Thanh tra ăn nghỉ ở điểm thi, nhờ nhà dân thì phải cả nể, bị đồng hóa

09/07/2016 08:21
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Kỳ thi quốc gia năm 2016 được được đánh giá là thành công tốt đẹp tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm về công tác thanh tra, coi thi.

Nằm trong lộ trình cải tiến hình thức thi, trong kỳ thi quốc gia năm 2016, Bộ GD&ĐT có chủ trương huy động cán bộ giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng làm công tác thanh tra ủy quyền tại các điểm thi do các trường đại học, cao đẳng chủ trì. 

Trung bình 5 phòng thi có 1 thanh tra giám sát, vì thế phạm vi bao quát của thanh tra đã tốt hơn. 

Có thể khẳng định vai trò của thanh tra ủy quyền rất quan trọng trong việc bảo đảm tính chất nghiêm túc của kỳ thi.
 
Nhiều điểm “nóng” đã hạ nhiệt với sự phát huy vai trò của thanh tra ủy quyền. 

Một số vấn đề cần khắc phục trong công tác thanh tra, coi thi (Ảnh: Thùy Linh)
Một số vấn đề cần khắc phục trong công tác thanh tra, coi thi (Ảnh: Thùy Linh)

Nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc chấp hành nghiêm túc quy chế của kỳ thi cũng được cải thiện rõ rệt. 

Tuy nhiên, ở các điểm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, Bộ GD&ĐT vẫn giao cho thanh tra của các Sở "cắm chốt", chịu trách nhiệm chính thì nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả hoạt động của lực lượng này bởi thanh tra Sở đều là “người nhà” trong tỉnh cả. 

Trước đây, có hai lực lượng thanh tra Bộ và thanh tra Sở cùng "cắm chốt, vừa phối hợp vừa dè chừng, “giữ thế” lẫn nhau, không bên nào dám chủ quan, sơ suất... 

Còn nay, thanh tra Bộ chỉ đi thanh tra đột xuất, trong khi số lượng các hội đồng thi là không nhỏ, nên vẫn còn xảy ra tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.

Thanh tra ăn nghỉ ở điểm thi, nhờ nhà dân thì phải cả nể, bị đồng hóa ảnh 2

TS. Lê Viết Khuyến: Có thể dùng đề thi để tránh tiêu cực trong thi cử

(GDVN) - Trong đề thi nên mạnh dạn dùng các dạng trắc nghiệm khách quan, đề dạng này không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng nên mới hạn chế tiêu cực trong thi cử.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động giữa các đoàn thanh tra do Sở điều động là không đồng đều nên sẽ xảy ra tình trạng có điểm thi thanh tra làm khắt khe có điểm thi thì dễ dãi. 

Và vẫn còn xuất hiện tâm lý cả nể, ngại xử lý do phần lớn thành viên của các đoàn thanh tra đều là giáo viên các bộ môn được huy động từ các trường THPT. 

Ở một số hội đồng thi đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đội ngũ thanh tra ủy quyền vẫn phụ thuộc đơn vị sở tại việc ăn, nghỉ trong suốt mấy ngày thi. 

Thậm chí có nhiều đoàn thanh tra phải ăn, nghỉ ngay trong nhà dân. Vì thế ở một số nơi trong đội ngũ thanh tra xuất hiện tâm lý cả nể, thậm chí bị “đồng hóa” trước sự đón tiếp ân cần niềm nở của hội đồng thi và người dân sở tại. 

Trong phòng thi, người trực tiếp giám sát, theo dõi quá trình làm bài của các thí sinh là cán bộ coi thi

Mặc dù, đây là khâu quan trọng nhưng trong các kỳ thi trước, coi thi lại là khâu có nhiều điều tiếng nhất. Những vụ “loạn thi” ở Hà Tây và Nghệ An trước đây cũng xuất phát từ sự yếu kém về nghiệp vụ của cán bộ coi thi. 

Trong kỳ thi quốc gia năm 2016, chất lượng cán bộ coi thi đã được chú trọng hơn. 100% giáo viên được đổi chéo giữa các hội đồng thi để đảm bảo tính khách quan. 

Tình trạng thí sinh sử dụng “phao thi” đã ít đi rất nhiều. Mặc dù không thể phủ nhận việc có một số thí sinh vẫn cố tình mang tài liệu vào phòng thi nhưng chính các thí sinh này cũng nhận xét là không dễ sử dụng bởi giám thị coi thi chặt chẽ. 

Thanh tra ăn nghỉ ở điểm thi, nhờ nhà dân thì phải cả nể, bị đồng hóa ảnh 3

Giám thị phải bỏ coi thi vì nhận được tin nhà mình bị cháy

(GDVN) - Một giám thị đang coi thi, thì nghe tin nhà bị cháy nên phải bỏ giữa chừng, và được cụm thi thay thể bằng một giám thị khác.

