Xếp môn tự chọn xen thời khóa biểu chính khóa: Liệu có lợi ích nhóm tiêu cực?

06/10/2024 06:34
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Phải xem xét đến trường hợp có hay không việc "nhập nhèm", xếp môn tự chọn xen thời khóa biểu chính khóa để đông học sinh đăng ký.

Thời gian qua, dư luận dành không ít sự chú ý đến vấn đề sắp xếp lịch học các môn tự chọn ở một số cơ sở giáo dục công lập.

Có tình trạng các môn học không bắt buộc như STEM/STEAM, kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, chứng chỉ tin hoc.... bị nhà trường xếp chen vào thời khóa biểu chính khóa. Điều này cũng kéo theo, thời gian học ở trường của các em học sinh lên đến 7-8 tiết/ngày.

Đặc biệt, một số chuyên gia giáo dục băn khoăn rằng, việc sắp xếp các môn tự chọn xen với môn chính khóa có thể tạo ra tình trạng “miễn cưỡng tự nguyện” cho phụ huynh.

Cách kết nối, tổ chức môn tự chọn phải có ngưỡng nhất định, tránh tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trên cơ sở đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục để xây dựng thời khóa biểu một cách phù hợp.

Cơ quan quản lý cũng đang có độ mở lớn với vấn đề lựa chọn các môn tự chọn. Quan trọng là cách kết nối, cách tổ chức của các nhà trường, phải có điểm dừng, phải có ngưỡng nhất định, quy định thống nhất, ổn định về mức thu và đối tượng theo học.

Ngoài ra, chúng ta cần có sự rà soát tổng thể về khối lượng kiến thức của tất cả môn học bắt buộc, môn tự chọn. Đặc biệt, phải xem xét đến trường hợp có hay không việc "nhập nhèm", xếp môn tự chọn xen thời khóa biểu chính khóa để đông học sinh đăng ký. Điều này có thể tạo kẽ hở, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm nhằm thu được nhiều".

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi về vấn đề này, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Trà Vinh) nêu quan điểm: "Hiện nay, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nguồn lực về phía giáo viên cũng như thiết bị dạy học chưa đảm bảo nhất là giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật ở một số bậc học.

Do đó, việc cho phép các doanh nghiệp, dịch vụ giáo dục tham gia để xã hội hóa cũng nhằm giải quyết được hai khó khăn với nhà trường là vấn đề giáo viên và môi trường trải nghiệm.

Tất nhiên, chỉ cho phép những đối tác đủ điều kiện và được hội cha mẹ học sinh đồng ý, tuyệt đối cấm việc ép buộc".

"Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền chủ động cho phía các cơ sở giáo dục, vậy nên, nhà trường phải tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tham gia học tập, hoạt động.

Cũng vì cơ chế mở, nên những hoạt động liên quan đến thu phí cần có sự nhất trí giữa nhà trường, phụ huynh và kể cả đối tác, phải hài hòa cho tất cả các bên.

Trách nhiệm cao nhất trong trường hợp này thuộc về hiệu trưởng. Hiệu trưởng cần giải trình trước hội phụ huynh học sinh vì lý do vì sao có chuyện sắp xếp thời khóa biểu chen các môn không bắt buộc với môn chính khóa và hội cha mẹ học sinh hoàn toàn có quyền đặt vấn đề với nhà trường" - bà Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: quochoi.vn

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: quochoi.vn

Bà Mai cũng bày tỏ: "Nhà trường triển khai và phải chịu trách nhiệm về việc sắp xếp thời khóa biểu các môn lựa chọn, phải làm rõ việc lựa chọn các môn không bắt buộc này dựa trên cơ sở nào, mục đích gì... để phụ huynh hiểu.

Để hội nhập, mang lại cơ hội học tập tốt nhất cho con em, cần thực hiện tốt mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra. Muốn như vậy, phải có sự chung tay của toàn xã hội, cần nhiều nguồn lực hỗ trợ từ sách giáo khoa đến một số hoạt động giáo dục khác.

Nơi nào còn mập mờ về những vấn đề này, phải rà soát lại, để có sự thông suốt từ trên xuống dưới. Phải chấn chỉnh những nơi lợi dụng việc xã hội hóa để trục lợi; phân tích những trường hợp trên để thấy những gì cần làm, những gì nên tránh và những điểm cần lưu ý".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, mọi quyết định của nhà trường không thể tùy tiện, phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng nhất của các em học sinh.

"Xã hội hóa giáo dục là cần thiết, nhưng vẫn cần có sự quản lý, không phải xã hội hóa là tùy ý.

Ban giám hiệu phải chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý, trước học sinh, phụ huynh về việc những môn tự chọn được đưa vào chương trình. Phải xác định rõ: Những môn học này có phù hợp với đơn vị, cần thiết với sự phát triển cũng như nguyện vọng của học sinh hay không? Phải đánh giá được học sinh học xong thu được gì?" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nêu quan điểm.

Cần công khai toàn bộ kế hoạch dạy môn tự chọn, chi phí

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu chia sẻ, việc sắp xếp thời khóa biểu ở các cấp học cần vừa sức, phù hợp với người học và đồng bộ, khoa học cho cả người dạy.

"Việc sắp xếp cũng cần chú ý đến quy luật tiếp thu của người học. Với những môn học có phần căng thẳng, nên có thêm những phần hoạt động hấp dẫn, để thay đổi trạng thái của học sinh. Một điều khác cần lưu ý trong việc sắp xếp thời khóa biểu là không được để số tiết quá nhiều, thời gian học vượt quá giờ hành chính. Đặc biệt, buổi chiều chỉ nên xếp tối đa 3-4 tiết. Tùy từng lứa tuổi học sinh, nhà trường có thể nghiên cứu để sắp xếp cho phù hợp" - nữ đại biểu cho hay.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai cũng cho biết: "Việc sắp xếp thời khóa biểu phải đảm bảo nguyên tắc thực hiện theo khung chương trình, thời gian năm học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Điều này cũng cần đáp ứng điều kiện của giáo viên trong nhà trường, cũng như căn cứ vào điều kiện của học sinh. Dựa vào tất cả những điều trên, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu thỏa đáng cho cả người dạy và người học".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nêu quan điểm: "Đối với các môn học bắt buộc, mọi học sinh đều có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi được học. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định, yêu cầu tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục, phụ huynh, học sinh tuân thủ và ủng hộ.

Còn với các môn học không bắt buộc, tôi đề nghị lãnh đạo các trường, ban giám hiệu phải chỉ ra rõ ràng các môn học tự chọn phù hợp theo từng cấp học. Ví dụ, với học sinh cấp tiểu học cần trang bị thêm những gì, và với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, thì cần bổ sung thêm môn nào thì có thể nâng cao hiệu quả giáo dục, đánh giá cụ thể ra sao?

Điều này cần bàn bạc kỹ càng, có sự trao đổi của lãnh đạo nhà trường, xin ý kiến của phụ huynh đầy đủ và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo".

co-an-9033.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Cuối cùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đặc biệt nhấn mạnh, không nên để học sinh phải học quá nhiều, nên có mức độ, chương trình phù hợp với lứa tuổi. Nhà trường định hướng môn nào học cần thiết nhất, cấp thiết nhất cho các em, không để học sinh rơi vào tình trạng quá tải, áp lực. Phải có sự cân đối để các em được phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ.

Hồng Linh