Học sinh được nghỉ thứ 7 là hợp lý nhưng không dễ để áp dụng đại trà

17/10/2024 08:35
Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo các cơ sở giáo dục cho rằng việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 cần căn cứ vào điều kiện thực tế tại trường học và từng địa phương.

Theo Thông tư 36/1999/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chế độ làm việc 40 giờ đối với ngành giáo dục và đào tạo, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ tổ chức dạy và học 5 ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày bố trí 5 tiết, nghỉ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần và thực hiện trong cả năm học.

Tuy nhiên, thực tế học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nhiều cơ sở giáo dục hiện vẫn đang học cả thứ 7. Một số tỉnh thành trên cả nước đã triển khai, hoặc lấy ý kiến việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7.

Chủ trương này không mới nhưng vẫn nhận lại nhiều ý kiến trái chiều. Việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 đặt ra yêu cầu cân đối lại chương trình học, cơ sở vật chất, giáo viên để đáp ứng tiến độ, đảm bảo theo kế hoạch giảng dạy.

Tỉnh Lào Cai đã thí điểm cho học sinh trung học cơ sở nghỉ thứ 7 từ năm 2019 và hoàn tất chính sách này với học sinh trung học phổ thông từ tháng 3 năm nay. Theo lãnh đạo các trường trung học cơ sở, việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 đang được nhà trường triển khai ổn định, nhận được sự đồng thuận cao từ giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Nhà trường cần xây dựng kế hoạch học tập, đảm bảo nghỉ học thứ 7 vẫn đáp ứng chương trình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hợp Thành (xã Hợp Thành, Thành phố Lào Cai) cho biết, sau một thời gian triển khai, việc tổ chức dạy học 5 ngày trong tuần nhận được sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

“Việc tổ chức dạy học 5 ngày trong tuần đối với cấp trung học cơ sở là tiếp nối thời gian tổ chức dạy học của cấp học mầm non và tiểu học. Ở hai cấp học này, phụ huynh và học sinh đã quen với việc được nghỉ học thứ 7 và chủ nhật. Vì vậy, việc tiếp tục thói quen này tạo sự đồng nhất về thời gian nghỉ ngơi của học sinh. Nhìn chung, thời gian tổ chức dạy học 5 ngày tại trường hiện nay đang phù hợp với tình hình thực tiễn”, thầy Trung cho biết thêm.

241381191_320298236535727_2563201519937158462_n.jpg
Thầy Trần Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hợp Thành. (Ảnh: website nhà trường)

Theo thầy Trung việc triển khai cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 là mong muốn giảm tải một phần áp lực cho học sinh và giáo viên có thời gian nghỉ ngơi. Hiện nay, tuỳ theo kế hoạch giáo dục hàng năm, nhà trường có thể tổ chức dạy học chính khoá vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6. Ngoài ra, nhà trường có thể dạy bổ sung từ 1 đến 3 buổi chiều tuỳ theo định mức số tiết của các khối lớp, đảm bảo mỗi ngày tổ chức dạy học không quá 8 tiết.

“Tại Trường Trung học cơ sở Hợp Thành, tùy theo điều kiện thời tiết, diễn biến khí hậu, nhà trường sẽ linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu theo mùa để đảm bảo sức khoẻ cho các em. Vào mùa đông, học sinh không đi học quá sớm vào buổi sáng, không về nhà quá muộn vào buổi chiều để tránh rét. Vào mùa hè, học sinh không về quá muộn vào buổi trưa, không đi quá sớm vào đầu giờ chiều để tránh nắng”, thầy Trung chia sẻ thêm.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hầu Thào (thị xã Sa Pa, Lào Cai) cũng đã thực hiện cho học sinh học 5 buổi trong tuần nhiều năm nay. Thầy Liễu Tiến Sơn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian đầu khi thực hiện, nhiều học sinh chưa kịp thay đổi thói quen, một số em đi học sáng và nghỉ buổi chiều, dẫn đến tỷ lệ chuyên cần chưa đảm bảo. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, nề nếp sinh hoạt tại nhà trường đã đi vào ổn định.

“Hiện tại, các em học sinh được nghỉ 2 ngày cuối tuần, có thời gian nghỉ ngơi sau 5 ngày học, có thể dành thời gian nhiều hơn cho gia đình hoặc đi du lịch ngắn ngày. Việc này tạo cho các em tâm lý hào hứng và thoải mái. Các giáo viên tại trường cũng được nghỉ ngơi hợp lý, tái tạo năng lượng cho tuần làm việc mới. Vì vậy, chính sách này hiện đang được giáo viên và học sinh ủng hộ”, thầy Sơn cho biết thêm.

Theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với cấp trung học cơ sở, 5 tiết với trung học phổ thông; buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp.

Để đáp ứng yêu cầu chương trình học, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hầu Thào phải học tăng số tiết buổi sáng, ngoài ra cần học thêm 2 buổi chiều chính khoá, mỗi buổi 3 tiết. Tuy nhiên từ thực tế tại địa phương, thầy Sơn cho rằng việc tổ chức học chính khoá 5 ngày để cho học sinh có 2 ngày nghỉ trọn vẹn là phù hợp.

