Sơ đồ hóa trong sách giáo khoa là cách tiếp cận kiến thức thông minh, hiệu quả

24/04/2025 08:46
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi nhìn vào sơ đồ, học sinh có thể nhanh chóng gợi nhớ được các nội dung đã học, đồng thời dễ dàng liên hệ giữa các phần kiến thức với nhau.

Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống là một trong những bộ sách giáo khoa tiêu biểu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mang tinh thần đổi mới toàn diện cả về nội dung lẫn phương pháp.

Một điểm nổi bật tạo nên tính ưu việt của bộ sách này chính là việc tích hợp phương pháp nghiên cứu sơ đồ hóa – giúp học sinh dễ dàng hình dung, hệ thống hóa kiến thức và phát triển tư duy logic. Thông qua các sơ đồ tư duy, sơ đồ phân nhánh hay mô hình hóa nội dung, học sinh không chỉ ghi nhớ hiệu quả mà còn hiểu sâu, từ đó vận dụng kiến thức linh hoạt vào thực tiễn.

Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều ưu điểm vượt trội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Phượng - nhóm trưởng Công nghệ Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Trước khi quyết định lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để triển khai giảng dạy trong nhà trường, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo tổ chuyên môn phối hợp cùng các giáo viên bộ môn chủ động nghiên cứu, so sánh, đối chiếu kỹ lưỡng giữa các bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc tìm hiểu không chỉ dựa trên nội dung bài học mà còn đặc biệt chú trọng đến phương pháp tiếp cận kiến thức, ngôn ngữ trình bày, khả năng vận dụng và mức độ phù hợp với đối tượng học sinh thực tế của trường. Sau quá trình khảo sát và đánh giá khách quan, sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã được lựa chọn vì thể hiện rõ tính ưu việt, hiện đại, đồng thời phù hợp với định hướng đổi mới trong công tác dạy học hiện nay.

Đối với môn Công nghệ, sách mang lại nhiều ấn tượng tích cực từ cả phía giáo viên và học sinh. Theo đánh giá của cô Phượng, một trong những ưu điểm nổi bật của sách chính là cấu trúc mạch kiến thức được thiết kế một cách logic, liền mạch, có tính kế thừa cao giữa các khối lớp. Nhờ vậy mà học sinh không bị rơi vào tình trạng “học rời rạc” mà thay vào đó, từng phần nội dung đều được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức của lớp học trước, giúp các em dễ dàng kết nối, tổng hợp và mở rộng kiến thức khi học lên các cấp cao hơn.

Thứ hai, ngôn ngữ trong sách cũng được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, gần gũi với học sinh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và tiếp thu bài học. Các khái niệm kỹ thuật, quy trình công nghệ được giải thích một cách trực quan, sinh động, dễ tiếp cận, dễ dàng tạo hứng thú học tập cho học sinh, đặc biệt là với những em vốn không mạnh về tư duy kỹ thuật.

Công nghệ 6.png
Sách giáo khoa Công nghệ được đánh giá với nhiều điểm ưu việt. Ảnh: website Nhà xuất bản Giáo dục VIệt Nam.

Thứ ba, hệ thống hình ảnh được thiết kế khoa học, sinh động và trực quan. Trên thực tế, hình ảnh trong sách không chỉ đóng vai trò minh họa mà còn là phương tiện truyền tải kiến thức hiệu quả, hỗ trợ học sinh trong việc quan sát, phân tích và hình dung được các quy trình, sản phẩm, dụng cụ kỹ thuật… một cách cụ thể và rõ ràng.

Trong sách Công nghệ - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, các hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với nội dung từng bài học, đồng thời bám sát thực tế đời sống và sản xuất hiện nay. Nhờ đó, học sinh dễ dàng liên hệ kiến thức lý thuyết với thực tiễn, nâng cao tính ứng dụng và khả năng vận dụng sau bài học.

