Quảng Ngãi còn gặp khó khi chọn SGK, giáo viên dạy môn mới còn bất cập

27/07/2023 06:20
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số khó khăn của GD Quảng Ngãi có thể kể đến như: NXB không công bố giá sách nên khó khăn trong tổ chức chọn SGK; đội ngũ GV chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn...

Kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2023-2024.

Theo báo cáo này, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề năm học 2022-2023: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Một số kết quả được khái quát trong báo cáo, gồm có: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; giáo dục thể chất, đảm bảo an ninh trật tự trong toàn ngành; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư và đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tổ chức dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi lớp 8 tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành. Ảnh: quangngai.edu.vn.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tổ chức dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi lớp 8 tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành. Ảnh: quangngai.edu.vn.

Cụ thể, năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo, các chế độ, chính sách, bồi dưỡng đội ngũ, ưu tiên phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo động lực thúc đẩy phát triển về giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi.

Đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp, đảm bảo các hoạt động giáo dục, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của học sinh đối với xã hội; tăng cường an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực.

Thường xuyên tổ chức, học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cho cán bộ công chức, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng tăng cường ứng dụng kỹ năng công nghệ thông tin trong công tác quản trị trường học, trong phương pháp giảng dạy, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, xử lý trên môi trường mạng kịp thời, chính xác, hiệu quả.

100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được cập nhật, niêm yết công khai kịp thời, đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Trung tâm phục vụ - Kiểm soát Thủ tục hành chính tỉnh; công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với ngành giáo dục đã đạt được hiệu quả nhất định.

Công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được đảm bảo, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Chất lượng giáo dục được giữ vững, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, cụ thể: Mầm non có 119/207 trường (tỉ lệ 57,49%); Tiểu học có 131/152 trường (tỉ lệ 86,18%); Trung học cơ sở có 115/129 trường (tỉ lệ 89,15%); Tiểu học - trung học cơ sở có 19/52 trường (tỉ lệ 36,54%); trung học phổ thông có 27/39 trường (tỉ lệ 69,23%).

Khó khăn trong triển khai do một số hoạt động chưa có nội dung, mức chi

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà bán trú của nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu so với nhu cầu.

Thời gian nhập dữ liệu và báo cáo dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa phù hợp, hệ thống chưa ổn định, dẫn đến tình trạng cập nhật dữ liệu không đầy đủ, tình trạng mất dữ liệu sau khi các đơn vị đã nhập liệu.

Đối với công tác lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để giảng dạy phải được tỉnh công bố 5 tháng trước khi khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Danh mục sách giáo khoa được phê duyệt về các địa phương với nhiều quyết định vào thời gian khác nhau nên gây khó khăn cho địa phương trong việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục đề xuất lựa chọn sách giáo khoa; các nhà xuất bản không công bố giá sách nên khó khăn cho địa phương trong việc đánh giá tiêu chí về giá thành trong việc tổ chức chọn sách giáo khoa.

Các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học phổ thông không đủ giáo viên.

Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, thầy cô được phân công giảng dạy các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp,… còn khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo.

Một số hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo chưa có nội dung và mức chi theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh gây khó khăn trong việc triển khai và tổ chức các hoạt động chuyên môn của ngành.

Các mặt giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định so với vùng thuận lợi; chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa bền vững.

Một số cơ sở giáo dục xây dựng phương án các khoản thu, chi, quỹ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có một số nội dung chi chưa đúng quy định dẫn đến phát sinh đơn thư, kiến nghị, phản ánh.

Việc thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số ở một số đơn vị, cơ sở giáo dục chưa thực sự mạnh mẽ, khoa học, vẫn còn tình trạng sử dụng văn bản giấy đối với văn bản hành chính thông thường.

Hiện tượng bạo lực trong học đường vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị, cơ sở giáo dục, môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, vẫn còn tình trạng trẻ em, học sinh bị tai nạn giao thông, đuối nước thương tâm do thiếu sự quản lý của cha mẹ.

Hoạt động học sinh trong “Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” cấp tỉnh, tổ chức tại Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: quangngai.edu.vn.

Hoạt động học sinh trong “Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” cấp tỉnh, tổ chức tại Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: quangngai.edu.vn.

Từ những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã có những đề xuất, kiến nghị, cụ thể:

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nâng cấp Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để đáp ứng nhu cầu nhập dữ liệu, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống, khắc phục sự cố khi nhập dữ liệu; Điều chỉnh lịch nhập dữ liệu trên Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho phù hợp; tăng thời gian nhập liệu cho các địa phương để bổ sung, điều chỉnh số liệu kịp thời.

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bổ sung một số nội dung và mức chi để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục và đào tạo chưa có theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trường lớp học, các công trình phụ trợ phục vụ dạy và học; bố trí nguồn kinh phí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm để duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất; bố trí nguồn kinh phí để mua sắm tài sản, trang thiết bị dạy và học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nâng cao chất lượng tư vấn nghề, kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề

Về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, báo cáo cũng nêu rõ:

Một là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các kết luận, nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, đề án, dự án; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức công dân, đa dạng hóa các hình thức học tập, bảo đảm an toàn trường học, vệ sinh trường học, môi trường sư phạm thân thiện, lành mạnh, nhất là dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh.

Nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức văn hóa ứng xử trong trường học đến từng cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, Đoàn viên Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong trường học. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất, và y tế trường học và sức khỏe học đường, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh trong nhà trường.

Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các kỳ thi, cuộc thi nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy chế; kiên quyết xử lý và kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức vi phạm; theo dõi kiểm tra công tác quản lý văn bằng chứng chỉ; nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đơn vị, cơ sở giáo dục.

Bốn là,tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông đến cha mẹ học sinh và học sinh về chủ trương giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; nâng cao chất lượng tư vấn nghề, thực hiện kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề.

Năm là, đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường học có học sinh dân tộc thiểu số; hoàn thiện việc nâng cấp theo hướng chuẩn hoá đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú; tập trung tham mưu xây dựng nhà bán trú cho học sinh trung học phổ thông để các em có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập được thuận lợi hơn.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số.

Sáu là, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiệu quả; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi để tổ chức dạy học sách giáo khoa đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Bảy là, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập; giáo dục tiểu học; giáo dục trung học cơ sở; xóa mù chữ bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Tám là, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác cải cách hành chính trong ngành, rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính đối với dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chín là, tăng cường công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tiếp tục tập trung tuyên truyền Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa và truyền thông về các tấm gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Ngân Chi