 11/2022, gần 40 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên.
Phạm Minh