Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ định hướng mới trong phát triển GD

12/04/2023 06:37
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng chú trọng thu hút các dự án đầu tư trường học ngoài công lập chất lượng cao, trường đa cấp, trường quốc tế,...

Để hiểu rõ hơn về thực trạng và định hướng phát triển giáo dục tỉnh Lâm Đồng sau Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nguyên Phương

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng đối với hoạt động giáo dục và đào tạo trong những năm qua?

Tiến sĩ Phạm S: Xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, do đó trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương hiện tại và tương lai. Đến nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng có quy mô tương đối lớn, cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, cụ thể:

Tỉnh có 682 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Trong đó: Mầm non: 230 trường, Tiểu học: 223 trường, trung học cơ sở: 158 trường, trung học phổ thông: 59 trường, giáo dục thường xuyên cấp tỉnh: 01 trung tâm, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện: 11 trung tâm;

Trên địa bàn tỉnh có 02 trường đại học, 02 cơ sở của trường đại học (Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng); 04 trường cao đẳng và 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia là 496/604 trường, đạt 82,12% với tổng số học sinh là 330.786 em.

Số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của toàn tỉnh hiện là 21.901 người. Trong đó: cán bộ quản lý: 1.545 người, giáo viên: 17.599 người, nhân viên: 2.757 người.

Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Mầm non đạt chuẩn: 95,3 %, trên chuẩn: 39,7%; tiểu học đạt chuẩn: 99,8%, trên chuẩn: 31,6%; trung học cơ sở đạt chuẩn: 99,8%, trên chuẩn: 78%; trung học phổ thông đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 30%; trung cấp chuyên nghiệp đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn 5,2%; cao đẳng đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn 40%.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo bám sát tình hình thực tế tại địa phương.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

Thường xuyên chỉ đạo rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và phổ thông.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với gần 22 ngàn lượt người tham dự; chủ động sửa chữa, xây mới các công trình và trang bị bổ sung thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các cơ sở giáo dục trước khi vào năm học mới.

Liên quan đến việc thực hiện chương trình mới, tỉnh đã tổ chức đề xuất, lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được giữ vững và phát triển qua từng năm học. Năm năm qua, giáo dục và đào tạo Lâm Đồng liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Riêng năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, 06 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; số học sinh đoạt giải tại các Kỳ thi quốc tế được nâng lên.

Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm học luôn đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đặc biệt trong năm 2020, 2021 còn đảm bảo các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Kết quả đối sánh điểm trung bình tốt nghiệp giai đoạn 02 năm (2020 – 2022) của Lâm Đồng xếp trong top 10 toàn quốc, nằm trong 20 tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục phổ thông tốt, ổn định.

Giáo dục mũi nhọn, cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật của tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

PV: Kết quả đó cho thấy những nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, vậy trong công tác phát triển giáo dục, tỉnh Lâm Đồng có gặp phải thách thức, khó khăn gì không, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm S: Song song với những kết quả đạt được, thực tế ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng còn những khó khăn hạn chế nhất định.

Tỷ lệ huy động nhà trẻ của địa phương còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu (đến nay đạt 26,97%, so với chỉ tiêu 30%); Cơ sở vật chất trường học còn thiếu như: phòng học bộ môn, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà đa năng, thư viện... và chưa đồng bộ; còn phòng học xuống cấp cần thay thế; tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày còn thấp, thiếu quỹ đất để phát triển mở rộng quy mô.

Chất lượng dạy học tại một số trường vùng khó khăn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; một số giáo viên lớn tuổi kỹ năng sư phạm chưa đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học và yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Trên địa bàn vẫn còn xảy ra một số vụ việc học sinh vi phạm kỷ luật học đường như: vi phạm Luật an toàn giao thông, Luật An ninh mạng, sử dụng trái phép chất kích thích, đánh nhau, cố ý gây thương tích, …

Việc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập bậc học mầm non.

Trước những khó khăn huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ) trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các dự án đầu tư xã hội hoá giáo dục theo Nghị quyết số 35/NQ-CP.

PV: Sau Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo ông chiến lược phát triển giáo dục của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng cần lưu ý đến điểm nào?

Tiến sĩ Phạm S: Để thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 48-Ctr/TU ngày 30/12/2022 và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10075/KH-UBND ngày 30/12/2022. Trong đó, đặt ra mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo đó là: “Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,1%. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia.” Lĩnh vực y tế: “Đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%”.

