Thi tốt nghiệp 4 môn: Giảm tổ hợp xét tuyển nhưng không giảm cơ hội vào đại học

10/12/2023 06:32
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mặc dù với phương án thi mới, số tổ hợp xét tuyển vào đại học sẽ giảm hơn so với hiện tại, song theo thầy Thành, điều này sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng.

Năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi cả nước sẽ có lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp.

Theo đó, thí sinh sẽ tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn, trong đó có 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Hành trình hơn 2 thập kỷ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, qua hơn 2 thập kỷ (từ năm 1975 đến nay), kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã có nhiều nhiều lần cải tiến, đổi mới theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và xã hội nhưng vẫn đảm bảo kết quả đáng tin cậy.

Theo đó, trước khi triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW (năm 2013), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản giữ ổn định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Thí sinh thi 6 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 môn thay đổi theo từng năm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Tuy nhiên, việc tổ chức 2 kỳ thi liên tục (thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học) cũng gây ra những áp lực cho xã hội (dù được cải tiến), ví dụ tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch,...

Đến năm 2014, theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phương thức thi và xét tốt nghiệp cũng được đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

Năm 2014, thí sinh thi tốt nghiệp với 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ.

“Đây là đổi mới quan trọng, tuy nhiên, mục đích thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 vẫn giữ như các năm trước đó. Đó là đánh giá, xác nhận trình độ của người học theo mục tiêu giáo dục sau khi học hết chương trình trung học phổ thông; làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả dạy và học của các trường trung học phổ thông,...”, thầy Thành nhận định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học “3 chung” - chung đề, chung đợt, và sử dụng chung kết quả, đến năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng, hay còn gọi là kỳ thi "2 trong 1”.

Ở kỳ thi này có nhiều điểm cải tiến như tổ chức 8 môn gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh phải thi 4 môn tối thiểu gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Từ năm 2017, kỳ thi có sự thay đổi về môn thi. Theo đó, thí sinh phải làm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng 1 bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với học sinh trung học phổ thông; Lịch sử, Địa lý với học sinh giáo dục thường xuyên).

Đến năm 2019, kế thừa và rút kinh nghiệm những năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số đổi mới nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực trong thi cử. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thay đổi mục tiêu chính của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là xét tốt nghiệp.

Năm 2020, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được đổi tên thành "thi tốt nghiệp trung học phổ thông", theo quy định của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Từ đó đến nay (năm 2023), kỳ thi vẫn được duy trì ổn định.

Còn không ít tổ hợp nhỏ lẻ, mang tính chất kĩ thuật

Với phương án thi tốt nghiệp mới từ năm 2025, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành đánh giá, kỳ thi được rút gọn xuống còn 4 môn thi là một điểm rất tích cực, giúp khâu tổ chức kỳ thi tương đối gọn nhẹ hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, thí sinh cũng có nhiều hơn các lựa chọn để xét tuyển vào đại học.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Cụ thể, so với hiện nay, thí sinh chỉ được lựa chọn 1 trong 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, nhưng từ năm 2025, các em sẽ được lựa chọn từ 2 trong số tổng 9 môn - tương ứng với 36 tổ hợp.

Ví dụ, thí sinh đăng ký ngành công nghệ thông tin có thể thi tổ hợp gồm các môn: Toán, Văn, Giáo dục kinh tế pháp luật và Tin học; hoặc Toán, Văn, Tin học và môn Tiếng Anh.

Như vậy, thí sinh vừa có thể vận dụng các kiến thức về thuật toán, đồng thời có thể tạo thêm hiểu biết về xã hội cũng như năng lực ngoại ngữ nếu các em cần.

Hay thí sinh đăng ký ngành kinh tế học thì có thể đăng ký thi tổ hợp gồm Toán, Văn, Sử, Địa hoặc Toán, Văn, Sử và Giáo dục kinh tế pháp luật.

“Như vậy kỳ thi đã được thiết kế theo hướng lấy người học làm trung tâm. Từ 2025, học sinh sẽ thi 2 môn học đại diện cho những năng lực tư duy cơ bản là năng lực tư duy định lượng (toán học) và năng lực tư duy ngôn ngữ định tính (văn học). Thí sinh được quyền lựa chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, thiên hướng nghề nghiệp mà bản thân dự định xét tuyển cho các trường cao đẳng hay đại học”, thầy Thành nhận định.

Tuy nhiên, để thực sự tạo ra một cú hích, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng đề thi mẫu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến công bố vào cuối năm nay phải thể hiện được khía cạnh đánh giá năng lực, phẩm chất người học thay vì vẫn còn nặng về đánh giá kiến thức như hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với các trường đại học, các đơn vị cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ càng các tổ hợp xét tuyển đại học căn cứ dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đảm bảo sự phù hợp giữa yêu cầu ngành học và tổ hợp môn xét tuyển.

Mặc dù với phương án thi mới, số tổ hợp xét tuyển vào đại học sẽ giảm hơn so với hiện tại, song theo thầy Thành, điều này sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng.

“Thực tế, trước đây, chúng ta cũng đã từng tuyển sinh đại học với các khối A,B,C,D truyền thống và kết quả tuyển sinh vẫn rất tốt, với minh chứng là có rất nhiều người tài giỏi đang cống hiến cho đất nước.

Ngược lại, hiện nay có rất nhiều tổ hợp xét tuyển vào đại học, tuy nhiên theo tôi vẫn còn không ít tổ hợp nhỏ lẻ, mang tính chất kĩ thuật, chưa gắn chặt với yêu cầu các ngành học mà trường đại học tuyển sinh.

Do vậy, với phương án thi mới, theo tôi điều này sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải suy nghĩ cơ cấu lại và có lộ trình công bố sớm các tổ hợp xét tuyển đại học theo hướng rút gọn, khái quát và hiệu quả hơn”, thầy Thành phân tích.

Chia sẻ thêm, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, do các thí sinh của thi năm 2025 mới học chương trình giáo dục phổ mở ở 3 năm cấp trung học phổ thông nên trong tương lai, sau kì thi tốt nghiệp năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cần tiếp tục cải tiến phương án thi về cả nội dung cũng như phương thức tổ chức cho phù hợp hơn.

Ví dụ như cân nhắc tổ chức một số bài thi trên máy tính hay bổ sung thêm một số câu hỏi tự luận cho các bài thi đang ở dạng trắc nghiệm hiện nay.

Đánh giá cao phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, Phó giáo sư Thành nhận định với phương án thi tốt nghiệp mới, quyền tự quyết đối với học sinh sẽ nhiều hơn vì mở rộng các khả năng lựa chọn để đáp ứng các thay đổi của xã hội, từ đó tạo ra cú hích của cả giáo dục phổ thông Việt Nam nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, học sinh cũng sẽ chú ý đến việc học ngoại ngữ như một nội dung kiến thức nền tảng và nên tham gia các bài thi chuẩn hóa của Việt Nam hoặc quốc tế như IELTS hay TOEFL vừa để tự đánh giá được trình độ tiếng Anh của mình, vừa chuẩn bị cho hành trang vào đại học hoặc hội nhập nghề nghiệp.

“Tất nhiên, bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng sẽ chỉ là một kênh để đánh giá năng lực của các ứng viên tương lai của các cơ sở giáo dục đại học. Việc đánh giá kết quả học sinh phổ thông không chỉ dựa vào 4 bài thi tốt nghiệp, mà còn căn cứ vào cả quá trình học 12 năm với rất nhiều đổi mới trong phương pháp kiểm tra, đánh giá đang được áp dụng rộng rãi hiện nay”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành bày tỏ.

Doãn Nhàn