Phòng, chống tham nhũng không còn tình trạng “tắm từ vai trở xuống”

07/02/2024 06:40
Thành An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Thời gian qua, việc xét xử các đối tượng tham nhũng đã lần nữa thể hiện rõ quan điểm phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Năm 2023, nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn như vụ “chuyến bay giải cứu”, vụ Việt Á, Vạn Thịnh Phát… được đưa ra xét xử.

Việc xét xử các đối tượng tham nhũng trong năm qua đã tiếp tục thể hiện rõ quan điểm phòng, chống tham nhũng tiếp tục “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng và Nhà nước.

Theo daibieunhandan.vn, tại Hội nghị thông báo kết quả Phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chiều ngày 01/02, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã điểm lại nhiều điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Theo đó, năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo chuyển biến mới, rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong năm qua, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa hơn 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 839 vụ án/2.276 bị can về tham nhũng, tăng gần 2 lần so với năm 2022. [1]

GDVN_cover.png
Thiết kế: Thành An

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn “tắm từ vai trở xuống”

Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng năm qua, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội chia sẻ: “Năm 2023 và những năm trước đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều này đã được dư luận xã hội và cử tri cả nước khẳng định rất rõ. Tức là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được làm quyết liệt và liên tục không ngừng nghỉ, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Bằng chứng là trong năm 2023 vừa qua, đã có hàng trăm cán bộ - những người có chức, có quyền, kể cả Bộ trưởng hay Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng cũng bị kiểm tra, xử lý kỷ luật; thậm chí có nhiều cán bộ cấp cao đã vướng vào vòng lao lý, đứng trước vành móng ngựa...

Những điều ấy phần nào thể hiện rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để. Đó là một thành công lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm qua”.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đánh giá cao những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của năm 2023.

Ông Sửu nhấn mạnh: “Nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, đã thể hiện rõ quan điểm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, không còn tình trạng “tắm từ vai trở xuống” như những năm trước đây.

Mặt khác, không những ở Trung ương mà ở các địa phương, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh cũng đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả. Phải nói năm vừa rồi, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương chuyển xuống dưới cũng đã có nhiều chuyển biến tốt.

Đây là những tín hiệu đáng mừng cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vốn cần liên tục, không thể “một chốc”, “một lát” mà xong”.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ: “Năm 2023, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tác động trực tiếp đến vấn đề cán bộ. Có thể nói, chưa bao giờ có thời điểm nào, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật Đảng, thậm chí cả xử lý hình sự như thời gian qua.

Đó cũng là một sự cảnh tỉnh cho những cán bộ đương nhiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc nhở: “Ai trót ‘nhúng chàm’ rồi thì rửa tay đi!”. Những người ngấp nghé trong khả năng quy hoạch cũng phải tự soi lại mình. Các cơ quan tham mưu, giúp việc cũng phải thật thận trọng, nêu cao trách nhiệm hơn nữa, công tác kiểm tra giám sát cũng phải thật quyết liệt, không thể hời hợt, buông lỏng công tác quản lý.

Đồng thời, các quy trình về công tác cán bộ phải làm tốt hơn, chặt chẽ hơn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, từ cơ sở lên. Việc kiểm tra phân cấp quản lý cán bộ, giải quyết khiếu nại tố cáo, từng cấp phải phát huy tối đa trách nhiệm của mình để làm tốt hơn, phải thường xuyên nhắc nhở, cảnh tỉnh, còn đã phát hiện dấu hiệu phải nghiêm túc kiểm tra, có sai phạm phải xử lý”.

Ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thiết kế: Thành An.

Ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thiết kế: Thành An.

“Đúng quy trình” tại sao vẫn sai phạm?

Ông Xiểm cũng phân tích thêm: “Cán bộ một khi đã sai phạm, cá nhân phải chịu trách nhiệm; nhưng không phải tổ chức đảng là vô can, mà phải có trách nhiệm. Trong công tác quản lý đảng viên từ chi bộ đến Trung ương, công tác kiểm tra của Đảng yêu cầu ngay từ chi bộ, không phân biệt cao thấp, dù là cán bộ cấp cao cũng phải sinh hoạt tại chi bộ, chi bộ phải kiểm tra đảng viên, chứ không phải chỉ có Trung ương mới kiểm tra cán bộ. Đó là những việc phải làm hết sức rốt ráo.

Khi một cán bộ có dấu hiệu sai phạm, chi bộ nơi sinh hoạt hằng tháng có phát hiện ra vấn đề không? Nói cán bộ đó suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, thì qua công tác quản lý, kiểm tra chi bộ, phải có trách nhiệm, không thể nói không?”.

Ông Phan Xuân Xiểm hy vọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng có kết quả tốt hơn, và công tác cán bộ cần minh bạch, chặt chẽ...