Đặc biệt, đối với những nội dung mang tính kỹ thuật trừu tượng hoặc quy trình công nghệ phức tạp, hình ảnh đóng vai trò như một “bản đồ thị giác” giúp học sinh tiếp cận nội dung nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn.

Ngoài ra, sách còn tích hợp sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ kỹ thuật rõ ràng, mạch lạc, hỗ trợ việc học theo hướng tư duy sơ đồ hóa. Điều này không chỉ thuận tiện cho học sinh trong quá trình học mà còn giúp giáo viên dễ dàng tổ chức hoạt động dạy học trực quan, sinh động và hiệu quả hơn.

gdvn_công nghệ 3.jpg
Sách Công nghệ sử dụng hệ thống hình ảnh được thiết kế khoa học, sinh động và trực quan. Ảnh: Đào Hiền

Cùng nhận xét bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, thầy Phạm Văn Đông - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Vật Lý - Công nghệ, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cũng cho rằng, sách Vật lý - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống ghi dấu ấn với những ưu điểm vượt trội, phục vụ tốt cho công tác dạy và học.

Theo đó, sách thể hiện rất rõ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của người học khi không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức lý thuyết mà còn khuyến khích học sinh phát triển khả năng thực hành, tư duy logic và giải quyết vấn đề.

Điển hình, các chủ đề được xây dựng một cách bài bản, rõ ràng và hệ thống, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận các kiến thức vật lý cơ bản và áp dụng vào thực tiễn.

Ví dụ trong chương trình học về "Vật lý nhiệt" thuộc sách giáo khoa Vật lý 12 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, sách không chỉ dừng lại ở việc giải thích các khái niệm cơ bản như sự chuyển thể của các chất khi gặp nhiệt mà còn mở rộng và khai thác sâu các hiện tượng vật lý liên quan đến đời sống và kỹ thuật hiện đại.

Cụ thể, khi học về sự nóng chảy và đông đặc, sách không chỉ nêu định nghĩa, phương trình nhiệt, mà còn minh họa bằng sơ đồ quá trình thay đổi trạng thái cùng đồ thị biểu diễn sự phụ thuộc của nhiệt độ theo thời gian, giúp học sinh dễ dàng quan sát và hiểu quy luật trong quá trình chuyển thể, nhiệt độ không thay đổi dù chất vẫn tiếp tục thu nhận năng lượng.

Đặc biệt, sách còn lồng ghép nhiều tình huống thực tiễn giúp học sinh liên hệ kiến thức với cuộc sống hằng ngày, đồng thời khơi gợi tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức để giải thích các hiện tượng tự nhiên.

gdvn_vly12.jpg
Kiến thức trong sách Vật lý không chỉ giải thích các khái niệm cơ bản mà còn mở rộng và khai thác sâu các hiện tượng vật lý liên quan. Ảnh: Đào Hiền

Thứ hai, sách sử dụng đa dạng thiết kế với hình ảnh minh họa trực quan, từ các biểu đồ chuyển động đến các mô phỏng vật lý, giúp học sinh hình dung rõ ràng các khái niệm trừu tượng.

Cũng trong chương "Vật lý nhiệt", sách sử dụng hình ảnh mô phỏng chuyển động phân tử ở các thể rắn, lỏng và khí. Theo thầy Đông, việc minh họa chuyển động của các phân tử trong ba trạng thái vật chất khác nhau sẽ giúp học sinh dễ dàng nhận diện sự khác biệt về cấu trúc và chuyển động của phân tử trong từng thể.

Ngoài ra, sách còn sử dụng biểu đồ nhiệt độ – thời gian để minh họa quá trình nóng chảy và đông đặc của chất, giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự thay đổi trạng thái của chất dưới tác động của nhiệt.​

“Những hình ảnh và biểu đồ trực quan này không chỉ giúp học sinh dễ dàng hình dung các khái niệm trừu tượng mà còn phát triển khả năng quan sát, phân tích và liên hệ kiến thức với thực tế”, thầy Đông cho hay.

gdvn_vật lý 12.jpg
Các biểu đồ chuyển động đến các mô phỏng vật lý giúp học sinh hình dung rõ ràng các khái niệm. Ảnh: Đào Hiền

Học dễ, nhớ lâu nhờ sơ đồ hóa trong sách giáo khoa

Sau một thời gian thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cô Vũ Thị Phượng cho rằng chính những ưu điểm ở sách giáo khoa Kết nối và tri thức với cuộc sống đã tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên nhanh chóng thích nghi với chương trình mới.

