LTS: Vấn đề sĩ số lớp học càng ngày càng lớn khiến cô giáo Phan Tuyết lo lắng việc này sẽ gây ra nhiều hệ luỵ phản giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bên cạnh việc đầu tư làm mới chương trình, sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bỏ biết bao tiền bạc cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Người ta phê phán kiểu dạy học truyền thống làm thui chột sự tự chủ, sáng tạo của học sinh.
Người ta ca ngợi kiểu dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người gợi mở hướng dẫn.
Vì những lẽ đó, người ta không tiếc bỏ ra cả đống tiền của để đi tham quan, thu nhập những phương pháp, những hình thức dạy học được coi là tân tiến nhất mang về nước.
Áp lực về sĩ số học sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ảnh minh hoạ: Baolongan.vn |
Người ta đã tổ chức biết bao cuộc hội thảo, tập huấn về phương pháp mới để áp dụng vào thực tiễn.
Thế nhưng biết bao sự cố gắng, nỗ lực để đổi mới bỗng trở về con số 0 tròn trĩnh khi sĩ số lớp học lên đến gần trăm em/lớp.
Trung thành với kiểu dạy “trò đọc trò chép, thầy hỏi trò trả lời”
Nhiều đồng nghiệp hiện đang dạy học sinh một lớp với sĩ số từ 60 em/lớp cho biết, muốn học sinh nắm được bài và dạy đúng chương trình thì giáo viên chỉ còn cách trở về dạy theo kiểu truyền thống ngày xưa.
Trò khoanh tay trên bàn, mắt nhìn thẳng, tai lắng nghe. Trò nhìn thầy và làm theo các kí hiệu đã quy định để răm rắp thực hiện.
Nếu một lớp có 100 học sinh thì có được bổ nhiệm 3 giáo viên không? |
Điều quan trọng nhất để phương pháp này đạt hiệu quả là học sinh phải thật trật tự, biết lắng nghe, biết “nhất nhất tuân theo” sự hướng dẫn của giáo viên.
Cô Y. một giáo viên dạy lâu năm cho biết “muốn thế, ngay từ đầu năm học, giáo viên phải cố gắng đưa học trò vào nề nếp. Làm được điều này, buộc thầy cô phải sử dụng đến luật của “bàn tay sắt”".
Khuyến khích học thêm
Với lượng học sinh gấp từ 2 đến 3 lần sĩ số yêu cầu. Giáo viên dù nỗ lực cũng không thể dạy học phân hóa theo từng đối tượng.
Tất cả học sinh lúc này, đều được học chung một lượng kiến thức như nhau. Học sinh yếu kém không có cơ hội để vươn mình.
Học sinh giỏi cũng chẳng thể có sự đầu tư riêng. Bởi, thầy cô làm gì còn thời gian để đến từng em để giúp đỡ?
Cải thiện chất lượng học tập không còn con đường nào khác ngoài học thêm.
Không chỉ giáo viên, nhà trường cũng khuyến khích cho học sinh học thêm dù Thông tư 17 BGD&ĐT đã quy định rõ “cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày”.
Nhưng nếu không dạy thêm, chất lượng học sinh sẽ đi đến đâu?
Thế là trò tan trường lúc 4 giờ 30, chỉ kịp ăn vài thứ qua loa bán bên ngoài là lao ngay vào lớp học trong trường hoặc khu vực nhà giáo viên thuê gần đó.
Thời gian học kéo dài từ 17 giờ tới 18 giờ 30 phút mỗi ngày.
Người ta có thể bỏ hàng nghìn tỉ đồng để đổi sách, để nhập các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học về.
Sao lại không thể dành một chút kinh phí để xây trường, giản lớp?
Đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học nhưng sĩ số học sinh trong một lớp vẫn luôn quá tải thì mọi nỗ lực của ngành giáo dục từ trước đến nay cũng bằng thừa.