Quỹ học bổng cho sinh viên: Nên tối thiểu bằng 5% hay 8% nguồn thu học phí?

17/10/2024 07:00
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đa số các cơ sở GDĐH công lập cho rằng mức trích lập 8% nguồn thu học phí là cao, làm khó cho cơ sở giáo dục đại học công lập, nhất là các trường tự chủ mức độ 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến.

Chi 13%-16% nguồn thu học phí hàng năm cho học bổng khuyến khích học tập và hoạt động khoa học công nghệ

AH9I2129.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo đến ngày 12/11/2024. Ảnh minh hoạ: VNU

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý tại dự thảo là quy định về về nguồn hình thành học bổng khuyến khích học tập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập (sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP).

Theo Tờ trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra 2 phương án.

Phương án 1: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 84/2020/NĐ-CP và kết quả khảo sát cho thấy, đa số ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học công lập cho rằng mức trích lập 8% nguồn thu học phí hiện nay là cao, làm khó cho cơ sở giáo dục đại học công lập, nhất là các trường tự chủ mức độ 1.

Bên cạnh đó, hiện nay, theo quy định tại Nghị định 109/2022/NĐ-CP về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, hằng năm, cơ sở giáo dục đại học trích tối thiểu 5% từ nguồn thu học phí, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Như vậy, tổng 13%-16% nguồn thu học phí chi cho học bổng khuyến khích học tập và hoạt động khoa học công nghệ của trường là tỉ lệ lớn, trong khi cơ sở giáo dục đại học chủ yếu chỉ có nguồn thu từ học phí.

“Tiếp thu ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản (các cơ sở giáo dục đại học), dự thảo điều chỉnh quy định: đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập”, tờ trình nêu rõ.

Phương án 2: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục."

Được biết nội dung phương án 2 được thực hiện theo nội dung kiến nghị nêu tại Báo cáo số 1991/BC-UBTCNS15 ngày 16/4/2024 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa 15 về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn Phương án 1 (giảm 3% so với quy định hiện hành tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP). Theo phương án này, dự thảo Nghị định không có sự phân biệt học sinh, sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Quy chế công tác sinh viên, trong đó quy định đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập bao gồm người học thuộc các hình thức đào tạo theo đúng quy định của pháp luật.

Bổ sung đối tượng cấp học bổng khuyến khích học tập

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung thêm đối tượng cấp học bổng khuyến khích học tập là người học thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, dự thảo bổ sung Điểm d vào sau Điểm c, Khoản 1, Điều 8 đối tượng cấp học bổng khuyến khích học tập là “Sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục đang học các chương trình đào tạo để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”;.

Bổ sung điểm c vào sau Điểm b, Khoản 4, Điều 8 về nguồn cấp học bổng khuyến khích học tập. Theo đó, nhà nước cấp học bổng cho đối tượng quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8. Kinh phí cấp học bổng được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Đồng thời dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về mức học bổng, nguyên tắc hưởng và phương thức chi trả học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng nêu trên.

Lý giải thêm về việc bổ sung các quy định trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực… Các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp Hydrogen … có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của những sự chuyển đổi mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

“Bối cảnh này vừa là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới nêu trên”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Ngoài ra, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác như bổ sung đối tượng giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân có thời gian nghỉ hè hằng năm tương tự như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông (Sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP); Chuyển thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (xử lý hồ sơ chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Sửa đổi Khoản 2, Điều 6, Nghị định 84/2020/NĐ-CP); Chuyển thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (xử lý hồ sơ chuyển đổi cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) từ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,...

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo đến ngày 12/11/2024.

Doãn Nhàn