Thầy cô vùng khó với nhiều sáng kiến để “giữ chân” học sinh đến trường sau Tết

26/01/2025 07:06
Anh Tú
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Học sinh vùng khó thường có tâm lý nghỉ Tết kéo dài do tham gia các lễ hội hoặc mải đi làm phụ gia đình..., thầy cô trăn trở tìm nhiều giải pháp “giữ chân”.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, việc học sinh tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghỉ học là điều khá phổ biến.

Học sinh thường có tâm lý nghỉ Tết kéo dài do các lễ hội, văn hoá truyền thống

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường (Bắc Mê, Hà Giang) cho hay: “Sau dịp Tết Nguyên đán, tỷ lệ học sinh đến trường trên địa bàn thường khá thấp. Tình trạng này thường kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng, thậm chí có những năm kéo dài đến hết tháng.

Tại huyện Bắc Mê, đặc điểm dân cư đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (37,86% dân tộc Dao, 22,34% dân tộc Tày, 22,21% dân tộc Mông), các em học sinh thường có tâm lý nghỉ Tết kéo dài do các lễ hội, văn hoá truyền thống. Ngoài ra, có học sinh tận dụng thời gian này để phụ giúp gia đình công việc đồng áng, chăm sóc gia súc, gia cầm,...

Bên cạnh đó, có những học sinh theo bạn bè xuống khu công nghiệp ở thành phố để kiếm tiền, nhưng do chưa đủ tuổi lao động và thiếu kỹ năng, các em thường chỉ làm được vài ngày rồi lại phải về. Một số khác bị bạn bè rủ rê, thấy bạn bè có điện thoại, tiền bạc để chi tiêu, nên cũng muốn thử sức, nhưng cuối cùng đều phải quay lại khi nhận ra không thể bám trụ lâu dài. Những trải nghiệm này đôi khi khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc về giá trị của việc học hành, cho rằng việc kiếm tiền nhanh chóng có thể thay thế cho con đường học vấn.

Ngoài ra, nhiều gia đình chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc học, chưa đôn đốc con em mình trở lại lớp đúng thời gian quy định. Một số phụ huynh còn chủ quan cho rằng, việc giúp học sinh học tập là chuyện của nhà trường, bản thân không cần quá quan tâm vào việc nhắc nhở con em mình. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh dễ dàng bỏ học sau kỳ nghỉ Tết, nếu không có sự can thiệp kịp thời từ nhà trường. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho công tác duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp, mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục tại địa phương”.

461268595_3019929294831221_4742783936940374914_n.jpg
Thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường (Bắc Mê, Hà Giang). Ảnh: NVCC.

Tại huyện Yên Minh (Hà Giang), tình trạng học sinh nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết cũng đang là một vấn đề nan giải đối với ngành giáo dục hằng năm. Thông thường, sau kỳ nghỉ dài, nhiều em chưa sẵn sàng quay lại lớp học, một phần vì đã quen với không khí lễ hội, phần khác vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình.

Nhiều năm qua, công tác tại điểm trường làng Chư, chỉ với vỏn vẹn 20 học sinh tiểu học, thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ (Yên Minh, Hà Giang) vẫn phải chứng kiến khung cảnh “đìu hiu” hơn sau mỗi dịp Tết.

Thầy Nghĩa kể: “Có năm, tỷ lệ học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ chỉ đạt 75%. Trước tình hình đó, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp nhằm vận động học sinh trở lại lớp học sau Tết. Thầy cô giáo phải thường xuyên liên hệ với phụ huynh để trao đổi, giải thích về tầm quan trọng của việc học tập đối với tương lai của con em họ. Những giáo viên như chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc gọi điện, mà còn phải trực tiếp đến từng nhà để động viên.

Tuy nhiên, việc vận động học sinh đi học sau Tết chưa bao giờ là dễ dàng. Có những hôm trời rét buốt, quãng đường núi vừa xa vừa gập ghềnh, các thầy cô vẫn kiên nhẫn đi bộ nhiều giờ đồng hồ đến nhà để gặp phụ huynh học sinh. Đôi khi, thầy cô phải đi lại rất nhiều lần, mới có thể thuyết phục được phụ huynh cho con em quay lại trường...

Có những gia đình cho rằng, việc học là không cần thiết, hoặc không đủ điều kiện để cho con tiếp tục đến trường, thậm chí, có học sinh rất muốn đi học nhưng bị ràng buộc bởi công việc gia đình. Vì vậy, các thầy cô đều phải nhẹ nhàng, kiên nhẫn giải thích, động viên từng chút một. Mỗi lần đến nhà, thầy cô phải mang theo sự chân thành để thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và truyền cảm hứng cho học sinh”.

Tuy vậy, trong ký ức của thầy Nghĩa, vẫn có thật nhiều những kỷ niệm khó quên khi đi vận động học sinh: “Có lần, khi đến thăm một gia đình vào chiều muộn, chúng tôi được mời ở lại ăn cơm. Dù chỉ là bữa cơm đạm bạc với rau rừng và bát canh loãng, nhưng sự hiếu khách và nụ cười chân thành của phụ huynh học sinh khiến chúng tôi thực sự ấm lòng.

