Võ Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Cường (sinh viên đại học FPT Đà Nẵng), Trần Anh Quân (sinh viên Đại học Công nghệ thông tin Việt Hàn) cùng hai học sinh Lê Văn Anh Tín, Hoàng Trọng Gia Huy (Trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh – Đà Nẵng) đã bắt tay lên ý tưởng và xây dựng một dự án giáo dục 4.0.
Đó là một phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến ứng dụng hình ảnh 2D, hình ảnh 3D, công nghệ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo, giúp giáo viên vừa thiết kế bài giảng ấn tượng, vừa quản lý học sinh hiệu quả.
Sáng tạo từ yêu cầu thực tiễn
Vào tháng 4, thời điểm ngay sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, các thành viên bắt đầu lên ý tưởng cho dự án.
Em Tín chia sẻ: “Đó là giai đoạn mà em và Gia Huy đang căng mình học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì dịch bệnh mà chúng em phải học online, song phương pháp học này dễ nhàm chán và kém hiệu quả. Chính vì vậy, chúng em đã nảy ra ý tưởng sáng tạo phần mềm hộ trợ việc học online”.
Nhóm học sinh, sinh viên thực hiện dự án Rebo – thiết kế bài giảng học online “chống ngủ gật” (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo đó, cả nhóm bắt đầu thực hiện một chương trình khảo sát thực tế về việc học trực tuyến. Qua việc lấy ý kiến của hơn 200 giáo viên, học sinh, các bạn trẻ đã thu thập được những thông tin về ưu và nhược điểm của phương pháp dạy học này.
“Có 3 khó khăn lớn nhất đối với việc học online, thứ nhất, giáo viên khó thiết kế một bài giảng online thực sự sinh động, thú vị và hấp dẫn học sinh.
Thứ hai, giáo viên khó kiểm soát được khả năng tập trung của học sinh trong mỗi giờ học, nhiều học sinh làm việc riêng nhưng giáo viên không theo dõi, nắm bắt được.
Thứ ba, sự tương tác, giao tiếp giữa giáo viên và học sinh còn nhiều hạn chế.
Chính vì 3 vấn đề trên, học sinh học trực tuyến cảm thấy rất nhàm chán, khó tiếp thu và thường ngủ gật, làm việc riêng trong giờ học”, Lê Văn Anh Tín chia sẻ.
Trước thực trạng đó, 4 chàng trai đã bắt đầu tiến hành các bước thiết kế phần mềm tạo bài giảng trực tuyến công nghệ cao.
Với phần mềm này, việc thiết kế bài giảng sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng ngay cả với những giáo viên không thành thạo công nghệ nhờ sự tích hợp nhiều ứng dụng khác nhau.
Ứng dụng công nghệ cao, tạo bài giảng online hấp dẫn
Dự án Rebo được sáng tạo dựa trên việc tích hợp kho dữ liệu hình ảnh 2D, mô hình 3D trực quan cùng các khung nền sinh động tạo sự thu hút, ấn tượng cho bài giảng.
Công cụ này sẽ tạo nên thư viện bài giảng đa dạng để các giáo viên tham khảo. Học sinh cũng có thể học thông qua bài giảng có sẵn được các thầy cô từ khắp nơi sử dụng phần mềm cập nhật lên qua quá trình tự động cập nhật, phân loại.
Điều đặc biệt là với kho mô hình 3D, bài giảng gần như đem đến mô hình học tập trực quan sinh động, rõ nét nhất.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ AR - thực tế ảo tăng cường và phương pháp tiếp cận mô hình 3D giúp bài giảng trở nên hấp dẫn, thú vị hơn. Học sinh quan sát trực quan, dễ hiểu, tiếp thu kiến thức dễ dàng và không còn cảm giác nhàm chán như cách học online truyền thống.
Võ Nguyễn Đình Trí, đội trưởng dự án Rebo cho biết: “Hiện tại, cả nhóm vẫn đang nghiên cứu để ứng dụng công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo vào trong phần mềm. Điều này sẽ cho phép giáo viên tìm kiếm nguồn tài liệu ngay trên phần mềm một cách tiện lợi nhất.
Ví dụ khi gõ “Sinh học 11 - Rễ cây” thì các nguồn ảnh, mô hình sẽ xuất hiện cho giáo viên chọn lựa đưa vào bài giảng”.
Bài giảng tích hợp nhiều câu hỏi trắc nghiệm và tự luận bắt buộc tất cả học sinh cùng tham gia trả lời (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Cũng theo Đình Trí, vấn đề mấu chốt của việc học online là việc quản lý, kiểm soát và theo dõi quá trình tham gia xây dựng bài của học sinh.
“Rõ ràng, việc kiểm soát độ tập trung của học sinh trong tiết học chỉ thông qua màn hình máy tính chưa bao giờ là một việc dễ dàng.
