Vừa qua, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Theo tính toán, tổng dự toán kinh phí được đề xuất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là 116.314,1 tỷ đồng.
Một số địa phương, trường học vẫn gặp khó khi phổ cập giáo dục mầm non
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Thảo - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chi cho cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 - 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là chính sách thiết thực, đáng kỳ vọng với các trường mầm non nằm ở vùng khó khăn.
Theo cô Thảo, huyện Văn Bàn đã đảm bảo các điều kiện về tiêu chí trẻ em, giáo viên, cơ sở vật chất đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi quy định tại Thông tư 07/TT-BGDĐT, ngày 22/3/2016. Cùng với đó, huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi vào năm 2024. Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn đang tiếp tục hướng tới thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, việc phổ cập hiện vẫn còn gặp một vài khó khăn.
“Hiện nay, một số trường mầm non tại địa phương nằm ở vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Cùng với đó, nhận thức của một số phụ huynh về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường từ sớm vẫn chưa cao. Mặc dù trẻ đã được hỗ trợ bữa ăn trưa và được miễn học phí, nhưng phụ huynh vẫn phải chi trả một số khoản khác như: quần áo, đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân cho trẻ, do đó một số phụ huynh còn tâm lý ngại cho con đi học. Ngoài ra, một thực tế phổ biến tại địa phương là việc nhiều phụ huynh phải đi làm xa, để trẻ ở nhà với ông bà, dẫn đến việc chăm lo của phụ huynh tới việc học của trẻ không được quan tâm đầy đủ”, cô Thảo chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm Non Họa My (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 3 chính sách nhằm hỗ trợ trẻ mẫu giáo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non và đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non là động lực lớn để các địa phương, trường học phổ cập giáo dục mầm non.
Theo cô Liên, nhà trường hiện có 623 trẻ, trong đó, 100 trẻ 2 tuổi, 175 trẻ 5 tuổi và 348 trẻ 3 đến 4 tuổi. Mặc dù số lượng trẻ đến trường có tăng, nhưng việc huy động trẻ tới trường vẫn còn những khó khăn.
“Nhà trường có 7 điểm trường, trong đó có 6 điểm trường lẻ. Trong khi đó, địa phương có 2 khu vực dân cư cách xa trường khoảng 15-16km nên nhiều phụ huynh chưa có điều kiện đưa trẻ tới trường. Cùng với đó, việc còn thiếu 19 giáo viên theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT: Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học của trường. Ngoài ra, vì nhà trường phải thực hiện lớp ghép, nên trẻ ở các độ tuổi phải học chung với nhau, dẫn tới việc giảng dạy, quản lý lớp của giáo viên còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trẻ 3-4 tuổi khi các em còn nhỏ, chưa vào nếp”, cô Liên chia sẻ.
Nữ hiệu trưởng cũng cho hay, để khắc phục việc trẻ chưa tới trường, đội ngũ giáo viên đã đến từng nhà dân trên địa bàn xã để thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Đồng thời, cô Liên cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, nguồn kinh phí hỗ trợ với giáo dục mầm non sẽ giúp địa phương, nhà trường mở thêm các lớp học mầm non cho trẻ. Cùng với đó, việc thiếu giáo viên của nhà trường sẽ sớm được giải quyết để công tác chăm sóc, giáo dục của nhà trường đảm bảo, từ đó, việc phổ cập giáo dục mầm non của trường sẽ đạt hiệu quả cao.

Cùng chia sẻ về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, cô Nguyễn Thị Liêm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lâm (xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) cho biết, nhà trường có 768 trẻ và đang thực hiện ăn bán trú ở tất cả các điểm trường. Trong đó, số lượng trẻ 5 tuổi đến trường đạt 98 %, trẻ 3-4 tuổi đạt 90,2 %. Thành quả này là sự nỗ lực suốt nhiều năm vận động, tuyên truyền cho trẻ đến trường của cán bộ, giáo viên nhà trường, cùng sự phối hợp với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc phổ cập giáo dục mầm non đối với nhà trường hiện vẫn còn tồn tại một vài thách thức.