“Đối với học sinh vùng cao, ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật là lúc các em phụ giúp gia đình việc đồng áng, thay bố mẹ chăm sóc các em nhỏ học cấp mầm non hoặc tiểu học. Ngoài ra, các em có thể dành thời gian vui chơi, khám phá nhiều hoạt động khác ngoài kiến thức trong sách vở.

Đây là định hướng cho học sinh phát triển toàn diện, đã được thể hiện trong mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh cần chủ động tham gia các hoạt động giáo dục khác để thích ứng với sự thay đổi của xã hội,” thầy Sơn chia sẻ thêm.

thầy Liễu Tiến Sơn.jpg
Thầy Liễu Tiến Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hầu Thào. (Ảnh: website nhà trường)

Tại Trường Trung học cơ sở Hợp Thành, vào các buổi chiều không học chính khoá, nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, phát triển các kỹ năng, sinh hoạt các câu lạc bộ theo nhu cầu đăng ký của học sinh và gia đình. Tất cả những hoạt động này diễn ra vào buổi chiều các ngày trong tuần, đảm bảo cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn hai ngày thứ 7 và chủ nhật.

Cho học sinh nghỉ thứ 7 cần căn cứ vào tình hình thực tế tại từng địa phương

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã có công văn 3845/UBND-VX năm 2024 về việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ 7, chủ nhật đối với trường học theo Thông tư 36/1999/TT-BGDĐT.

Theo công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học 5 ngày/tuần từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ thứ 7 và chủ nhật đối với các cấp học; việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch thời gian năm học.

Bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu bày tỏ băn khoăn:

“Tôi cho rằng việc thực hiện cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 là hợp lý. Tuy nhiên, chiếu theo điều kiện trường lớp, đội ngũ giáo viên hiện nay, chính sách này chưa thể áp dụng đại trà tại địa phương.

Nếu áp dụng theo hình thức học 5 ngày trong tuần, chỉ những trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày mới có thể xem xét triển khai nghỉ học ngày thứ 7, còn trường dạy 1 buổi/ngày khó thể chạy hết chương trình trong 5 buổi/tuần, mỗi buổi tối đa 5 tiết.

Tại trường chúng tôi, do thiếu phòng học, nên một phòng phải dùng cho 2 lớp, một lớp học sáng, một lớp học chiều. Việc tổ chức học cả ngày sẽ đặt ra bài toán khó về việc cân đối phòng học, thời khóa biểu, sắp xếp giáo viên đứng lớp… Vì vậy, đối với cấp trung học phổ thông, chương trình học nặng, việc cho học sinh nghỉ học thứ 7 cần xem xét kỹ lưỡng, dựa trên điều kiện thực tế tại trường có đáp ứng được hay không, từ đó địa phương mới đưa ra quyết định”.

Vị Hiệu trưởng này cũng chia sẻ thêm, một số phụ huynh vẫn có nguyện vọng cho con em đi học vào thứ 7 để nhà trường thay bố mẹ quản lý, quan tâm sát sao tới các em. Thực tế, nhiều cơ quan, công ty tại địa phương vẫn tổ chức làm buổi sáng hoặc cả ngày thứ 7, nếu cho học sinh ở nhà vào ngày này, bố mẹ sẽ không có thời gian chăm sóc. Vì vậy, thay vì để các em ở nhà hoặc gửi tới các lớp học thêm, học ở trường sẽ là sự lựa chọn được hầu hết phụ huynh tin tưởng.

Trong khi đó, thầy Trung cho rằng tại Lào Cai, thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường trùng với thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Từ đó, nhà trường thuận lợi trong công tác quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính, triển khai các nhiệm vụ phối hợp, đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

“Trên địa bàn tỉnh, đa số cán bộ công nhân viên chức và người lao động đều được nghỉ thứ 7. Vì vậy, theo tôi, việc không tổ chức dạy học vào thứ 7 giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành giáo dục có thời gian nghỉ ngơi, có điều kiện chăm sóc gia đình, tái tạo lại sức lao động. Ngoài ra, học sinh sẽ có thời gian vui chơi, gần gũi với gia đình dịp cuối tuần thay vì lại đến trường thêm một ngày vào thứ 7”, thầy Trung cho biết thêm.

Theo thầy Trung, để ổn định việc dạy học 5 ngày trong tuần, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp trong việc cân đối lại giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

học sinh trường thcs hợp thành tham gia ngày hội stem.jpg
Học sinh Trường Trung học cơ sở Hợp Thành tham gia Ngày hội khoa học. (Ảnh: website nhà trường)

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hợp Thành cũng chia sẻ, hàng năm, nhà trường đều tổ chức tự đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để báo cáo với Uỷ ban nhân dân thành phố Lào Cai, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai để được xem xét, sửa chữa ngay trong hè, trước khi bắt đầu năm học mới.

“Việc chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất giúp nhà trường tiết kiệm chi phí, cân đối được ngân sách hàng năm để sửa chữa và bổ sung thiết bị. Nhà trường triển khai, phát động phong trào cán bộ, giáo viên tự làm đồ dùng dạy học để bổ sung kho đồ dùng, thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn học phụ trách.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, vận động và tiếp nhận tài trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân để bổ sung cơ sở vật chất, đáp ứng việc dạy và học”, thầy Trung chia sẻ thêm.

Hà Giang