Sai phạm hàng loạt ở HV Quản lý giáo dục là hệ quả của việc buông lỏng quản lý

17/02/2022 06:48
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Phạm Quang Trung. Ông Phạm Quang Trung được bổ nhiệm từ tháng 11/2016.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong Thông báo Kết luận thanh tra số 110/TB-BGDĐT về việc “thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục đã được nêu ra.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi để xảy ra các sai phạm trong nhiều năm ở Học viện này.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, tham mưu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng học viện, Chủ tịch Học viện, Giám đốc Học viện liên quan đến hạn chế, thiếu sót, sai phạm tại kết luận thanh tra.

Đối với Học viện Quản lý giáo dục, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hội đồng Học viện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm và xem xét kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền đối với Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Phạm Quang Trung. Ông Phạm Quang Trung được bổ nhiệm từ tháng 11/2016.

Ông Trần Ngọc Vinh- Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Trần Ngọc Vinh- Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Quochoi.vn

Sau sự việc này, dư luận đặt ra nhiều thắc mắc về việc, tại sao những sai phạm trong ngành giáo dục từng diễn ra, nhiều lãnh đạo các trường đại học đã từng bị khởi tố trước đó nhưng hiện tại, những sự việc tương tự vẫn còn lặp lại?.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, để xảy ra hàng loạt sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục như vừa qua thì trách nhiệm của Bộ Giáo dục đến đâu?

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng: “Từ bao đời nay, vì những giá trị đạo đức và nhân văn tốt đẹp mà ngành giáo dục tạo ra nên chúng ta vẫn coi nó là một ngành cao quý.

Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, vì cơ chế thị trường nên nhiều người chấp nhận chạy theo cám dỗ của vật chất, quyền lực mà không ý thức được các hành vi của mình đang sai trái đến đâu.

Có người dù nắm rõ luật nhưng vẫn chấp nhận chà đạp lên luật pháp để đạt được các nhu cầu mong muốn. Và hệ quả là như chúng ta đã thấy, rất nhiều lãnh đạo chủ chốt, đầu ngành, một số cán bộ lãnh đạo các trường đại học cũng đã phải tra tay vào còng khi để xảy ra sai phạm.

Thực tế đáng buồn mà chúng ta đang chứng kiến nhiều hơn đó là, dù trước đó đã có không ít trường hợp các lãnh đạo, người đứng đầu trường đại học đã bị khởi tố vì để ra sai phạm, thậm chí khi họ còn đương chức. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo tôi, việc này vẫn xảy ra một phần là do khâu kiểm tra, đánh giá, giám sát đội ngũ lãnh đạo cốt cán đứng đầu các nhà trường vẫn chưa được diễn ra thường xuyên, đúng thực chất. Chưa kể có trường hợp, dù có thành lập cả đoàn kiểm tra nhưng tất cả đều bị chi phối bởi các yếu tố khách quan, không phản ánh đúng hiện trạng của sai phạm ngay từ ban đầu.

Thậm chí có những sai phạm đã xảy ra, dư luận ý kiến nhưng cuối cùng bị bưng bít, không chịu xử lý dứt điểm dẫn đến tình trạng "nhờn luật". Điều này là hệ quả tất yếu của những sự việc “bung và toang” trên quy mô rộng hơn khi các sai phạm bị phanh phui.

Tất nhiên, dù pháp luật của nhà nước ta đã có quy định khá rõ ràng và chặt chẽ liên quan đến các quy định trong ngành giáo dục nhưng với những kẻ cơ hội, kiểu gì họ cũng tìm ra những lỗ hổng của pháp luật để né tránh.

Ngoài ra, để xác định chính xác những hành vi đó có sai phạm hay không, cơ quan có thẩm quyền cũng mất phải mất một thời gian nhất định để tìm hiểu. Hơn nữa, trong một vụ việc, các sự việc cũng chồng chéo với nhau, đây cũng là một phần chi phối đến thời gian để đưa các sai phạm ra ánh sáng”.

Ông Trần Ngọc Vinh cho rằng cần mạnh tay với những đối tượng sai phạm và chấn chỉnh bộ máy để tạo ra sự răn đe.

Ông Vinh cho biết thêm: “Để làm được việc này, trước hết các cơ quan quản lý trường đại học, học viện cần rà soát lại trên diện rộng bộ máy quản lý của các đơn vị này.

Khi đó, nếu thấy cơ chế chưa chuẩn ở đâu thì chỉnh sửa lại cho chuẩn ở đó, cái gì chưa chặt chẽ thì lên phương án bổ sung cho chặt chẽ. Làm sao cho lỗ hổng quản lý phải được siết chặt đến hết mức có thể, như vậy mới mong hướng đến một môi trường giáo dục tốt đẹp, lành mạnh được.

Ngoài ra, với những cá nhân sai phạm đã được nêu rõ trong kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục chỉ ra cần được xử lý một cách nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe. Thậm chí phải làm rõ có đối tượng tiếp tay, bao che cho sai phạm trước đó không nên sai phạm mới tồn tại lâu vậy. Nếu có cũng cần được đưa ra xử lý nghiêm khắc.

Qua sự việc này chúng ta cũng cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chế độ tiền lương, phụ cấp với từng cấp bậc quản lý ở mức tương đối để họ đủ sống và chuyên tâm với công việc.

Qua sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xem lại công tác quản lý và thanh, kiểm tra".

Nhiều câu hỏi vẫn còn được dư luận đặt ra dù những sai phạm tại Học viện Quản lý Giáo dục đã được Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục chỉ rõ. Ảnh: Trung Dũng

Nhiều câu hỏi vẫn còn được dư luận đặt ra dù những sai phạm tại Học viện Quản lý Giáo dục đã được Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục chỉ rõ. Ảnh: Trung Dũng

Đánh giá về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến hàng loạt sai phạm xảy ra tại Học viện Quản lý giáo dục, ông Vinh cho rằng: “Trong sự viêc này, chúng ta có thể thấy, có nhiều sai phạm tại Học viện Quản lý Giáo dục được Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục chỉ rõ là xảy ra từ nhiều năm trước, của nhiệm kỳ trước.

Nên khi dư luận thắc mắc sai phạm của trường từng được báo chí phản ảnh, có đơn thư, tại sao Bộ không phát hiện sớm và xử lý để sai phạm tồn tại lâu và nhiều như vậy cũng dễ hiểu”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Quản lý giáo dục từng trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Theo kết luận đó (Kết luận số110/TB-BGDĐT – Phóng viên) của Bộ Giáo dục thì chúng tôi sẽ phải thực hiện và xây dựng kế hoạch. Hiện tại, chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót, sai phạm được nêu tại Kết luận thanh tra.

Trong thời điểm này chúng tôi cũng chỉ biết nỗ lực tối đa thực hiện các công việc. Nếu có thông tin gì mới nhà trường sẽ thông tin đến báo chí sau, hiện tại chúng tôi đang tập trung để giải quyết công việc của nhà trường nên không có chia sẻ gì thêm”.

Trung Dũng