Nhất là các giám thị đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn từ xa việc thí sinh mang tài liệu vào phòng thi cho nên số thí sinh vi phạm quy chế thi trong kỳ thi năm 2016 đã giảm hẳn so với các năm trước. 

Đó là một tín hiệu đáng mừng. Có được kết quả ấy là do cán bộ làm công tác coi thi đã nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về tầm quan trọng của khâu coi thi trong việc đánh giá chất lượng của học sinh.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác coi thi năm 2016 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. 

Trước hết là việc huy động nhiều sinh viên, học viên làm công tác coi thi. Do chưa được cọ xát, làm quen với những kỳ thi quan trọng có sức ép lớn khiến một số sinh viên, học viên còn ít kinh nghiệm trong nghiệp vụ, kỹ năng coi thi. 

Tình trạng có một độ “vênh” nhất định trong kỹ năng, nghiệp vụ coi thi giữa giáo viên THPT và đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên từ các trường Đại học, Cao đẳng đã dẫn đến sự phối hợp giữa các giám thị chưa thật nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. 

Đã có trường hợp giám thị không nắm rõ nghiệp vụ coi thi, ký nhầm vào tờ giấy thi của thí sinh hay việc coi thi lỏng lẻo để “lọt lưới” thí sinh vi phạm kỷ luật phòng thi. 

Thanh tra ăn nghỉ ở điểm thi, nhờ nhà dân thì phải cả nể, bị đồng hóa ảnh 4

Chỉ cần nhìn nét mặt và thái độ là biết thí sinh có gian lận thi cử hay không

(GDVN) - Đại tá Lê Minh Thái cho biết: Thiết bị tinh vi nhằm gian lận trong thi cử thì mắt thường không nhìn thấy nhưng qua hành vi thí sinh có thể nhận diện được.

Việc điều động giáo viên làm nhiệm vụ coi thi quá xa so với nơi công tác cũng là điểm bất hợp lý. 

Không ít giáo viên cảm thấy mệt mỏi khi vừa mới trải qua một năm học căng thẳng đã phải “khăn gói quả mướp” đi xa để coi thi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, xe cộ đi lại, nơi ăn chốn ở không đảm bảo, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khâu coi thi. 

Đó là chưa kể đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra đối với giáo viên đi làm nhiệm vụ giám thị vì phải di chuyển nhiều trong một khoảng cách xa.

Để công tác thanh tra và coi thi đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu trong việc đảm bảo cho kỳ thi năm sau tuyệt đối an toàn nghiêm túc, cần có những biện pháp chấn chỉnh thích hợp nhằm khắc phục, hạn chế những tồn tại nêu trên. 

Theo đó, về công tác thanh tra, cần chú trọng chất lượng của đội ngũ thanh tra.

Mặc dù huy động số lượng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn. Cần ưu tiên tuyển chọn những cán bộ giáo viên có kinh nghiệm. Công tác tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho thanh tra cần phải được quan tâm. 

Bên cạnh các đoàn thanh tra ủy quyền “cắm chốt” tại các điểm thi, cần tăng cường các đoàn thanh tra lưu động, đột xuất nhất là với các “điểm nóng” trong các kỳ thi trước. Một biện pháp quan trọng nữa là phải tăng cường hơn tính độc lập tự chủ của các đoàn thanh tra. 

Trừ những trường hợp bất khả kháng, cần hạn chế tối đa việc bố trí thanh tra ở trong nhà dân để tránh những mối quan hệ “dây mơ rễ má”.

Về công tác coi thi, cần tập huấn kỹ đối với giám thị đặc biệt là đối tượng giáo viên, sinh viên mới coi thi lần đầu. 

Nên chăng, cán bộ coi thi cần trải qua một kỳ kiểm tra sát hạch về kỹ năng, nghiệp vụ coi thi. Giám thị cần nắm chắc những quy định cụ thể về các bước trong quy trình coi thi để hạn chế những sai sót không đáng có nhất là những quy định, hướng dẫn về quy trình thi các môn trắc nghiệm. 

Qua những vi phạm của giám thị trong thực tế, Bộ GD&ĐT có thể tập hợp các “lỗi giám thị dễ mắc” và những “lỗi thí sinh dễ mắc” để niêm yết công khai cho thí sinh và phát cho cán bộ làm công tác coi thi. 

Đó là những bài học thực tế sinh động rất bổ ích cho người làm công tác coi thi, nên phổ biến rộng rãi. Việc phân công, điều động cán bộ làm công tác coi thi cũng cần hợp lý hơn, bởii không phải cứ điều giáo viên đi coi thi ở xa là việc coi thi sẽ nghiêm túc, khách quan hơn.

Bùi Minh Tuấn