Đặc biệt, việc tích cực ứng dụng phương pháp nghiên cứu sơ đồ hóa trong trình bày và tổ chức nội dung bài học đã giúp học sinh dễ dàng học tốt, hiểu sâu khối kiến thức môn Công nghệ.

Cụ thể, thay vì truyền tải kiến thức theo kiểu tuyến tính truyền thống, sách đưa vào nhiều dạng sơ đồ tư duy, sơ đồ quá trình và biểu đồ trực quan giúp học sinh dễ dàng hình dung, ghi nhớ và hệ thống hóa kiến thức. Đây là phương pháp học tập hiện đại, không chỉ hỗ trợ học sinh trong quá trình tiếp nhận thông tin mà còn phát triển tư duy logic, khả năng phân tích, tổng hợp và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ví dụ trong sách Công nghệ 9, khi học về quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, sách sử dụng sơ đồ quá trình để minh họa rõ ràng từng bước trong quá trình chế biến, từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn thiện. Các biểu đồ trực quan giúp học sinh dễ dàng nhìn nhận các công đoạn, hiểu rõ mối liên hệ giữa từng yếu tố và đặc biệt dễ dàng ghi nhớ hơn là chỉ đọc qua lý thuyết. Học sinh có thể nhìn vào sơ đồ này để hiểu được cách thức hoạt động của mỗi công đoạn, đồng thời giúp họ hình dung rõ ràng mối liên kết giữa các yếu tố trong một hệ thống công nghệ.

Một ví dụ khác như phần ôn tập Chương I trong sách Công nghệ 6, sách đã sử dụng sơ đồ hóa để thể hiện toàn bộ các nội dung liên quan như khái quát nhà ở, xây dựng nhà ở và ngôi nhà thông minh.

Dựa trên sơ đồ đó, sách cũng đề cập 1 số câu hỏi liên quan để học sinh có thể dễ dàng ghi nhớ, tổng hợp kiến thức cần có dựa trên 1 sơ đồ đơn giản.

GDVN_công nghệ 6.jpg
Mẫu sơ đồ hóa điển hình trong sách giáo khoa Công nghệ 6. Ảnh: Đào Hiền

Hơn nữa, sau mỗi chương học, sách sẽ có những câu hỏi gợi mở, khuyến khích học sinh phân tích tình huống thực tế và ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề. Đồng thời, sách còn tích hợp nhiều hình ảnh minh họa sinh động, bài tập thực hành gắn liền với đời sống, tăng tính ứng dụng và khơi dậy khả năng sáng tạo của học sinh.

Các hoạt động học tập trong sách được thiết kế linh hoạt, phù hợp với việc dạy học theo hình thức tổ chức hoạt động nhóm, học theo dự án hoặc trải nghiệm sáng tạo.

Theo đánh giá của cô Phượng, sách Công nghệ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thể hiện rõ tinh thần đổi mới, tiếp cận với thực tiễn sản xuất, đời sống và công nghệ hiện đại, giúp học sinh hình thành hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực công nghệ và định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm.

Theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn giữ vai trò pháp lệnh duy nhất như trong các chương trình giáo dục trước đây, mà được xem như một tài liệu tham khảo quan trọng, hỗ trợ giáo viên trong việc thiết kế kế hoạch giáo dục và tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh.

Việc sử dụng đa dạng sơ đồ, biểu mẫu, hình ảnh phong phú, sinh động trong sách giáo khoa sẽ mở ra không gian linh hoạt, sáng tạo hơn cho giáo viên trong việc lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học và tổ chức nội dung bài giảng theo hướng phát triển năng lực người học.

