Shark Thủy và những lùm xùm trước khi bị khởi tố

27/03/2024 06:33
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngoài việc bị gửi đơn tập thể tố cáo chiếm đoạt 226 tỷ đồng, các doanh nghiệp của Shark Thủy còn vướng vào hàng loạt lùm xùm, bê bối.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đang xác minh, giải quyết Đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty Cổ phần đầu tư và phân phối Egame; ngày 22/3, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm ra giam đối với: Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty Cổ phần đầu tư và phân phối Egame; Đặng Văn Hiển, Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty Cổ phần đầu tư và phân phối Egame.

Cả hai cùng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. (1)

3-1711422940328.jpg
Bị can Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) khi bị bắt. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Trước khi bị bắt, Shark Thủy cũng từng liên tiếp vướng vào các vụ kiện tụng liên quan đến việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại các doanh nghiệp do người này đứng đầu.

Theo đó, vào cuối tháng 11/2023, có 171 nhà đầu tư tại Hà Nội đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 226 tỷ đồng lên Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan này sau đó cũng đã gửi nội dung đơn sang Bộ Công an để xem xét giải quyết.

Theo nội dung đơn, từ năm 2017 đến 2022, qua giới thiệu của người quen, nhóm nhà đầu tư nói trên đã bị Shark Thủy lợi dụng danh tiếng từ chương trình "thương vụ bạc tỷ" để góp vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất 15%/năm và đã bị Nguyễn Ngọc Thủy chiếm dụng khoản tiền trên.

Theo đơn tố cáo, ngoài Egame, ông Nguyễn Ngọc Thủy còn lập ra nhiều công ty con khác nhằm huy động vốn từ rất nhiều người dân hòng chiếm đoạt tiền của họ như: OZen Group, Apax Holding (gồm Apax English, Apax Leader).

Các công ty này cũng đã phát hành rất nhiều trái phiếu như: Trái phiếu AE lô 1, lô 2; Trái phiếu IG lô 1, lô 2, trái phiếu Edu Infra; Trái phiếu Hợp đồng hợp tác kinh doanh... để huy động tiền nhưng sau đó cũng không trả cho nhà đầu tư bất kỳ một khoản nào cả gốc và lãi. Có nhiều người dù chưa lấy được một đồng nào nhưng công ty đã làm hợp đồng chuyển nhượng và thanh lý luôn hợp đồng đó. (2)

Liên quan đến Shark Thủy, việc lùm xùm về nợ học phí và lừa dối khách hàng tại hệ thống các Trung tâm Anh ngữ Apax Leader cũng tạo ra nhiều chú ý trong dư luận.

Cụ thể, ngày 4/2/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, đơn vị này đã xử phạt Trung tâm Ngoại ngữ Apax Leaders tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng với số tiền 20 triệu đồng.

Lý do là trung tâm này đã vi phạm hành chính: Tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được cho phép hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Trước đó, vào khoảng đầu tháng 1/2023, nhiều phụ huynh đã đến Trung tâm Ngoại ngữ Apax Leaders ở quận Hồng Bàng để đòi lại học phí, do đơn vị chưa làm đúng cam kết về chất lượng.

Ngoài ra, hàng chục phụ huynh có con đang theo học tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Hải Phòng cũng đã yêu cầu trung tâm hoàn lại số tiền lên đến hàng tỉ đồng. (3)

Tiếp đó, ngày 18/2/2023, đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đơn vị này đã tiếp nhận đơn tố cáo đối với Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (đơn vị cung cấp hệ thống Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders).

Theo đơn tố cáo từ phía phụ huynh, Apax Leaders đã không tuân thủ cam kết về việc chương trình học có 100% giáo viên người nước ngoài, mà chỉ có giáo viên Việt Nam đứng lớp. Do đó, một số phụ huynh của trung tâm này đã quyết định cho con nghỉ học tại đây, yêu cầu hoàn lại học phí.(4)

Gần một tháng sau, ngày 15/3/2023, hàng trăm phụ huynh đã kéo đến Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders ở Him Lam (Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) để tiến hành đối thoại, gặp gỡ ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch của Apax Leaders và lãnh đạo của công ty này, để làm rõ các vấn đề về học phí mà phụ huynh quan tâm. (5)

gdvn-apaxleaders-1784.jpg
Shark Thủy trả lời báo chí tại buổi đối thoại với phụ huynh về việc trả lại học phí cho phụ huynh có con học tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders hồi tháng 3/2023. Ảnh: P.L

Liên quan đến sự việc này, ngày 26/4/2023, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có 40/41 Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders trên địa bàn thành phố đã bị đình chỉ hoạt động. Nguyên nhân là do các trung tâm đã bị thu hồi mặt bằng, thiếu giám đốc, giáo viên nên không đảm bảo điều kiện để hoạt động đúng theo quy định. (6)

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đến giữa tháng 3/2024, tổng số học sinh của các Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders tại địa bàn này là 11.295 học sinh, bao gồm số học sinh đang học trực tiếp: 839 học sinh, số học sinh bảo lưu kết quả: 6.072 học sinh, số học sinh rút phí: 4.384 em. Số tiền học phí phải hoàn trả là 108.100.112.947 đồng, trong đó, đã trả 14.277.542.472 đồng, còn nợ 93.822.570.475 đồng. (7)

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố, tính đến cuối tháng 11/2023, Apax Leaders chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này nợ tiền bảo hiểm của lao động trong nước 45 tháng qua với 55,8 tỷ đồng và nợ tiền bảo hiểm của người nước ngoài 48 tháng với 5,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, Apax Leaders là đơn vị có số tiền nợ đứng đầu danh sách hơn 53.600 doanh nghiệp chậm nộp các loại bảo hiểm từ một tháng trở lên.

Ngoài chuỗi trung tâm Anh ngữ này, các doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng có mặt ở danh sách chậm đóng tiền cho Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Chuỗi trường mầm non Igarten nợ hơn 19 tỷ đồng trong 21 tháng. Xếp sau là chuỗi dạy toán học tư duy CMS với số tiền chậm nộp gần 10 tỷ đồng trong 34 tháng.

Các doanh nghiệp còn lại gồm English Now, Egame và công ty mẹ Egroup cũng chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động suốt thời gian dài. Tổng cộng, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội khoảng 101,8 tỷ đồng.(8)

Tư liệu tham khảo:

(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/khoi-to-bat-tam-giam-shark-thuy-ve-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-i726379/

(2) https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/cac-nha-dau-tu-to-cao-shark-thuy-lua-dao-chiem-doat-tren-226-ty-dong-i715316/

(3) https://giaoduc.net.vn/so-gd-hai-phong-xu-phat-trung-tam-ngoai-ngu-apax-leaders-20-trieu-dong-post232854.gd

(4) https://giaoduc.net.vn/cong-an-tphcm-tiep-nhan-don-to-cao-trung-tam-tieng-anh-apax-leaders-post233197.gd

(5) https://giaoduc.net.vn/phu-huynh-apax-leaders-doi-hoc-phi-nhung-shark-thuy-noi-can-co-lo-trinh-post233754.gd

(6) https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-dinh-chi-hoat-dong-40-trung-tam-ngoai-ngu-apax-leaders-post234760.gd

(7) https://giaoduc.net.vn/tphcm-apax-leaders-con-no-hon-938-ty-tien-hoc-phi-cua-phu-huynh-post241413.gd

(8) https://vnexpress.net/he-sinh-thai-cua-shark-thuy-no-bao-hiem-xa-hoi-hon-100-ty-4688462.html

Phúc Khang