Theo thông tin phản ánh từ phía phụ huynh liên quan đến sự việc cô giáo Trần Thị Q. (sinh năm 1984), giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên (địa chỉ tại thôn 8, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nhiều năm nay không đến lớp, đến trường, nhiều đồng nghiệp không biết mặt, thế nhưng cô vẫn có tên trong danh sách cán bộ, giáo viên tại ngôi trường này suốt thời gian dài.
Để tìm hiểu trường hợp kỳ lạ này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương để xác minh.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Phong Sắc / Báo Thanh Hóa. |
Qua điện thoại, nói về trường hợp của cô giáo Trần Thị Q. bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương cho biết: “Việc này phải liên lạc với bên Nội vụ”.
Khi được hỏi Phòng Giáo dục và Đào tạo có nắm được sự việc hay không, bà Thu cho biết mình phải kiểm tra lại bởi “việc này do bên Nội vụ họ ký hợp đồng các thứ” và đến thời điểm này trường chưa báo cáo gì về trường hợp này với Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ với ông Mã Văn Thanh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Xương để tìm hiểu về trường hợp của cô giáo Trần Thị Q..
Qua điện thoại, ông Mã Văn Thanh xác nhận có trường hợp của nhân viên có tên Trần Thị Q. ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên.
Lý giải cụ thể về trường hợp này, ông Mã Văn Thanh cho biết: “cô giáo Trần Thị Q. là lao động hợp đồng của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương từ ngày 31/5/2019.
Ở đây không phải là không đi dạy mà vấn đề là khi người ta sinh nở thì người ta nghỉ, khi hết thời gian nghỉ thì con người ta ốm thì người ta lại nghỉ tiếp. Đây là trường hợp hợp đồng lao động, không phải là hợp đồng làm việc.
Khi con cô này ốm đau liên miên thì cô này chờ để thanh lý hợp đồng”.
Thời gian nghỉ của cô giáo Q. được ông Thanh cho biết là từ tháng 5/2020. “Người ta cũng không nhận lương, lấy lương gì cả”, ông Thanh nêu.
Việc cô Q. có tên theo danh sách được Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Xương lý giải là do khi sáp nhập 2 trường lại với nhau nhưng vẫn có tên trong danh sách vì cô giáo Q. đang nghỉ sinh.
“Đến bây giờ cô giáo này chưa có đơn xin nghỉ việc nhưng nhà trường đã báo cáo để Phòng Nội vụ làm thông báo gửi nhà trường, gửi cho người lao động.
Trong vòng 45 ngày chúng tôi sẽ gọi người lao động lên thanh lý hợp đồng lao động. Cô giáo Q. vẫn chưa có đơn xin nghỉ nhưng vẫn nghỉ không lương”, ông Mã Văn Thanh nói thêm.
Khi được hỏi cô giáo Q. có đơn xin nghỉ không lương hay không, ông Mã Văn Thanh cho biết “cái đó thì (cô Q.) xin nhà trường”.
Việc xác định cô Q. có nhận lương trong thời gian không đến trường hay không, ông Thanh cho biết: “Viêc này được xác định theo báo cáo của nhà trường và do Kho bạc Nhà nước họ báo cáo sang. Theo báo cáo của bên Kho bạc huyện thì cô Q. không có danh sách nhận lương từ tháng 5/2020”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên được thành lập năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương đã có Quyết định số 5390/QĐ-UBND về việc sáp nhập Trường tiểu học Quảng Giao và Trường trung học cơ sở Quảng Giao thành Trường tiểu học và trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên.
Tại Quyết định, danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường là cán bộ giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học và trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên có danh sách 39 người.
Sau đó, vào thời điểm đầu năm học 2021- 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương tiếp tục có Quyết định số 5921/QĐ-UBND về việc giao biên chế, số người làm việc tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Xuân Nguyên.
Theo Quyết định, số người hưởng lương tại đơn vị là 40 người, giao số người làm việc tại đơn vị là 40 người, tuy nhiên thực tế nhân sự tại trường chỉ là 38 người. (do cô Q. không đến trường, và 1 nhân viên hành chính mới tử vong).