Theo cô Liêm, một khó khăn trong việc tới trường của trẻ là nhiều điểm trường cách trung tâm xã tới hơn 10km. Trong khi đó, một số trẻ vẫn phải đi bộ tới trường, thậm chí, nhiều trẻ chỉ khoảng hơn 2 tuổi đến 3 tuổi phải đi theo anh chị đi học khi phụ huynh không thể đưa đón. Cùng với đó, việc bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản trong việc chăm sóc trẻ khi nhà trường có tới 96,6 % trẻ là người dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác của trường đến từ điều kiện cơ sở vật chất hạn chế trong khi số lượng và nhu cầu cho trẻ đến trường ngày càng tăng, đòi hỏi trường phải mở thêm lớp học và đảm bảo đủ số lượng giáo viên giảng dạy. Với sĩ số trẻ đông, phòng học chưa đảm bảo, lớp học lại ghép nhiều độ tuổi, bao gồm cả trẻ 3, 4 và 5 tuổi khiến công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ càng thêm vất vả.
Địa phương, trường học tiếp tục đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục mầm non
Cô Nguyễn Thị Liêm cho rằng, việc mở rộng phổ cập mầm non từ độ tuổi 3 - 5 tuổi thay vì chỉ tập trung vào trẻ 5 tuổi là một chủ trương hợp lý, giúp tạo công bằng trong việc tiếp cận giáo dục.
Cũng theo cô Liêm, để huy động đủ sĩ số cho một lớp học, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để đi đến từng hộ gia đình, thuyết phục phụ huynh, giải thích về quyền lợi và lợi ích khi cho trẻ đi học. Trong khi đó, ở những khu vực vùng cao, nhà của trẻ thường nằm cách xa nhau, thậm chí có những trường hợp nhà nằm cách nhau một ngọn núi, nằm rải rác trên các sườn và đỉnh núi. Do đó, công tác phổ cập giáo dục đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ các giáo viên. Vì vậy, nếu nguồn kinh phí từ chính sách dành cho phổ cập giáo dục mầm non được giao, trường sẽ lập kế hoạch để hỗ trợ giáo viên trong công tác phổ cập giáo dục, đồng thời đảm bảo tận dụng nguồn kinh phí một cách hiệu quả.
Còn theo cô Lê Thị Thảo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện nhằm cấp kinh phí để bổ sung thêm nguồn về trang thiết bị tối thiểu cho trẻ mầm non và hỗ trợ tạo điều kiện cho giáo viên để tham gia nâng cao trình độ.
Bên cạnh đó, cô Thảo cũng bày tỏ mong muốn giáo dục mầm non sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa về chế độ, chính sách, nâng cao điều kiện làm việc cho giáo viên và chăm sóc chất chăm sóc trẻ. Đặc biệt, cần có thêm những hỗ trợ để cải thiện cơ sở vật chất cho các lớp học bán trú, giúp các em có môi trường học tập và sinh hoạt đầy đủ, an toàn và thuận lợi hơn.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn nhấn mạnh, để công tác phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi đạt hiệu quả thiết thực, các trường mầm non cần thúc đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh theo từng giai đoạn phù hợp. Trong quá trình này, giáo viên đóng vai trò nòng cốt, không chỉ trực tiếp đến từng hộ gia đình để vận động, giải thích, mà còn phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi đều được tiếp cận gần với giáo dục mầm non đầy đủ.

Trẻ mầm non tại huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.
Trong khi đó, cô Vũ Thị Liên cho rằng, để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, nhà trường đã phân cho giáo viên từng khu vực dân cư để thực hiện việc vận động cho trẻ đến trường. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý, giao thông cùng thời gian hạn chế nên việc này vẫn còn gặp khó khăn. Do đó, cô Liên mong muốn kinh phí phổ cập giáo dục mầm non có thể cấp thêm cho giáo viên công tác phí để tuyên truyền, vận động trẻ đến trường.
Nữ hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nhà trường đã đề xuất với Ủy ban nhân dân xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để lên các phương án xin thêm quỹ đất nhằm mở thêm lớp học ở những điểm trường lẻ. Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm và cộng đồng địa phương để huy động thêm nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và chăm sóc trẻ. Việc này không chỉ góp phần đảm bảo sĩ số lớp học, mà còn tạo điều kiện để trẻ em ở khu vực khó được học tập trong môi trường trường an toàn, đảm bảo chất lượng, qua đó cung cấp công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non cho mọi trẻ em trên địa bàn.