Thêm nhiệm vụ nhưng không bổ sung biên chế khiến trung tâm GDNN-GDTX chật vật

10/08/2023 06:37
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực hiện thêm chức năng giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, những năm qua, nhiều trung tâm GDNN-GDTX không được tăng thêm biên chế để tuyển giáo viên dạy nghề.

Thiếu biên chế giáo viên nhưng khó có thể khắc phục do còn nhiều bất cập khiến nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gặp khó khăn, phải tuyển dụng số lượng lớn giáo viên hợp đồng với chi phí cao, khó thực hiện chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, trung tâm không bị đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên hay cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với việc dạy văn hóa do số lượng học sinh vào học mỗi năm đều rất ít. Năm học vừa qua, trung tâm cũng chỉ tuyển sinh được một lớp 10.

Theo cô Lê, khó khăn của trung tâm là nằm ở huyện miền núi, với thực tế gần 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, khi cán bộ của trung tâm đi vận động tuyển sinh gặp phải nhiều khó khăn dù đã cố gắng thực hiện các công tác truyền thông, làm việc trực tiếp tại các xã, các trường trung học cơ sở trên địa bàn.

Tuy nhiên, với mức độ nhận thức chưa cao, nhiều em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ lựa chọn đi làm nương rẫy hoặc đi làm luôn để kiếm tiền thay vì đi học tiếp tục, đặc biệt là các em ở những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Giờ lên lớp tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Giờ lên lớp tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Không chỉ việc dạy hóa, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của trung tâm cũng gặp một số vướng mắc.

Trước kia, khi trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trung tâm được giao 12 biên chế để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (tức dạy chương trình văn hóa, hướng nghiệp), tuy nhiên, sau khi được giao thực hiện thêm nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp, và trực thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân huyện, số lượng biên chế này vẫn giữ nguyên.

Theo cô Lê, khi có thêm chức năng, phải có thêm biên chế mới có thể tuyển được giáo viên dạy nghề. Thế nhưng, việc bổ sung biên chế rất khó có thể thực hiện được bởi còn phụ thuộc tổng số biên chế của Ủy ban nhân dân huyện.

Hơn nữa, xưa nay, huyện chỉ quản lý từ cấp trung học cơ sở trở xuống, do vậy, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong khi phải quản lý thêm một đơn vị đào tạo cấp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, số lượng học viên tại các lớp học nghề vốn khá bấp bênh, từ năm 2022 trở về trước, mỗi năm trung tâm chỉ mở được một lớp học, đến năm 2023 thì không mở được lớp nào.

Tình trạng này xảy ra do nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn vốn không cao, số lượng người học khi đăng ký rất rải rác nên khó có thể mở được lớp học. Do đó, huyện đã chỉ đạo trung tâm khi tuyển sinh được người học sẽ tuyển dụng giáo viên hợp đồng để đào tạo.

Cũng theo cô Lê, hiện tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa xếp hạng được các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn theo Thông tư số 48/2008/TT-BGDĐT về việc Hướng dẫn xếp hạng và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo của trung tâm giáo dục thường xuyên nên hiện nay, các trung tâm tại mỗi huyện lại nghĩ về chế độ phụ cấp này khác nhau.

Cùng bàn về thực trạng hiện nay của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, thầy Phan Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết, với số lượng học sinh vào học ít, hiện đơn vị chỉ đang thiếu giáo viên ở một số môn ít tiết như môn Địa lý.

Theo thầy Tấn, việc tuyển sinh của trung tâm vốn rất khó khăn, bởi, thực tế trên địa bàn thị xã Long Mỹ đang có 2 trường trung học phổ thông, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú nên số học sinh không đậu vào trường trung học phổ thông vốn không còn nhiều, sau đó, các em còn lựa chọn vào học trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn.

Thầy Tấn cũng cho biết thêm, đối các khối lớp 11 và 12 mỗi khối chỉ có 1 lớp. Do vậy, để tăng thêm số học sinh, năm nay, trung tâm đã liên hệ với các trường trung học phổ thông trên địa bàn để nắm xem tỷ lệ đỗ là bao nhiêu để từ đó tính toán được số lượng học sinh được phân luồng vào học nghề, học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Dự kiến, trung tâm sẽ tuyển sinh khoảng 2 lớp 10 trong năm 2023-2024.

Qua rà soát từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn sau khi kết quả thi tuyển lớp 10, còn khoảng 200 học sinh không đậu vào trường trung học phổ thông. Vậy nên, đơn vị đang tích cực tuyên truyền, vận động từ số lượng học sinh được phân luồng này và hy vọng năm học tiếp theo sẽ tuyển được khoảng 60-70 em.

Mặt khác, số lượng giáo viên của khối đào tạo nghề hiện nay của trung tâm chỉ có giáo viên cơ hữu, những giáo viên này cũng thường chỉ thực hiện quản lý vì không phải dễ dàng mở được nghề học theo đúng chuyên môn của họ.

Bởi, hiện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Long Mỹ đang đào tạo nghề ngắn hạn theo hướng giải quyết việc làm tại chỗ nhằm giúp cho người dân trên địa bàn tăng thêm thu nhập, cải thiện năng suất nên việc học nghề nào còn phụ thuộc vào nhu cầu học của người lao động.

Thầy Tấn cũng cho rằng, trước kia, khi trực thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trung tâm rất thuận lợi trong việc xin biên chế giáo viên dạy chương trình trung học phổ thông (tức dạy văn hóa trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên).

Đáng nói, khi về trực thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân huyện, rất khó để có thể tuyển được giáo viên dạy chương trình trung học phổ thông do từ trước Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ quản lý các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Chính vì vậy, một số trung tâm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phải tuyển nhiều giáo viên thỉnh giảng với chi phí cao để đảm bảo công tác giảng dạy nên khá khó khăn.

Thầy Tấn mong rằng, Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện cùng Sở Giáo dục và Đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuận lợi hơn trong việc xin thêm biên chế giáo viên.

Khánh An