Hay như một lần khác, khi đang đi trên đường núi, bất ngờ trời đổ mưa rào, đường trơn trượt khiến chúng tôi ngã liên tục, nhưng nghĩ đến các em học sinh, chúng tôi lại tiếp tục đứng lên và đi tiếp. Chính những khoảnh khắc như vậy đã giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc đầy ý nghĩa này, vì tin rằng, chỉ cần một em học sinh quay lại trường, đã là một thành công”.

Các hoạt động khảo sát tại các xã đảo xa xôi (Cát Bà - Hải Phòng, Nhơn Châu - Bình Định, Nam Du - Kiên Giang).png
Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ (Yên Minh, Hà Giang) cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Sáng kiến, giải pháp “giữ chân” học sinh

Cô Hoàng Thị Nguyệt, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh (Xín Mần, Hà Giang) cũng chia sẻ: “Năm học 2023-2024, tôi được giao phụ trách một lớp gồm 29 học sinh, trong đó có 9 em thuộc diện hộ nghèo, với hoàn cảnh gia đình hết sức éo le. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nương tựa ông bà đã già yếu, có em cha mẹ mắc bệnh nặng không còn khả năng lao động, thậm chí có những em là con út trong gia đình đông con, tới 7-8 anh chị em... Những hoàn cảnh ấy khiến các em thường xuyên bỏ học vì phải phụ giúp gia đình hoặc không có đủ điều kiện tiếp tục đến trường.

Đặc biệt, thời điểm sau Tết là lúc học sinh nghỉ học nhiều nhất. Một số em theo cha mẹ lên nương, có em đi làm thuê xa,... Biết rõ điều đó, nhà trường đã phân công giáo viên đến từng nhà để vận động.

Có gia đình ở cách trường hàng chục cây số, đường núi trơn trượt và đầy hiểm trở. Tôi nhớ nhất vào một ngày trời mưa lớn, đường ngập bùn lầy khiến chiếc xe máy của tôi bị ngã đến 3-4 lần. Áo quần lấm lem, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi vì biết rằng nếu không sớm vận động và thuyết phục, học sinh của mình có thể sẽ nghỉ học mãi mãi. Qua những lời chia sẻ chân thành và sự kiên trì giải thích về tầm quan trọng của việc học, tôi đã nhận được cái gật đầu đồng ý từ cả phụ huynh và học sinh. Đó là một cảm giác nhẹ nhõm và hạnh phúc không gì sánh bằng”.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh (Xín Mần, Hà Giang) gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh. Ảnh: NVCC.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh (Xín Mần, Hà Giang) gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh. Ảnh: NVCC.

Không chỉ dừng lại ở việc đến từng nhà để vận động học sinh, theo cô Hoàng Thị Nguyệt, điều quan trọng hơn là phải có giải pháp lâu dài xuyên suốt cả năm học để “giữ chân” học sinh không chỉ sau dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, nữ giáo viên đã có nhiều sáng kiến giúp giảm tỉ lệ học sinh nghỉ học, đồng thời nâng cao chất lượng dạy học tại nhà trường, địa phương.

Theo đó, cô Nguyệt cho biết: “Đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm tìm phải hiểu hoàn cảnh gia đình và đặc điểm của từng học sinh bằng cách thu thập thông tin từ học bạ, tờ khai lý lịch và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm cũ. Điều này giúp xác định những học sinh cần được hỗ trợ và lập kế hoạch phù hợp. Đồng thời, giáo viên nên thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện, chia sẻ với từng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhằm giúp các em vượt qua mặc cảm, tìm thấy động lực trong học tập và cuộc sống.

Tiếp theo, tổ chức mô hình “đôi bạn cùng tiến”, sắp xếp học sinh giỏi hỗ trợ học sinh yếu, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, đặc biệt là cha mẹ hoặc người giám hộ, để hiểu rõ tác động từ gia đình và khuyến khích họ đồng hành trong việc giáo dục con em.

Đồng thời, duy trì phong trào “Quỹ heo đất” được phát động nhằm gây quỹ hỗ trợ học sinh khó khăn, đồng thời kết hợp với các đoàn thiện nguyện và hội khuyến học để cung cấp đồ dùng học tập, suất quà và học bổng.

Nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý sĩ số như lập nhóm Zalo, Zoom để cập nhật tình hình học tập, trao đổi thông tin với phụ huynh, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Cuối cùng, giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn để phát hiện và khuyến khích năng khiếu của học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em tự tin, hòa đồng và phát huy tối đa tiềm năng bản thân”.