“Tất cả những trường hợp cán bộ sai phạm đều báo cáo là “thực hiện đúng quy trình”. Vậy “đúng quy trình” tại sao vẫn sai phạm? “Đúng quy trình” nhưng “chưa hết trách nhiệm”! Hay người ta gọi là tắc trách, chưa làm kỹ lưỡng, chưa làm đến nơi đến chốn, có khi xuê xoa, bỏ qua...

Trước đây, trong công tác kiểm tra, có những tố cáo đúng nhưng không có bằng chứng, mà gặp cán bộ thiếu trách nhiệm, thì cũng sẽ không xác minh đến nơi đến chốn... Như vậy, sẽ “bỏ lọt” những sai phạm. Chính vì vậy, cũng phải đề cập đến trách nhiệm của từng cán bộ được phân công chứ cũng không thể đổ hết cho tổ chức đảng. Từng cán bộ kiểm tra phải có đầy đủ tiêu chuẩn, phải gương mẫu, phải có kiến thức về pháp luật về các vấn đề thì mới thực hiện tốt việc kiểm tra.

Vật chất luôn luôn vận động, con người cũng thế, tư tưởng cũng sẽ thay đổi, đó là điều đương nhiên, nên chúng ta mới có quan điểm: “Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Chính vì thế, công tác kiểm tra phải được làm thường xuyên, cẩn trọng và chính xác” - ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.

Phải có tiêu chuẩn cụ thể chọn cán bộ, lãnh đạo từng lĩnh vực

Đề cập đến những tiêu chí tuyển chọn cán bộ, ông Ngô Văn Sửu cho rằng: “Xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nên yêu cầu của dân đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý nhà nước trong giai đoạn mới này cũng sẽ khác.

Thời gian qua, cũng có không ít cán bộ được quy hoạch đúng đủ quy trình từ dưới lên trên, vẫn có những sai phạm. Về việc lựa chọn cán bộ, lãnh đạo, không thể chỉ căn cứ vào đảm bảo những tiêu chuẩn chung, mà phải có thêm những tiêu chuẩn cụ thể, ứng với từng lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực có yêu cầu riêng, đòi hỏi người cán bộ, lãnh đạo phải đáp ứng.

Những người làm công tác tổ chức cán bộ phải là những người tinh tường, công minh, khách quan, sắc sảo và đủ khả năng đánh giá con người, tuyển chọn người tài”.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thiết kế: Thành An.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thiết kế: Thành An.

“Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định, cán bộ tốt thì phong trào tốt, cán bộ lơ mơ thì phong trào cũng dở...

Lựa chọn cán bộ sao cho trúng, cho đúng chính là cái gốc giúp Đảng vững mạnh để đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo.

Trong một số trường hợp, nếu đôi mắt tinh tường đã phát hiện được người tài, phải có kế hoạch bồi dưỡng, bảo vệ, đừng quá câu nệ quy trình, trình tự, có thể có quyết định táo bạo, đặc cách, tạo điều kiện để cống hiến khi đủ “độ chín” về mặt tư duy, năng lực...” - ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh.

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ

“Năm 2024 cần tiếp tục nêu cao vai trò của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là các cơ quan, tổ chức Đảng, là Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các cấp, các ngành, đồng hành với đó là công tác giám sát của các cơ quan dân cử... đó là một sự phối hợp rất nhịp nhàng của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự phối hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đó là cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án... Sự phối hợp nhịp nhàng này tạo nên những thành tựu vô cùng to lớn trong thời gian qua, chính vì vậy, cần phát huy hơn nữa trong năm 2024 để tiếp tục những thành tựu trên” - ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Thiết kế: Thành An.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Thiết kế: Thành An.

Ông Lê Như Tiến bày tỏ: “Tôi rất tâm đắc với những khẩu hiệu của hai ngành: Một là ngành y tế với “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và hai là ngành công an với “phòng cháy, chữa cháy”, tức là phòng hơn chống.

Vậy nên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tôi cho rằng cũng tương tự như vậy: phòng hơn chống.

Việc xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng với các bộ, ngành, địa phương sẽ giúp “phòng”, để cán bộ “không thể” tham nhũng. Đó sẽ là những tiêu chí được nêu ra để đồng hành cùng hệ thống pháp luật, ngăn chặn cán bộ, công chức trong các cơ quan dễ có dấu hiệu tham nhũng như các cơ quan phụ trách về lĩnh vực tài chính, đầu tư, phê duyệt các dự án, đất đai... Có được bộ tiêu chí đầy đủ, một khi có người vi phạm thì sẽ dễ dàng phát hiện.

Đồng thời, tôi cũng rất ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, bởi thông qua đó, có thể dễ dàng soi chiếu được cán bộ. Ai có 3 nhà ai có 4 nhà, hoặc ai có biệt thự nọ, biệt thự kia, rồi ai gửi ngân hàng hàng triệu đô ở trong nước hay nước ngoài... đều phải được cập nhật... Phải đẩy nhanh tiến độ và làm thật tốt việc này, sẽ góp phần kiểm soát và kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tiep-tuc-duoc-day-manh-ngay-cang-quyet-liet-dong-bo-toan-dien-i359391/

Thành An