Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải), Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, Giảng viên cao cấp Khoa Công trình Trường Đại học Giao thông vận tải vinh dự là 1 trong 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được vinh danh năm 2024.
Với vai trò và vị trí trong ngành, Phó giáo sư Hoàng Hà không ngừng cống hiến cho sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước. Trong suốt sự nghiệp, ông đã tập trung vào nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực cầu đường, góp phần mang lại những giải pháp kỹ thuật hiệu quả và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà chia sẻ, mọi giải thưởng đều vô cùng cao quý. Giá trị của giải thưởng không chỉ nằm ở hình thức hay vật chất, quan trọng hơn là sự ghi nhận đối với nỗ lực, kiên trì và phấn đấu của mỗi nhà khoa học. Những thành quả đạt được và giải thưởng nhận được là minh chứng xứng đáng, là niềm tự hào to lớn khi công sức và cống hiến của họ được xã hội thừa nhận. Đối với các nhà khoa học, sự công nhận đó chính là điều ý nghĩa nhất.
“Điều cốt lõi của các nhà khoa học không nằm ở quyền lợi vật chất hay địa vị xã hội mà ở việc nghiên cứu của họ có chính xác, có ứng dụng được và mang lại lợi ích cho xã hội, đất nước và nhân dân như thế nào. Giải thưởng nào cũng rất cao quý và đáng trân trọng, vì nó chính là sự công nhận của xã hội và đất nước đối với những cống hiến của họ”, thầy Hà bày tỏ.
Muốn phát triển, phải dựa vào nền khoa học công nghệ hiện đại
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà chia sẻ về cơ duyên của mình với nghiên cứu khoa học và lĩnh vực giao thông vận tải. Ông cho biết, trong suốt quá trình công tác và học tập, ông đã đảm nhận nhiều vị trí khác nhau và từng là một chiến sĩ trong quân đội nhân dân.
Trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, Phó giáo sư Hà nhận thấy rõ rằng một quốc gia muốn phát triển thì phải dựa vào nền khoa học công nghệ hiện đại và trong đó, giao thông vận tải luôn đóng vai trò tiên phong, mở đường. Phát triển giao thông là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, ông đã chọn ngành giao thông làm hướng đi cho mình và luôn giữ sự tâm huyết với ngành, từ những ngày còn đứng trên bục giảng cho đến khi đảm nhận các vị trí quản lý và thực hiện các công trình khoa học.
Đối với Phó giáo sư Hoàng Hà, mục tiêu cao nhất luôn là phục vụ đất nước và ngành giao thông. Đây chính là động lực lớn nhất giúp ông đạt được những thành công trong sự nghiệp.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào những năm 1980, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà đã lựa chọn và thi đỗ vào Trường Đại học Giao thông Vận tải. Đến năm 1985, không chỉ hoàn thành chương trình học với kết quả vượt trội, thầy vinh dự đạt danh hiệu thủ khoa và được trường giữ lại giảng dạy. Thầy chính thức trở thành giảng viên tại Bộ môn Cầu giao thông, Trường Đại học Giao thông vận tải và bắt đầu hành trình cống hiến cho nền giáo dục và nghiên cứu khoa học của đất nước.
Phó giáo sư Hoàng Hà chia sẻ, việc chọn hướng đi phát triển hạ tầng giao thông vận tải không chỉ là một cơ duyên mà còn là trách nhiệm cao cả với quốc gia. Lĩnh vực này được xem là yếu tố then chốt, tiên phong trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, thầy đã chủ động nghiên cứu, đưa vào áp dụng các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng công trình và tối ưu hóa chi phí xây dựng, mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia.
Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm, Phó giáo sư Hoàng Hà đã dồn toàn bộ tâm huyết vào việc nghiên cứu những công nghệ hiện đại. Thầy Hà là một trong những nhà khoa học tiên phong tại Việt Nam trong việc tiếp cận và phát triển các công trình cầu dây văng.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư Hoàng Hà cũng chú trọng nghiên cứu các giải pháp hầm giao thông và kiên cố hóa công trình để đảm bảo an toàn, chống sạt lở. Điều đặc biệt trong những công trình nghiên cứu của thầy chính là khả năng điều chỉnh công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tạo nên những giải pháp mang tính bền vững và hiệu quả.
