Phụ huynh chen chân mua nhà ở xã hội để mong con được học tập tốt hơn

10/05/2023 06:53
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tiết kiệm chi phí thuê trọ, tạo điều kiện sống cho con tốt hơn, nhiều phụ huynh chen chân chờ đợi để được nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội.

Với những hộ gia đình từ tỉnh lẻ lên Hà Nội mưu sinh, lập nghiệp, bên cạnh những khoản chi phí sinh hoạt, học tập cho con cái, họ còn phải gánh thêm khoản tiền thuê nhà. Vì vậy, mong muốn có một căn nhà ở chốn thị thành là ước mơ của nhiều người.

Khi dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) tiếp nhận hồ sơ tại tòa nhà N09B1 (khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), nhiều bậc phụ huynh là công nhân, lao động phổ thông... đã chen chân đến đây để được "chạm tay" một phần vào ngôi nhà mơ ước, trước hạn tiếp nhận hồ sơ đợt một vào ngày 11/5.

Nhiều người dân trong đó là phụ huynh có con đang đi học mong muốn có căn nhà ở để cho con cái được sinh hoạt, học tập tốt hơn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nhiều người dân trong đó là phụ huynh có con đang đi học mong muốn có căn nhà ở để cho con cái được sinh hoạt, học tập tốt hơn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Anh Phạm Văn Nam (quê ở Hà Tĩnh) cho biết, sau 4 ngày mòn mỏi "xếp lốt" chờ đợi ở nơi đây, vào ngày 8/5 vừa qua, bộ hồ sơ của anh đã được tiếp nhận. Để có được điều đó, anh đã dành thời gian cả tháng trời từ việc tìm hiểu tìm hiểu vị trí, chủ đầu tư dự án, gia đình có thuộc diện mua nhà hay không...

Khi biết gia đình anh thuộc đối tượng 3 (làm việc trong khu công nghiệp, và được chính quyền địa phương xác nhận có hộ khẩu tạm trú tại Hà Nội, chưa có nhà ở), anh đã phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ, để hoàn thành hồ sơ.

Người đàn ông này cho biết, hai vợ chồng anh là nhân viên tại một công ty xây dựng, mức lương của cả hai được tổng khoảng 20 triệu đồng.

Với mức lương trên, anh Nam cho biết, vợ chồng anh phải chắt chiu dành dụm để trang trải cuộc sống như tiền thuê nhà 3 triệu đồng/tháng, hơn 3 triệu đồng/tháng gửi con trường mầm non, 3 triệu đồng cho con gái lớn đang học lớp 6 và học ngoại khóa...

Anh Phạm Văn Nam phải chờ đợi, thấp thỏm trong 4 ngày để được gọi đến tên vào nộp hồ sơ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Anh Phạm Văn Nam phải chờ đợi, thấp thỏm trong 4 ngày để được gọi đến tên vào nộp hồ sơ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hai mươi năm mưu sinh, lập nghiệp ở Hà Nội, trong đó hơn 10 năm có cuộc sống gia đình riêng, anh Nam vẫn luôn mơ ước một căn nhà cho tổ ấm 4 thành viên của mình.

"Nếu mua đất ở tại vùng ngoại thành Hà Nội cũng khoảng 30-40 triệu đồng/m2, ước tính cũng phải 2-3 tỷ đồng để có một căn nhà. Với mức lương của 2 vợ chồng và chi phí sinh hoạt ở Thủ đô như hiện nay, chúng tôi quá khó để có thể mua được nhà dù ở ngoại thành. Mua nhà ở xã hội với giá rẻ khoảng một nửa, vợ chồng tôi sẽ tiết kiệm được tiền thuê nhà và số tiền đó có thể đầu tư cho cái được học ở môi trường giáo dục chất lượng tốt hơn", anh Nam chia sẻ.

Chia sẻ về những những khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ, anh Nam cho hay, khi đã có đủ giấy tờ, anh phải "xếp lốt" để được đến lượt nộp hồ sơ. Theo đó, những người nộp hồ sơ đã tạo thành các nhóm, cắt cử nhau ăn ngủ trực chở ở đây 24/24 để ghi danh, giữ chỗ. Bởi vì một ngày, nơi đây chỉ tiếp nhận khoảng 40 bộ hồ sơ, trong khi có hàng trăm người muốn nộp.

Anh Nam hi vọng mình sẽ vượt qua được "vòng loại" xét duyệt hồ sơ và may mắn trong vòng bốc thăm, để được là người may mắn mua căn hộ nhà ở xã hội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Anh Nam hi vọng mình sẽ vượt qua được "vòng loại" xét duyệt hồ sơ và may mắn trong vòng bốc thăm, để được là người may mắn mua căn hộ nhà ở xã hội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Sau khi hồ sơ được tiếp nhận và xét duyệt thành công, người dân sẽ phải trải qua một vòng nữa là phải bốc thăm để được mua nhà.

"Tôi mong chủ đầu tư có cơ chế để xét duyệt hồ sơ cho người đăng ký mua nhà được nhanh gọn hơn", anh Nam cho hay.

Cũng có mong muốn như anh Nam, anh Nguyễn Văn Tâm cho hay, vợ chồng anh là người ngoại tỉnh đến Hà Nội mưu sinh cũng đã hơn 10 năm, bốn thành viên trong gia đình vẫn cư ngụ tại căn nhà trọ với giá khoảng gần 3 triệu đồng/tháng.

Anh làm công nhân trong khu công nghiệp, còn vợ anh là giáo viên mầm non. Khoản thu nhập của hai vợ chồng dao động khoảng khoảng hơn chục triệu đồng mỗi tháng, họ phải tính toán làm sao để chi trả tiền trọ, sinh hoạt, học hành của con cái, còn vẻn vẹn vài triệu đồng để phòng thân.

"Việc sở hữu căn hộ chung cư với gia đình tôi ngày càng xa vời khi con cái lớn, các khoản chi tiêu nhiều hơn. Tôi thấy có cả nghìn hồ sơ nộp trong khi chỉ có hơn 100 căn, không biết mình có qua được vòng xét duyệt để vào vòng bốc thăm hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thử vận may vì cảnh ở trọ rất khổ. Vợ chồng tôi muốn có nơi ở đàng hoàng hơn cho các con.

Nếu được mua căn hộ, tôi sẽ cố gắng đi vay mượn để có đủ hơn 1 tỷ đồng", anh Tâm chia sẻ.

Nhiều người vạ vật trước cửa tòa nhà N09B1 (khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) để chờ đợi gọi đến tên mình vào nộp hồ sơ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nhiều người vạ vật trước cửa tòa nhà N09B1 (khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) để chờ đợi gọi đến tên mình vào nộp hồ sơ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Vị phụ huynh này cho hay, có khoảng 10 loại giấy tờ yêu cầu nhóm lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp cần có. Đó là đơn mua nhà ở xã hội, các loại giấy xác nhận thông tin cư trú, thực trạng nhà ở, xác nhận đang đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với gia đình anh đang thuộc diện thuê trọ, anh Tâm phải có giấy xác nhận tình trạng cư trú (KT3) trên một năm. Tuy nhiên, do sổ tạm trú bị bãi bỏ từ đầu năm 2023, thay bằng giấy xác nhận thông tin cư trú, anh phải đi công chứng hợp đồng thuê nhà rồi mang ra công an phường xin dấu.

Để hoàn thành được bộ hồ sơ mua nhà, anh Tâm cho biết đã mất 20 ngày để đến Ủy ban Nhân dân phường, công an phường, cơ quan Bảo hiểm xã hội, phòng công chứng.

Mạnh Đoàn