Thi tốt nghiệp 4 môn: Trường ĐH dự kiến xét tuyển có môn nhân hệ số 2

06/12/2023 06:38
Phạm Hằng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một số trường ĐH sẽ điều chỉnh lại tỉ trọng các phương thức xét tuyển, theo hướng tăng tỉ trọng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực.

Bắt đầu từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn thi, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ được tổ chức với 4 môn thi. Ảnh minh hoạ: Phạm Minh

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ được tổ chức với 4 môn thi. Ảnh minh hoạ: Phạm Minh

Như vậy, so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, số môn thi từ năm 2025 sẽ giảm đi 2 môn. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn.

Xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp bối cảnh đào tạo

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tuyển sinh đại học nhìn chung sẽ có nhiều thay đổi về tổ hợp xét tuyển khi có sự xuất hiện các môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các trường đại học sẽ phải xây dựng phương án khớp với bối cảnh đào tạo của học sinh trung học phổ thông hiện nay mới có thể tuyển được thí sinh phù hợp với trường, với ngành. Do đó, thầy Quốc khuyên học sinh an tâm với những lựa chọn môn học của bản thân ngay từ lớp 10.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết, các trường đại học đại học sẽ phải xây dựng phương án khớp với bối cảnh đào tạo của học sinh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết, các trường đại học đại học sẽ phải xây dựng phương án khớp với bối cảnh đào tạo của học sinh. Ảnh: NVCC

Về kế hoạch tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Quốc cho biết, từ năm 2025, trường dự kiến vẫn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên cơ sở các môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Song song đó là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tự tổ chức, với tỷ lệ chỉ tiêu nhiều hơn so với hiện nay.

Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp, trường vẫn định hướng xét điểm trung bình tổ hợp 3 môn, trong đó 3 môn độc lập hoặc 2 môn gồm môn chính nhân hệ số 2.

“Các môn cụ thể trường cần có thêm dữ liệu từ thực tế học sinh theo học các môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới và kết quả thi riêng của trường để phân tích, đánh giá”, thầy Quốc chia sẻ.

Còn Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ khiến các trường đại học điều chỉnh lại tỉ trọng các phương thức xét tuyển, theo hướng tăng tỉ trọng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực. Đồng thời, các tổ hợp môn xét tuyển cũng sẽ được cấu trúc lại.

Bên cạnh đó, các trường sẽ rà soát và cập nhật lại chương trình giáo dục đại cương/tổng quát của chương trình đào tạo các ngành để thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thầy Phương cho biết, Trường Đại học Nha Trang đã thành lập hội đồng và tổ nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời có kế hoạch xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025 trở đi. Phương hướng tuyển sinh của trường tiên quyết phải định hướng tốt cho học sinh trong việc lựa chọn môn học bậc trung học phổ thông.

Do đó, trường định hướng xây dựng tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là Toán và Ngữ văn, cộng thêm 1 - 2 môn trong số các môn tự chọn để phù hợp với ngành đào tạo cụ thể. Trong đó, các môn tự chọn trường cân nhắc dựa trên thực tế số lượng học sinh lựa chọn môn học đó trong chương trình giáo dục trung học phổ thông.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2025, trường dự kiến giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Theo thầy Nhân, như cách làm hiện nay, hầu hết các ngành học của trường đều xét tuyển bằng 4 tổ hợp môn và mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Nhưng từ năm 2025 trở đi, mỗi tổ hợp có thể vẫn gồm 3 môn nhưng số lượng tổ hợp được sử dụng xét tuyển từng ngành có thể sẽ ít hơn.

Trong đó, định hướng chung là ngoài 2 môn bắt buộc, các môn tự chọn sẽ được trường cân nhắc đưa vào phù hợp với đặc thù đào tạo ngành học. Ví dụ, với nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật, ít nhất 2 môn học cần có trong tổ hợp xét tuyển sẽ gồm Toán và Lý.

“Cách thức tuyển sinh của trường đại học không chỉ phục vụ việc tuyển chọn mà còn cần phù hợp với chương trình học và có độ phủ đủ rộng để tạo cơ hội tham gia xét tuyển cho người học”, thầy Nhân nhấn mạnh.

Ngoài ra, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn. Do đó, thầy Nhân kiến nghị, các trường đại học rất cần được cung cấp dữ liệu đầy đủ về tình hình học sinh đăng ký lựa chọn môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới để có cơ sở xây dựng phương thức xét tuyển phù hợp, đặc biệt trong xây dựng tổ hợp môn xét tuyển.

Không giảm vai trò môn Ngoại ngữ trong tuyển sinh đại học

Theo đánh giá của nhiều trường đại học, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh khi các em giảm được 2 môn so với số môn thi hiện nay; giảm chi phí cho gia đình học sinh và xã hội khi số buổi thi chỉ còn 3, giảm số buổi thi so với hiện nay.

Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 4 môn cũng tránh được sự mất cân bằng giữa tổ hợp tuyển sinh khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như nhiều năm trước; đồng thời tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

Thay đổi lớn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi là việc môn Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn. Đối với vấn đề này, Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho rằng, việc Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc cũng không làm giảm vai trò của môn học này trong tuyển sinh đại học.

“Hầu hết các trường đại học vẫn đưa môn Ngoại ngữ vào tổ hợp xét tuyển, hoặc xét kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì thế, học sinh muốn xét tuyển đại học vào các ngành có yêu cầu Ngoại ngữ thì vẫn bắt buộc phải học và thi môn Ngoại ngữ”, thầy Quốc nói.

Nhấn mạnh Ngoại ngữ được xác định là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học, Tiến sĩ Tô Văn Phương khẳng định: Dù không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, nhưng Ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc cao đẳng, đại học.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12. Ở bậc cao đẳng, đại học, Ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc về chuẩn đầu ra.

“Ngoại ngữ cũng giống như các môn học khác, đều có đánh giá bằng điểm số trong quá trình dạy học. Kết quả học tập môn Ngoại ngữ ở các bậc học có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, thầy Phương nêu quan điểm.

Phạm Hằng