Ngày 15/12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Tại buổi tọa đàm, GS.Đào Trọng Thi – Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ra những vấn đề nhức nhối của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Giáo dục mầm non chưa được Hiến pháp và Pháp luật nước ta xác định là cấp học được ưu tiên, trong khi bậc Tiểu học và THCS được coi là phổ cập và tiến tới phổ cập thì giáo dục mầm non “bị bỏ rơi”.
GS.Đào Trọng Thi thừa nhận rằng, chất lượng giáo dục mầm non đặc biệt ở nhóm trông trẻ tự phát, không đăng ký hoạt động là rất thấp.
Trong khi đó phương thức hỗ trợ các trường tư thục chưa được hưởng ưu tiên từ Nhà nước, các trường công lập lại có toàn bộ những ưu đãi này.
Chính vì vậy đã dẫn tới tình trạng bố mẹ “xin”, “chạy”, xếp hàng từ nửa đêm để con được một suất vào trường công lập.
GS.Đào Trọng Thi phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 15/12 (Ảnh: Xuân Trung) |
“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào thực tế, để phát triển mạng lưới các trường công lập đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân là bất khả thi. Do vậy, chúng ta cần khuyến khích giáo dục tư thục” GS.Đào Trọng Thi lưu ý.
Muốn làm được điều này thì Nhà nước cần tăng cường chính sách để các trường tư thục tham gia đăng ký đảm bảo chất lượng và phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
GS.Đào Trọng Thi đề xuất, về lâu dài cần đảm bảo tài chính bằng cách hỗ trợ tính theo đầu trẻ chứ không được phân biệt trường công lập hay trường tư thục.
Những vấn đề nhức nhối của giáo dục phổ thông
Theo GS.Đào Trọng Thi, giáo dục phổ thông cần tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm sau:
Thứ nhất, về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần:
Một là, đảm bảo tiến độ triển khai.
“Tôi nghe tin Bộ GD&ĐT đang rậm rịch xin kéo dài thời gian triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa. Việc này nếu không kiên quyết, không tích cực sẽ kéo theo tất cả các khâu khác đều chậm.
Chậm chương trình dẫn tới chậm biên soạn sách giáo khoa và như vậy quá trình đổi mới sẽ bị chậm”, GS.Đào Trọng Thi bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm tiến độ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mới.
Hai là, cần phải hiểu rõ một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là như thế nào?
GS. Đào Trọng Thi đề cập tới một vấn đề bất thường là trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới còn chưa được hoàn thiện thì nhiều địa phương đã bắt đầu biên soạn sách giáo khoa.
GS.Nguyễn Lân Dũng: Muốn kết quả tốt, cả ngành giáo dục phải cố gắng, trung thực(GDVN) - Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi trước một đề án lớn, rất mong được nghe thêm ý kiến của các bạn đồng nghiệp. |
“Hiện TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương muốn soạn thảo bộ sách giáo khoa riêng, theo tôi điều này không đúng với tinh thần “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” mà Nghị quyết của Quốc hội quy định.
“Bởi theo Nghị quyết, chúng ta vận động các tổ chức, cá nhân viết nhiều sách giáo khoa để các Nhà trường được chủ động lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở thống nhất với giáo viên và học sinh.
Khi địa phương viết sách giáo khoa thì chắc chắn sẽ bắt các trường trong địa bàn chọn sách của địa phương mình. Như vậy, từng địa phương biên soạn sách giáo khoa là sai về tư tưởng và trái luật”, GS.Thi nhấn mạnh.
Có ý kiến về vấn đề này, tại buổi tọa đàm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, ông Chu Lê Trinh đưa giả thuyết:
“Bây giờ chỉ có một vài địa phương nhưng sau này cả 63 tỉnh, thành đều biên soạn sách giáo khoa, mỗi tỉnh, thành có một bộ sách giáo khoa riêng. Học sinh địa phương nào phải học sách giáo khoa của địa phương đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?".
Liên quan tới việc này, ni cô Thích Nữ Tín Liên, Đoàn đại biểu TP.Hồ Chí Minh cho biết Thành phố có biên soạn bộ sách giáo khoa nhằm khắc phục được nhược điểm của bộ sách giáo khoa hiện hành của Bộ GD&ĐT, tăng nội dung thực hành, thí nghiệm, tiếp cận với khoa học thế giới.
Nhưng do còn chờ Bộ GD&ĐT hoàn thiện chương trình giáo dục mới và cho phép sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa nên TP.Hồ Chí Minh vẫn sử dụng bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT là chính, chỉ kết hợp dạy thêm nội dung thực hành trong bộ sách của Thành phố.
Ni cô cũng cho biết thêm, việc này đã hình thành một số lớp “chuyên” được tiếp cận bộ sách của Thành phố, đây cũng là lý do TP.Hồ Chí Minh xin được tổ chức thi tốt nghiệp THPT riêng nhưng chưa được chấp thuận.
