Ngày 14/4/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, áp dụng từ năm 2022 với nhiều điều chỉnh so với quy chế năm 2021. Điểm mới đáng chú ý nhất là điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Việc cộng điểm ưu tiên hiện nay đã không còn phù hợp (ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Việc cộng điểm ưu tiên khu vực cho học sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn đã có từ rất lâu. Nhiều học sinh vùng khó, nhờ được cộng điểm ưu tiên đã đỗ đại học. Bên cạnh đó, cũng vì điểm ưu tiên, không ít học sinh thành phố đã bị trượt ngành học mình mơ ước (mặc dù điểm thi cao hơn hẳn những học sinh được cộng điểm ưu tiên).
Người viết bài còn nhớ mãi một học sinh nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ, em quyết tâm thi vào Học viện quân y vừa thỏa ước mong làm bác sĩ, vừa không phải lo tiền học phí.
Mặc dù, em đạt điểm thi tuyệt đối 30 điểm nhưng đến phút chót, em vẫn bị rớt vì có thí sinh khác dù điểm thi chỉ đạt 28,5 điểm nhưng đã đỗ vì được cộng tới 2 điểm ưu tiên.
Điểm ưu tiên có còn phù hợp không?
Ai cũng hiểu, mục đích của việc cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đồng đều.
Chính sách nhân văn này đã ra đời từ vài chục năm về trước, nhờ đó đã khuyến khích học sinh vùng khó quyết tâm học và thi vào đại học.
Thế nhưng, ngay thời điểm này, khi kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa các vùng miền đã không còn sự chênh lệch nhiều thì việc áp dụng cộng điểm ưu tiên cho học sinh có còn phù hợp?
Nói về điều này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nên tính đến chuyện không ưu tiên gì hết vì hiện nay học sinh không có khó khăn trong học tập.
Và nếu có khó khăn thì đã có hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng hay học liên thông lên đại học (nếu có nhu cầu) còn một bước vào học đại học thì phải công bằng như nhau.[1]
Ông Sơn cho rằng, nếu giữ điểm ưu tiên vì chính sách để nâng cao trình độ cho khu khu vực miền núi, vùng khó khăn thì phải nhìn nhận rằng nhiều nhân lực như bác sĩ, kỹ sư thiếu mà thừa.
Lý do là ở vùng núi trả công quá thấp còn những cơ sở tư nhân ở ngay vùng đô thị đã thu hút người làm việc nên mới có sự thừa thiếu cục bộ.
Vậy nên để thu hút và thực hiện cái nói là quay về làm việc thì nên trả lương cao, có chế độ rõ ràng cho nhân lực, ví dụ như về vùng núi thì có mức lương phải từ 20 đến 30 triệu y, ở lại làm việc phải 5 năm thì sẽ được về vùng đô thị. Còn nếu không thì dù có đi học hay gửi đi học người học cũng sẽ có xu hướng ở lại đô thị. [1]
Người viết cũng cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên cho học sinh từng khu vực chỉ hợp lý khi học sinh các vùng nông thôn, vùng khó khăn đi học quá là vất vả.
Những ngôi trường xập xệ, dột nát, đường sá dốc cheo leo và bụi cát phủ đầy, việc đi lại học tập còn bị ngăn sông, cách trở.
Tài liệu học tập của học sinh ngoài những cuốn sách giáo khoa chẳng còn gì cả. Thư viện sách thì nghèo nàn, tài liệu học tập, ôn tập chuyên sâu cũng khó tìm.
Thầy cô giáo nơi ấy vừa thiếu, vừa yếu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu.
Thế nhưng ngày nay, nhờ chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng khó, nhiều trường học khang trang, nhiều ngôi trường vùng khó mà cơ sở vật chất còn hơn cả những vùng thuận lợi.
Những phòng học đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy tính, đèn chiếu. Đội ngũ giáo viên có tay nghề chuyên môn cao bởi chính sách thu hút và ưu đãi vùng miền luôn được chú trọng.
Ngoài ra, mạng công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, học sinh vùng nông thôn vẫn có nhiều điều kiện tiếp xúc với môi trường giáo dục tiên tiến và có điều kiện học tập với các thầy cô giáo giỏi ở khắp mọi miền đất nước.
Một người đồng nghiệp của tôi dạy Sinh ở Đồng Nai, lớp học trực tuyến của thầy là học sinh ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, từ vùng xuôi đến miền ngược như là không biên giới.
Người viết cũng có dịp được trò chuyện với nhiều học sinh giỏi ở vùng nông thôn đã đạt thủ khoa, á khoa trong các kỳ thi trung học phổ thông, cho biết các em học thêm với nhiều thầy cô giáo giỏi tận Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…
Vì thế, việc chia khu vực để quy định điểm ưu tiên cho học sinh đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Thi cử cần cạnh tranh công bằng
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhà nước có thể dùng chế độ để ưu tiên cho những đối tượng học sinh cần ưu tiên như việc hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền sinh hoạt phí hàng tháng hay giảm học phí, tăng học bổng cho các em khi đỗ đại học, cao đẳng.
Còn trong thi cử để chọn người tài, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao như nghề y, các kỹ sư thiết kế… lại cần sự cạnh tranh một cách công bằng. Bởi, đây là bậc học cao cần tìm đúng người tài sau này mới phát huy tiềm năng được.
Một thí sinh có điểm thi 30 chắc chắn trình độ sẽ hơn hẳn những học sinh 31 điểm nhưng nhờ có 2 điểm ưu tiên.
Đồng quan điểm với người viết, một số đồng nghiệp cũng cho rằng, bây giờ phổ cập internet rồi, tài liệu đầy trên mạng, thầy cô giỏi cũng mở lớp dạy thêm online nên ai muốn theo học mà chẳng được.
Điểm số trong kỳ thi phản ánh vào tài năng, sự cố gắng của từng học sinh. Thế nhưng, vì được cộng điểm mà học sinh này ít điểm hơn đã đỗ còn học sinh kia lại bị rớt. Bất công nằm ngay tại đây.
Nói là ở thành phố không có điểm ưu tiên, thế nhưng những học sinh có gia cảnh khó khăn cũng đâu có đủ điều kiện học tập như các bạn, việc học có khi còn thua cả những học sinh vùng khó.
Không ít những học sinh giỏi vùng khó cũng muốn được cạnh tranh công bằng với học sinh thành phố và thực tế đã chứng minh nhiều học sinh vùng khó đã vượt trội. Bởi thế, với các em cũng không vui vẻ, dễ chịu gì khi bị mang tiếng đỗ đại học nhờ điểm ưu tiên.
Vì thế, việc chia khu vực để quy định điểm ưu tiên cho học sinh đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/rat-vo-ly-thu-khoa-van-truot-nhung-chua-the-bo-diem-uu-tien-2011175.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.