Sau 2 năm học, Trường ĐH Hải Phòng hủy kết quả tuyển sinh, ai chịu trách nhiệm?

14/07/2023 07:07
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lý do Trường Đại học Hải Phòng đưa ra trong quyết định là thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2021.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, sau khi học tập 2 năm tại Trường Đại học Hải Phòng, sinh viên Đ.T.Đ (sinh năm 2000) bất ngờ nhận được quyết định huỷ kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh từ năm 2021.

Lý do Trường Đại học Hải Phòng đưa ra trong quyết định là thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2021.

Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Sinh viên học 2 năm tại Trường Đại học Hải Phòng bị huỷ kết quả trúng tuyển (Ảnh: Lã Tiến)

Sinh viên học 2 năm tại Trường Đại học Hải Phòng bị huỷ kết quả trúng tuyển (Ảnh: Lã Tiến)

Theo Luật sư Bình, tại Khoản 4, Điều 17 Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non thì Hội đồng tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của trường.

Cũng tại thông tư này, quy định tại Khoản 1 Điều 20 quy định hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.

Vậy phía hội đồng tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra để đảm bảo sinh viên khi nhập học đã có đủ điều kiện trúng tuyển và theo học tại trường.

Tuy nhiên sau 2 năm theo học tại trường, sinh viên mới nhận được thông báo huỷ kết quả trúng tuyển.

Do đó, trường hợp sau khi kiểm tra, xác minh làm rõ nếu có căn cứ cho rằng nhà trường đã vi phạm trong việc thực hiện công tác tuyển sinh theo điểm đ khoản 3 Điều 23 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT nói trên dẫn đến việc ra thông báo muộn 2 năm huỷ kết quả trúng tuyển của sinh viên thì có thể thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 5 Điều 27 thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về xử lý vi phạm về công tác tuyển sinh thì tuỳ vào mức độ vi phạm trường đại học sẽ bị áp dụng xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Đồng thời hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những cá nhân có liên quan của trường cũng bị xử lý theo quy định pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 xử phạt trong trường hợp vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra đơn vị tuyển sinh còn có thể bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức, buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định trúng tuyển,…

Do vậy, phía nhà trường là đơn vị có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra để đảm bảo sinh viên nhập học có đủ điều kiện trúng tuyển và được theo học tại trường.

Luật sư Ngô Thành Ba thuộc Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc sinh viên theo học tại Trường Đại học Hải Phòng được 2 năm bất ngờ nhận được thông báo hủy kết quả trúng tuyển là vụ việc hy hữu và đáng tiếc.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi trong vấn đề tuyền sinh của Trường Đại học Hải Phòng.

Trường hợp này là xét học bạ nên sai sót này (nếu có) của nhà trường theo tôi là nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn nữa là thí sinh Đ.T.Đ đã theo học tại Trường được 2 năm nhưng trong cả khoảng thời gian này không được rà soát, kịp thời phát hiện để khắc phục sớm.

Hiệu trưởng nhà trường ra Quyết định hủy kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2021 đối với thí sinh Đ.T.Đ sau 2 năm theo học đồng nghĩa với việc thí sinh này sẽ phải dừng việc học tập tại đây.

Việc hủy kết quả trúng tuyển này sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài đối với thí sinh này phải gánh chịu, đó là khoảng thời gian đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khác nếu thí sinh này không được nhập học tại trường ngay từ đầu.

Do vậy, theo Luật sư Ba, trách nhiệm của Trường Đại học Hải Phòng là phải hoàn trả lại toàn bộ học phí của 2 năm và có thể phải bồi thường tổn thất về tinh thần, về cơ hội theo học tại các trường đại học khác hoặc cơ hội đi làm đã bị bỏ lỡ nếu thí sinh Đ.T.Đ có yêu cầu.

Trường hợp Trường Đại học Hải Phòng không đáp ứng yêu cầu của thí sinh Đ.T.Đ thì có thể dẫn đến phát sinh tranh chấp, thí sinh này có thể có các động thái pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định.

LÃ TIẾN