Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là “kim chỉ nam” phát triển

26/10/2023 08:14
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dành nguồn lực đầu tư cho hai lĩnh vực giáo dục và đào tạo cùng y tế là chìa khoá giúp tỉnh Quảng Ninh từng bước nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển tỉnh, các thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh luôn lấy việc chăm lo cho nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu, động lực để phấn đấu. Đây cũng là “kim chỉ nam” cho quá trình xây dựng chính sách và là thước đo năng lực, sự thành công của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tại hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, toàn tỉnh phải kiên trì thực hiện quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài”.

Phát triển giáo dục và đào tạo bằng nhiều chính sách đặc thù

Hiện thực hoá mục tiêu trên, hơn chục năm trở lại đây, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục - đào tạo từ bậc mầm non đến đại học, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Nổi bật trong đó, nhằm ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó, tỉnh ban hành Nghị quyết số 183/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ở các xã trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bổ sung nội dung một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, áp dụng cho một số đối tượng và địa bàn đặc thù của tỉnh.

Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh…

Cùng với ban hành các nghị quyết cho giáo dục vùng khó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định các chính sách cho giáo dục phải đảm bảo hài hòa ở tất cả các cấp học, cân đối giữa giáo dục với đào tạo, giữa loại hình công lập và tư thục. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm công tác bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một trong những chính sách được coi là tạo làn gió mới, động lực mới trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của Quảng Ninh chính là tặng mức thưởng cao nhất cho học sinh giỏi quốc gia lên 50 triệu đồng; học sinh giỏi quốc tế 700 triệu đồng. Đây cũng là mức thưởng cao nhất cả nước. Giáo viên hoặc nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn luyện, tập huấn, hướng dẫn, bảo trợ học sinh đoạt giải có mức thưởng bằng 50% tiền thưởng cho học sinh đoạt giải.

Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục - đào tạo từ bậc mầm non đến đại học (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục - đào tạo từ bậc mầm non đến đại học (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trong 2 năm học liên tiếp vừa qua.

Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, chi thường xuyên cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh luôn năm sau cao hơn năm trước với tổng mức chi 26.195 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 4.752 tỷ đồng.

Với sự đổi mới không ngừng, sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt việc ban hành những chính sách đặc thù đối với ngành giáo dục và đào tạo đã góp phần giúp chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với nhiều năm trước.

Quy mô mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được quan tâm và đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, học viên trong độ tuổi và thực hiện được nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Quảng Ninh đến tháng 6/2023 đạt 89,19%; ước tính đến hết năm 2023 đạt 90,14%, đạt chỉ tiêu trước nửa nhiệm kỳ so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 92,1%, tăng 2,1% so với đầu nhiệm kỳ. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo trình độ, năng lực.

Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao. Quảng Ninh đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Năm học 2022 - 2023, điểm trung bình bài thi trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông của tỉnh là 5,50 (cao hơn năm 2022 là 0,64 điểm). Kỳ thi này có 110 thí sinh đạt điểm 10, tăng 29 em so với năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, toàn tỉnh có 67.943 thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên, đạt tỷ lệ 76,54% tổng số thí sinh dự thi.

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với nhiều năm trước (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với nhiều năm trước (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông toàn tỉnh là 6,23, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó điểm trung bình nhóm công lập là 6,68; nhóm tư thục là 5,85, giáo dục thường xuyên là 4,88. Tỷ lệ tốt nghiệp năm 2023 là 97,7%, cao hơn năm 2022 là 0,1%.

Cũng trong năm học 2022 – 2023, Quảng Ninh đạt 59 giải học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông (tăng 11 giải so với năm trước, với 3 giải Nhất, 12 giải Nhì, 18 giải Ba và 26 giải Khuyến khích).

Thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, đạt 4 giải với 2 giải Nhì, 2 giải Ba. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi, các giải văn hóa, thể thao các cấp.

Đặt sức khoẻ, hạnh phúc của nhân dân lên hàng đầu

Với quan điểm đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế, trong suốt những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này.

Giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã chi trên 7.600 tỷ đồng cho phát triển sự nghiệp y tế toàn tỉnh, tăng 41% so với giai đoạn 2011-2015.

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng để sẵn sàng điều kiện y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân, tỉnh đã bố trí trên 1.100 tỷ đồng (chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư công) để chi đầu tư cho lĩnh vực y tế, phòng chống dịch, công tác dân số và gia đình.

Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách được tỉnh Quảng Ninh ban hành đều thống nhất trên quan điểm ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này để người dân được thụ hưởng nhiều nhất những thành tựu phát triển của tỉnh.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí trên 1.100 tỷ đồng (chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư công) để chi đầu tư cho lĩnh vực y tế, phòng chống dịch, công tác dân số và gia đình (Ảnh minh hoạ: CTV)

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí trên 1.100 tỷ đồng (chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư công) để chi đầu tư cho lĩnh vực y tế, phòng chống dịch, công tác dân số và gia đình (Ảnh minh hoạ: CTV)

Nhờ đó, đến nay ngành y tế Quảng Ninh đã trở thành một trong những ngành có hệ thống, mạng lưới hoạt động rộng lớn, với 32 bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và 177 trạm y tế tuyến xã. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý.

Toàn tỉnh đã phát triển trên 600 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân; trong đó có 2 bệnh viện tư nhân chất lượng cao là Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long vận hành theo chuẩn mực quốc tế JCI của Hoa Kỳ và Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga Hạ Long.

Với sự quan tâm đầu tư trong suốt thời gian qua, quy mô giường bệnh toàn tỉnh được nâng lên hơn 10.000 giường. Trình độ, năng lực khám, điều trị bệnh của đội ngũ y tế được nâng lên.

Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn. Trong những năm gần đây, người bệnh đến điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh đã được sử dụng các buồng bệnh khang trang, sạch sẽ, không phải nằm ghép giường.

Ưu tiên nguồn lực phát triển lĩnh vực y tế, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, mới đây tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp 3 công trình y tế.

Trong đó, dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh với quy mô mở rộng diện tích, sửa chữa, nâng cấp và xây mới một số công trình, đảm bảo cơ sở vật chất đồng bộ; nâng quy mô từ 200 giường bệnh lên 330 giường bệnh. Dự án có tổng mức đầu tư 631 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 245 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại buổi lễ gắn biển công trình Bệnh viện Phổi Quảng Ninh chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh (Ảnh: CTV)

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại buổi lễ gắn biển công trình Bệnh viện Phổi Quảng Ninh chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh (Ảnh: CTV)

Phát biểu tại buổi lễ gắn biển công trình Bệnh viện Phổi Quảng Ninh chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, việc đầu tư nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao khả năng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các bệnh nghề nghiệp đối với công nhân, lao động ngành Than.

Quan trọng hơn, với mục tiêu xây dựng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trở thành trung tâm chuyên khoa về phổi của quốc gia và khu vực, thu hút được bác sỹ giỏi, nhân lực y tế chất lượng cao, Bệnh viện Phổi không chỉ phục vụ nhu cầu khám chữa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, lao động ngành Than trên địa bàn tỉnh mà còn cả nhân dân các vùng lân cận và xa hơn tầm quốc gia, quốc tế.

Quảng Ninh cũng đầu tư, xây dựng công trình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) với quy mô 9 tầng (8 tầng nổi, 1 tầng hầm), tổng diện tích sử dụng trên 14.233m2 đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, phù hợp công năng sử dụng tiên tiến nhất hiện nay.

Cùng với đó là các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; trang thiết bị y tế chuyên dụng gồm hệ thống xét nghiệm đo tải lượng virus, máy đo chức năng hô hấp, bộ chiết xuất đạm, máy đo khí độc đa chỉ tiêu, thiết bị đo tổng hoạt độ phóng xạ anpha, beta phông thấp...có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.

Công trình thứ ba là dự án xây dựng Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh trên diện tích 44.020m2, công suất 320 giường bệnh tại phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Dự án có tổng mức đầu tư là 429 tỷ đồng.

Phạm Linh