Nhà quản lý gắn kết khoa học và thực tiễn
Không chỉ nổi bật trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư Hoàng Hà còn được biết đến như một nhà quản lý tài ba, ghi dấu ấn đậm nét trong suốt thời gian công tác. Với 13 năm giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, ông đã đóng góp lớn trong việc thúc đẩy khả năng sáng tạo và chủ động nắm bắt công nghệ của các chuyên gia, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật Việt Nam.
Với kinh nghiệm phong phú, vị phó giáo sư luôn chú trọng vào việc áp dụng khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Ông không chỉ tham khảo nền khoa học tiên tiến của các nước Âu - Mỹ mà còn rút ra nhiều bài học quý báu từ các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Thái Lan và Malaysia... từ đó, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình công nghệ sao cho phù hợp với khí hậu, địa hình, địa chất và trình độ công nghệ trong nước.
Hành trình nghiên cứu và làm việc đã để lại trong vị phó giáo sư nhiều kỷ niệm phong phú và đáng nhớ. Phó giáo sư Hoàng Hà kể lại kỷ niệm liên quan đến dầm Super-T, một loại dầm đã được ứng dụng trên hàng chục cây cầu lớn tại Việt Nam.
Năm 1985: Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà là thủ khoa đầu ra Trường Đại học Giao thông vận tải và được giữ lại trường giảng dạy.
Năm 1999: Ông học tại Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức.
Năm 2007-2020: Ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ giao thông vận tải.
Năm 2020 đến nay: Ông là giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Giao thông vận tải.
Trước đây, khi loại dầm này nhập khẩu từ Úc về Việt Nam, đã xảy ra hiện tượng nứt ở đầu dầm, dẫn đến đề xuất từ Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân về việc ngừng sử dụng loại dầm này. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết phản đối, khẳng định rằng không có lý do gì mà Úc làm được mà Việt Nam lại không làm được.
Với quyết tâm không ngừng nghỉ, ông đã tập hợp một nhóm nghiên cứu và chỉ trong khoảng ba tháng, họ đã phát hiện và khắc phục các nhược điểm của dầm Super-T mà trước đó chưa được nắm bắt từ khi du nhập từ Úc. Dầm Super-T, mặc dù có cùng khối lượng với dầm I33, nhưng lại có khả năng vươn nhịp dài hơn tới 40 mét so với 33 mét của dầm I33, giúp giảm khoảng 25% chi phí cho mỗi nhịp cầu. Nhờ sự chỉ đạo và nỗ lực của ông, loại dầm này đã được ứng dụng và giữ lại cải tiến cho đến nay.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khác trong sự nghiệp của Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà là công trình xây dựng cây cầu Pá Uôn ở Sơn La, với các trụ cao hàng trăm mét, trong đó trụ cao nhất đạt khoảng 99 mét. Đây là một thách thức lớn đối với các kỹ sư cầu đường Việt Nam. Ông và các cộng sự đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ bơm bê tông lên cao, một đột phá mang lại hiệu quả cao và giải quyết thành công những khó khăn trong thi công.
Vị phó giáo sư luôn tâm niệm rằng trong những lúc khó khăn, không được lùi bước. Những kỷ niệm về sự kiên quyết và nỗ lực không ngừng của ông không chỉ là bài học quý giá mà còn là minh chứng cho sự cống hiến và đóng góp đối với ngành xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Nhờ sự am hiểu sâu sắc về thực tiễn và nhu cầu của các đơn vị sản xuất, ông luôn tìm cách giải quyết các khó khăn thực tế thông qua nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất, tư vấn và thi công. Nguyên vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cho rằng, chỉ khi khoa học bám sát thực tiễn mới mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay, dù đã rời vị trí quản lý, ông vẫn tiếp tục đóng góp với vai trò chuyên gia tư vấn, tham gia vào các dự án thiết kế công trình giao thông lớn, như một kỹ sư thực thụ, mang lại những giá trị thực tiễn và hữu ích cho sự phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.