Phần mềm thiết kế bài giảng trực tuyến của chúng em sẽ tạo ra hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận ngay trong tiết học và bắt buộc tất cả học sinh đều phải tham gia trả lời.
Học sinh phải tập trung vào bài giảng thì mới có thể đưa ra câu trả lời. Nếu học sinh không tập trung, không theo dõi bài giảng thì sẽ không thể trả lời hoặc bỏ qua nhiều câu hỏi.
Phần mềm cũng có công cụ chấm điểm sau mỗi tiết dạy.
Như vậy, giáo viên có cơ sở để đánh giá quá trình học trực tuyến của các học sinh. Học sinh sẽ phải tham gia học tập một cách tích cực, chủ động, tránh hiện tượng ngủ gật, làm việc riêng khi học online”, Đình Trí chia sẻ.
Theo chia sẻ của các thành viên tham gia dự án Rebo, học online theo cách truyền thống trên nền tảng gọi video trực tuyến rất dễ gây nhàm chán, khiến học sinh ngủ gật, không khơi dậy được hứng thú học tập của học sinh vì bài giảng quá nhiều chữ, thiếu sinh động, không có hình ảnh minh họa và đặc biệt là không có câu hỏi để tương tác với học sinh.
Câu hỏi tương tác ở đây là cả lớp phải cùng trả lời, chứ không dành riêng cho 1 thành viên bất kỳ trong lớp.
Dạy và học online được thực hiện trên các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính,… Vậy việc ứng dụng công nghệ vào dạy học là một lựa chọn thông minh và hoàn hảo nhất.
“Việc thiết kế một bài giảng công phu tích hợp nhiều hình ảnh, công nghệ là khó khăn với nhiều giáo viên. Phần mềm này sẽ giúp giáo viên giải quyết khó khăn đó.
Trước đây, thiết kế bài giảng với Powerpoint là phổ biến nhưng trong dạy học trực tuyến, Powerpoint còn tồn tại hạn chế, nó chỉ hỗ trợ tạo Slide đơn giản, không thể thêm hình 3D, không thể tạo tương tác giữa giáo viên và học sinh”, Phan Đình Cường nhấn mạnh.
Ứng dụng hình ảnh 3D giúp việc học online trở nên hấp dẫn, ấn tượng và dễ tiếp thu đối với học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nói về mục đích của dự án này, Hoàng Trọng Gia Huy chia sẻ:
“Phần mềm sẽ giải quyết hiện tượng học sinh khó hòa nhập, dễ phân tâm, học tập kém hiệu quả trong lớp học trực tuyến và cả học trực tiếp trên lớp.
Ngoài ra, giáo viên tiết kiệm thời gian chuẩn bị, thiết kế các bài giảng, nâng cao chất lượng bài giảng.
Nhờ tích hợp công nghệ mà nó kích thích tư duy, sự sáng tạo của học sinh qua hoạt động tương tác, trải nghiệm với bài giảng, nâng cao khả năng tự học, tự tìm tòi nghiên cứu của học sinh.
Phần mềm cũng góp phần đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh trong dạy học trực tuyến và giảng dạy trên lớp theo đề án, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc thiết kế bài giảng tích hợp với các nền tảng gọi video trực tuyến như Google Meet, Zoom... sẽ đảm bảo tiết học trở hiệu quả nhất”.
Đến thời điểm hiện tại, dự án Rebo đã thực hiện được đến 80%, về mặt kỹ thuật cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn phần nội dung phải bổ sung.
Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được các thầy cô tại Trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh và Trường Đại học FPT sử dụng thử nghiệm.
Sản phẩm này đã được các bạn trẻ gửi tham gia chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020.
Trước đó, năm 2019, Võ Nguyễn Đình Trí – đội trưởng dự án Rebo cùng Nguyễn Quang Đức với công trình biên soạn sách Sinh học 10 bằng công nghệ thực tế ảo đã đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Khi phần mềm thiết kế bài giảng online đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, nhóm bạn trẻ lại ấp ủ kế hoạch xây dựng cộng đồng thư viện bài giảng cao cấp để giáo viên và học sinh cùng chia sẻ, sử dụng.
Chia sẻ về dự định và kế hoạch sắp tới, Đình Trí cho biết: “Những thư viện điện tử hiện nay nguồn tài liệu phong phú nhưng một số tài liệu, bài giảng thiết kế đã quá lỗi thời, dễ nhàm chán và không phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay.
Bên cạnh đó, hầu hết những thư viện đó đều tính phí. Chúng em muốn phát triển mô hình thư viện miễn phí với bài giảng cao cấp, giúp giáo viên, học sinh chủ động nghiên cứu học tập mọi lúc, mọi nơi”.