Thứ hai, vận dụng thích hợp dạy học tích hợp và phân hóa.
Đây là vấn đề rất mới, chúng ta đã có những quyết định, những chủ trương nhưng làm thế nào để đảm bảo hợp lý, có lộ trình thì đây lại là vấn đề lúng túng.
Khi rộ lên việc dạy tích hợp môn này môn kia. “Tôi băn khoăn mãi những khó khăn thực sự gặp phải đã được tháo gỡ hay chưa thì đến nay chưa thấy câu trả lời”, GS. Thi nêu ý kiến.
Thứ ba, thực hiện phân luồng có hiệu quả.
GS.Đào Trọng Thi khẳng định: “Đây là điểm yếu của chúng ta”. Phân luồng cần lưu ý 2 nội dung:
Một là, phân luồng chủ động sau bậc THCS. Thực tế cho thấy, hiện nay chúng ta rất ít nói về phân luồng sau bậc THCS mà chỉ chăm chăm nói về phân luồng sau bậc THPT.
Rõ ràng, phân luồng sau THPT là bắt buộc, là bị động bởi học sinh đã được thử sức với nhiều kỳ thi thử đại học. Còn phân luồng sau THCS mới là quan trọng để học sinh xác định học giáo dục nghề nghiệp, trung cấp nghề hay cao đẳng nghề…
Thứ tư, về đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh.
"Phương án thi năm 2017 có nhiều tiến bộ và đi đúng định hướng. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục thực hiện cùng với việc tăng cường phân cấp phổ thông, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng", GS.Thi nêu quan điểm.
Tất cả những điều này cần có chiến lược dài hạn, đúng định hướng và có lộ trình hợp lý để đi tới đích cuối cùng chứ không phải làm tùy tiện giống như hai kỳ thi năm 2014, 2015.
Bộ Giáo dục không đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh thi riêng(GDVN) - Bộ GD&ĐT có công văn số 4903/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, trả lời chính thức về đề xuất thẩm định Đề án thi và xét tốt nghiệp của TP.Hồ Chí Minh. |
Hai kì thi này không những không phân cấp cho địa phương mà còn tập trung về Bộ GD&ĐT, không những không giao quyền tự chủ cho các trường mà Bộ còn coi mình là nơi duy nhất thực hiện quyền tuyển sinh.
Do đó, thời gian tới chúng ta cần phân cấp, tự chủ từng bước để mỗi năm tăng lên một chút. Như vậy mới gọi là có lộ trình.
Về phương pháp thi trắc nghiệm khách quan sẽ được áp dụng ở đa số các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, GS.Thi lưu ý: “Phương pháp này đảm bảo tránh tiêu cực tuy nhiên đây là phương pháp mới với chúng ta nên cần đầu tư nhiều”.
Thứ năm, tránh dạy thêm học thêm tràn lan, biến tướng.
Theo quan điểm của GS.Đào Trọng Thị, khi tránh được dạy thêm, học thêm biến tướng thì sẽ không còn tình trạng tràn lan.
Do học thêm là nhu cầu đa dạng và chính đáng của nhiều học sinh. Nếu nói chỉ cần học ở trường mà vẫn đi thi được là không đúng, bởi học thêm sẽ cho kết quả tốt hơn.
Giả sử bình thường kiểm tra chỉ được 5 điểm nhưng học thêm sẽ được 6 điểm.
Và chúng ta cũng không thể phủ nhận nhu cầu của học sinh, em học trung bình muốn trở thành học sinh khá, em học khá muốn trở thành học sinh giỏi cộng thêm những nhu cầu khác của phụ huynh muốn có nơi quản lý con em những lúc bố mẹ đi làm.
Vì có nhu cầu chính đáng nên chúng ta phải đáp ứng.
Tuy nhiên, học sinh cần được học theo tinh thần tự nguyện, các em được tự lựa chọn môn học và được lựa chọn thầy cô giáo chứ không phải do áp lực của Nhà trường, của giáo viên.
Giáo viên dạy thêm phải đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh và Nhà trường không được tổ chức dạy thêm tránh tình trạng bắt phụ huynh kí giấy tự nguyện cho con em mình học thêm trong khi Nhà trường đã in tất cả các nội dung.
Những câu hỏi “bao giờ…” gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Và giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình để tránh tình trạng thầy cô giữ lại một phần nội dung bài giảng trên lớp để về nhà dạy hoặc đưa nội dung kiểm tra vào giờ dạy thêm.
Cơ sở dạy thêm phải độc lập với Nhà trường.
Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ chất lượng các cơ sở dạy thêm và giáo viên dạy thêm.
Ngoài ra, tọa đàm cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Trong đó, các nội dung liên quan đến giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học, cơ sở vật chất giáo dục, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục…
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia.
Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc sâu hơn với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trong thời gian tới.