Đối với học sinh, phương pháp sơ đồ hóa nội dung bài học sẽ giúp cụ thể hóa kiến thức dưới dạng hình ảnh, mô hình hoặc biểu đồ, từ đó giúp người học dễ dàng quan sát, hệ thống và ghi nhớ. Thay vì phải học thuộc lòng những đoạn văn dài, các em có thể dựa vào sơ đồ để hình dung được tổng thể và các phần chi tiết của kiến thức.

Ngoài ra, khi nhìn vào sơ đồ, học sinh có thể nhanh chóng gợi nhớ được các nội dung đã học, đồng thời dễ dàng liên hệ giữa các phần kiến thức với nhau, từ đó hỗ trợ quá trình học tập diễn ra tự nhiên, chủ động và sâu sắc hơn.

Đối với giáo viên, việc trình bày kiến thức bằng sơ đồ giúp nhận diện nhanh và rõ ràng mạch kiến thức của từng bài học cũng như tổng thể chương trình. Thay vì đọc một khối lượng nội dung dài và phân tán, giáo viên có thể quan sát ngay được cấu trúc logic của bài, điểm trọng tâm và mối liên hệ giữa các phần kiến thức. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian soạn bài mà còn hỗ trợ giáo viên dễ dàng xây dựng giáo án theo hướng phân hóa, tổ chức bài giảng linh hoạt, đồng thời thuận tiện hơn trong việc hệ thống, củng cố và mở rộng kiến thức cho học sinh.

z6498355235863_a88e3fdbed6f65e9542d73c1e3edb472.jpg
Học sinh có thể dễ dàng hệ thống kiến thức dựa theo sơ đồ hóa trong sách. Ảnh minh họa: NVCC

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Phạm Văn Đông cũng nhấn mạnh việc sách giáo khoa hiện nay áp dụng phương pháp sơ đồ hóa là một bước chuyển mình tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại.

Theo thầy, sơ đồ hóa không chỉ đơn thuần là một hình thức trình bày trực quan mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng tiến trình bài học một cách hợp lý, khoa học. Thay vì trình bày kiến thức dàn trải, nhiều khi gây khó hiểu như trước kia, việc sử dụng các sơ đồ, biểu đồ giúp nội dung bài học được hệ thống hóa một cách rõ ràng, dễ theo dõi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Mỗi nội dung được kết nối với nhau theo một trật tự logic, giúp học sinh dễ dàng hình dung được mối quan hệ giữa các khái niệm, từ đó phát triển khả năng tư duy hệ thống và khái quát hóa.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp thu kiến thức, sơ đồ hóa còn là một công cụ hữu ích trong việc ôn tập và củng cố bài học, đặc biệt phù hợp với các môn học mang tính khái niệm, trừu tượng. Bằng cách này, giáo viên có thể tổ chức hoạt động học tập hiệu quả hơn, trong khi học sinh cũng chủ động hơn trong việc học và tự học.

Đối với giáo viên, sơ đồ hóa là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc thiết kế tiến trình bài học, từ khâu soạn bài cho đến tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp. Nội dung bài học được trình bày rõ ràng giúp giáo viên định hướng tốt hơn và tiết kiệm thời gian trong việc truyền đạt kiến thức.

Đặc biệt, sách giáo khoa mới với các sơ đồ minh họa còn tạo điều kiện để học sinh học tập một cách chủ động hơn thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ học tập đã được thiết kế sẵn theo tiến trình hợp lý. Các nhiệm vụ này thường được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, đòi hỏi học sinh phải quan sát, phân tích, suy luận và rút ra kết luận dựa trên nội dung sơ đồ.

“Điều này không những tăng tính tương tác giữa người học với nội dung bài học mà còn giúp các em hình thành kỹ năng tự học, tư duy phản biện và làm việc theo quy trình”, thầy Đông chia sẻ.

ĐÀO HIỀN