Cùng với đó, nêu rõ một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần thực hiện để phát triển nguồn nhân lực, cụ thể:

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tạo bước chuyển biến thật sự rõ nét, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhân tài.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trong đó, chú trọng phát triển và sử dụng nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.

Thực hiện hiệu quả nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp và phương thức giáo dục - đào tạo, phát triển con người toàn diện; chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, theo chuẩn quốc tế.

Đối với khu vực Tây Nguyên có lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp, du lịch, công nghệ khai khoáng, văn hoá, môi trường và chuyển đổi số… do đó nguồn nhân lực các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới cần định hướng nghề nghiệp từ bậc học phổ thông để học sinh tiếp cận tập trung vào các lĩnh vực nêu trên.

PV: Tỉnh Lâm Đồng dự kiến có định hướng phát triển giáo dục như thế nào sau Hội nghị, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm S: Từ kết quả của Hội nghị vừa qua, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung những nội dung cơ bản sau đây:

Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tốt, đạt hiệu quả các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch có liên quan đảm bảo khắc phục triệt để tính hình thức, tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch đề ra, như:

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 9953/KH-UBND ngày 26/12/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Kế hoạch số 4858/KH-UBND ngày 04/7/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh;

Kế hoạch số 1050/KH-UBND ngày 15/02/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh;

Kế hoạch số 1216/KH-UBND ngày 22/02/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị cho các năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh theo quy định, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Xây dựng phương án, định hướng việc sáp nhập các trường phổ thông dân tộc nội trú đảm bảo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ theo hướng thu hút các dự án đầu tư trường học ngoài công lập chất lượng cao, trường đa cấp, trường quốc tế,...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sử dụng không gian mạng, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới có hiệu quả, không ỷ lại, phụ thuộc vào công cụ Chat GPT trong học tập.

Lâm Đồng cũng sẽ chỉ đạo tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng và hiệu quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và phương án đến năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo.

Cụ thể, chỉ đạo sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính, sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, tài chính, đội ngũ, … nhằm triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cần tập trung nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học.

Quan tâm bố trí số lượng người làm việc đảm bảo đủ giáo viên, nhân viên cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tập trung đầu tư xây dựng có trọng điểm các công trình phục vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

Yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu nhân lực của các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh. Tập trung đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Lấy Trường Cao đẳng Đà Lạt làm cốt lõi trong đào tạo nghề của tỉnh và nâng cao năng lực hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề (liên kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, ...).

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo tại địa phương đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn quản lý.

PV: Ông có đề xuất gì đối với công tác phát triển giáo dục trong thời gian tới của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung?

Tiến sĩ Phạm S: Để thực hiện tốt và đạt các mục tiêu đề ra về phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương một số vấn đề sau:

Cần quan tâm, tạo nhiều điều kiện tốt nhất về cơ chế, tài chính, nhân lực, … đặc biệt là các điều kiện để thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với việc thực hiện tiêu chí nông thôn mới để các tỉnh Tây Nguyên sớm hoàn thành chỉ tiêu này. Bởi vì nhìn chung, chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên còn rất thấp trừ tỉnh Lâm Đồng;

Từ những hạn chế bất cập về phát triển giáo dục và đào tạo đối với từng tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát, xác định nguyên nhân; trên cơ sở đó tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo và công tác đào tạo mũi nhọn, đào tạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong vùng Tây Nguyên;

Thời gian tới, cần nghiên cứu sửa đổi tiêu chí quy định tại điểm g, khoản 4, Điều 9 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú: “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đạt các tiêu chuẩn qui định tại điểm này và tập thể do cá nhân quản lý phải đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 02 năm liền kề năm đề nghị xét tặng” theo hướng tạo thuận lợi hơn để xét tặng danh hiệu này đối với cán bộ quản lý giáo dục.

Cuối cùng, cần mở rộng quy mô và tăng chỉ tiêu đào tạo hàng năm đối với đội ngũ bác sĩ đa khoa để giúp tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2030 đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân (hiện nay chỉ đạt 20,5 giường bệnh và 8,2 bác sĩ trên 1 vạn dân).

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm S.

Nguyên Phương