Không có nỗ lực nào là vô ích
Trong suốt sự nghiệp khoa học của mình, Phó giáo sư Hoàng Hà luôn khẳng định ba nguyên tắc cốt lõi. Trước hết, mỗi nhà khoa học đều có trách nhiệm quan trọng trong việc phát triển nền khoa học quốc gia. Đam mê và sự nỗ lực không ngừng chính là yếu tố then chốt để đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu khoa học phải có khả năng ứng dụng thực tiễn vì giá trị của nghiên cứu không chỉ nằm ở lý thuyết mà phải tạo ra hiệu quả cụ thể. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu của thầy Hà.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư Hoàng Hà cũng luôn ý thức về trách nhiệm truyền bá và lan tỏa tri thức khoa học. Thầy Hà đã viết nhiều cuốn sách về các lĩnh vực như phát triển đường sắt đô thị tốc độ cao và xây dựng hạ tầng, những lĩnh vực mà ông đặc biệt tâm huyết. Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, thầy còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thông qua các bài giảng, khơi dậy sự tự tin và khao khát vươn lên của các nhà khoa học Việt Nam trong hội nhập với thế giới.
"Nền tảng khoa học công nghệ của Việt Nam đủ mạnh để tiếp thu và phát triển, để xây dựng những công trình hạ tầng giao thông đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều khó khăn nhất là giữ vững niềm đam mê và niềm tin vào khả năng đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Không có nỗ lực nào là vô ích; nếu không thử, không làm thì chắc chắn không thể thành công", thầy Hà bày tỏ.
Trong quá trình nghiên cứu và làm việc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà đã đạt được nhiều thành tích, tiêu biểu như:
Chủ trì nghiên cứu thành công 3 đề tài khoa học cấp Bộ, được đánh giá xuất sắc. Năm 2022, tham gia biên soạn Tiêu chuẩn thiết kế cầu trên đường sắt theo các trạng thái giới hạn, Bộ giao thông vận tải.
Đồng thời là chủ biên của 19 cuốn sách tham khảo và giáo trình; trong đó bộ sách về đường sắt đô thị được công nhận sáng kiến có hiệu quả áp dụng; là tác giả và đồng tác giả của 23 bài báo khoa học đã được đăng tải trên các Tạp chí trong và ngoài nước.
Thầy được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2015.
Từng chủ trì xây dựng “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 20230” của Bộ Giao thông vận tải. Thầy từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.[1]
Hiện nay, với vai trò giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Giao thông vận tải, Phó giáo sư Hoàng Hà là một thầy giáo tận tâm và đáng kính, luôn mong muốn lan tỏa tinh thần đam mê và nhiệt huyết khoa học đến lớp trẻ. Thầy coi việc truyền thụ kiến thức và đam mê cho thế hệ sau là trách nhiệm quan trọng và cần phải thực hiện một cách có hiệu quả. Con người là yếu tố quyết định, không có máy móc, công nghệ hay thiết bị nào có thể thay thế được sự sáng tạo và nỗ lực của con người.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hà có lời khuyên nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Đi thì chưa chắc đã đến, nhưng không đi thì chắc chắn không đến. Phải dứt khoát hành động, nỗ lực và không ngừng cố gắng. Tuy nhiên, cần cân bằng mọi thứ trong cuộc sống, đừng chỉ tập trung vào học tập; cần phải giải trí, lao động, phát triển và chăm sóc gia đình. Khi học phải nghiêm túc và khi chơi cũng phải giỏi. Làm là làm thật, không chỉ nói!”
Tài liệu tham khảo:
[1] https://hkhktcd.vn/print.aspx?artid=9722