Các hoạt động khảo sát tại các xã đảo xa xôi (Cát Bà - Hải Phòng, Nhơn Châu - Bình Định, Nam Du - Kiên Giang).jpg
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Thịnh (Xín Mần, Hà Giang) gặp gỡ, chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Theo cô Nguyệt, những sáng kiến này không chỉ giúp học sinh vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số, và cải thiện chất lượng giáo dục tại nhà trường. Đồng thời, sáng kiến còn mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thi đua nhằm thu hút học sinh sau Tết

Với những nỗ lực “xoá bỏ” tình trạng học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều địa phương đã bước đầu gặt hái những thành tựu đáng kể.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy (Lệ Thuỷ, Quảng Bình), từ dịp Tết Nguyên đán 2024, tất cả học sinh tự giác trở lại trường, không còn chuyện thầy cô “đi tìm” học sinh như những năm trước.

Cô Công Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy cho hay: “Trước đây, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh không đến trường là điều thường thấy, các em thường mải vui chơi, vào rừng hái măng hoặc làm rẫy giúp gia đình. Giáo viên phải đến từng nhà vận động, thậm chí theo chân học sinh lên nương rẫy hay vào rừng tìm và đưa các em trở lại lớp học.

Tuy nhiên, từ năm 2024, tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, thầy cô giáo không còn phải vất vả tìm kiếm học sinh nữa, thay vào đó, các thầy cô tập trung toàn bộ thời gian vào chuyên môn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho những bài giảng trên lớp”.

Cũng theo nữ Phó hiệu trưởng, sự thay đổi này là kết quả của nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía: “Từ năm 2024, nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh về nhiều vấn đề liên quan đến việc học tập của học sinh thông qua các buổi họp tập trung tại điểm trường chính, đồng thời vận động các gia đình tạo điều kiện để con em đến trường đầy đủ. Ngay từ đầu năm học 2023-2024, phụ huynh cũng được yêu cầu ký cam kết không để con nghỉ học nếu không có lý do chính đáng.

Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Chi hội Phụ nữ cơ sở, các trưởng bản và Đoàn Thanh niên trong việc vận động học sinh. Khi có trường hợp học sinh nghỉ học, các trưởng bản sẽ trực tiếp đến nhắc nhở các em và thông báo ngay cho gia đình. Tại các bản làng, hệ thống loa truyền thanh và kẻng báo hiệu cũng được tận dụng tối đa. Trưởng bản sẽ thông báo lịch học hoặc nghỉ học theo kế hoạch của nhà trường, thậm chí dùng loa để nhắc nhở cụ thể những học sinh nghỉ học không lý do, tạo nên một mạng lưới hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả”.

Hoạt động trước kỳ nghỉ Tết giúp học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường gắn bó với trường, lớp. Ảnh: NVCC.

Hoạt động trước kỳ nghỉ Tết giúp học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường gắn bó với trường, lớp. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ thêm về công tác nâng cao tỷ lệ chuyên cần cho học sinh sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, thầy Nguyễn Công Hoan - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường (Bắc Mê, Hà Giang) cho hay: “Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường luôn đặt nhiệm vụ vận động học sinh quay lại trường là ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, tỷ lệ chuyên cần của học sinh sau Tết Nguyên đán luôn đạt trên 95%. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, từ Ủy ban nhân dân xã đến các Chi bộ thôn, để lập danh sách cụ thể những học sinh chưa trở lại lớp. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc mạnh mẽ, chỉ đạo các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ,... cùng tham gia vận động. Những học sinh không thể liên lạc qua điện thoại, thầy cô giáo sẽ đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân và động viên các em.

Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và liên lạc. Mỗi lớp học đều có nhóm Zalo riêng để giáo viên chủ nhiệm trao đổi trực tiếp với phụ huynh. Việc sử dụng các nhóm này rất hiệu quả trong việc cập nhật thông tin và nắm bắt tình hình của từng học sinh. Điều này cũng giảm đáng kể công sức vận động so với trước đây, khi giáo viên phải đến tận nhà từng học sinh.

Trước kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động để tạo niềm vui và khuyến khích học sinh gắn bó với trường lớp. Các em được tham gia gói bánh chưng, giã bánh giầy, chơi các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ và nhận những phần quà ý nghĩa từ nhà trường. Sau Tết, chúng tôi tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi, thi đua giữa các lớp nhằm tăng tính đoàn kết và khuyến khích các em đi học đầy đủ. Những phần thưởng như sách vở, dụng cụ học tập hoặc phần quà nhỏ đã góp phần tạo động lực cho các em.

Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện hình thức thi đua giữa các lớp, phòng bán trú. Phòng nào có tỷ lệ chuyên cần cao nhất hoặc tỷ lệ nghỉ học thấp nhất trong tháng sẽ được khen thưởng. Điều này không chỉ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các lớp mà còn khuyến khích học sinh tự giác hơn trong việc đến trường. Nhiều lớp đã duy trì được tỷ lệ chuyên cần ổn định nhờ vào tinh thần thi đua này.

Nhờ những nỗ lực này, tỷ lệ học sinh trở lại trường và duy trì sĩ số sau Tết tại nhà trường đã được cải thiện đáng kể. Các em cảm thấy được quan tâm, gắn bó với thầy cô và bạn bè, từ đó ý thức hơn về việc học tập”.

Anh Tú