Giám đốc Sở GD Đắk Lắk kiến nghị điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu đối với GVMN

03/04/2023 06:38
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về giải pháp phát triển giáo dục, Đắk Lắk bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của tỉnh đạt tối thiểu ở mức 20% chi thường xuyên.

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, giáo dục Đắk Lắk đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đầy khó khăn trong bối cảnh đổi mới.

Đắk Lắk xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giáo dục được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng được phần lớn nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước.

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NP

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NP

Phấn đấu đạt các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh ngang với mặt bằng chung của cả nước; đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn trở thành một trong những tỉnh có số lượng học sinh giỏi đạt cao trong cả nước.

Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho Trường Đại học Tây Nguyên và các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương ngang tầm với giáo dục đại học trong nước; phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Định hướng phát triển đến 2045, giáo dục Đắk Lắk thuộc tốp các tỉnh, thành có quy mô và chất lượng giáo dục phát triển của cả nước. Thiết lập được hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời; tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Tập trung đầu tư phát triển một số viện/trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tầm cỡ quốc gia và khu vực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, từng bước xây dựng xã hội học tập.

Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng, đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn, thư viện. Đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông được đầu tư mua sắm đầy đủ; 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đạt mức cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa.

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Ông Phạm Đăng Khoa cho biết, để đạt được những mục tiêu đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương và ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách tạo đột phá phát triển giáo dục của tỉnh; xây dựng chính sách liên kết phát triển giáo dục đào tạo với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập; giảm các điểm trường lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để đảm bảo mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của học sinh và người dân trong tỉnh.

Phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ khu vực ASEAN và thế giới.

Thứ hai là tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường sự phối hợp, thực hiện đồng bộ cơ chế phân bổ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở các địa phương, bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của tỉnh đạt tối thiểu ở mức 20% chi thường xuyên, 80% chi cho con người. Tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Đổi mới cơ cấu chi ngân sách cho các cấp học, bậc học ưu tiên bố trí ngân sách cho giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Ảnh minh hoạ: NP

Ảnh minh hoạ: NP

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng hằng năm để tuyển đủ số giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao; tiếp tục bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường, liên cấp bảo đảm dạy đúng, đủ chương trình theo quy định; sắp xếp vị trí, việc làm và các chức danh trong nhà trường hợp lý, phù hợp với năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện chế độ làm việc của giáo viên phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với vùng miền, có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành giáo dục, không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 và tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo lộ trình.

Thứ ba là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế. Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển; tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, các hoạt động liên kết đào tạo, sử dụng nguồn lực công và nguồn hỗ trợ cho phát triển giáo dục của tỉnh.

Tăng cường hội nhập quốc tế, đa dạng hóa các mô hình hợp tác, liên kết, đầu tư quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và xây dựng mở rộng các chương trình giáo dục đạt chuẩn chất lượng quốc tế. Khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong tỉnh với các cơ sở giáo dục nước ngoài để trao đổi học sinh, sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Thứ tư, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác và các dự án thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với phẩm chất, năng lực học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức dạy học.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác các thông tin về giáo dục và đào tạo của tỉnh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, có giải pháp quản lý phù hợp.

Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh. Phát triển tài nguyên học liệu số chia sẻ dùng chung; phát triển và khai thác dữ liệu học tập trên hệ thống đảm bảo có chất lượng.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá người học. Tăng cường công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo; kịp thời tuyên truyền những kết quả đạt được để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới của ngành.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc của giáo viên mầm non. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc sử dụng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Đối với Chính phủ, cần tăng cường nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vì hiện nay, nguồn vốn các chương trình này bố trí cho giáo dục đào tạo vẫn còn hạn hẹp.

Đối với Bộ Tài chính, xem xét điều chỉnh Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo hướng cho phép sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục công trình đã có và đầu tư xây dựng bổ sung các hạng mục công trình mới trong các trường học.

Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy hoạch sắp xếp lại các trường sư phạm và đổi mới chương trình, giáo trình để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo còn thiếu so với quy định, đảm bảo đủ số lượng giáo viên trong việc triển khai thực hiện chương trình mới.

Một số kết quả nổi bật của giáo dục tỉnh Đắk Lắk

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh toàn tỉnh có 1.009 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; toàn tỉnh có 16 Trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố; có 89 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 22 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; có 184 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 4 trường trung cấp nghề, 8 trường cao đẳng, 2 trường đại học, 2 phân hiệu đại học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, để đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo đúng kế hoạch, lộ trình của Quốc hội, từ năm 2015 địa phương đã chủ động tập trung bố trí kinh phí để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; hàng năm bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường, với tổng kinh phí thực hiện từ năm 2015 đến năm 2022 là gần 7.618 tỉ đồng. Trong đó: ngân sách trung ương là 401 tỉ đồng, ngân sách địa phương là hơn 6.615 tỉ đồng, vốn vay, viện trợ là gần 540 tỉ đồng và nguồn xã hội hóa là hơn 62 tỉ đồng.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, có phẩm chất, năng lực tốt để thực hiện thành công đổi mới; 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đều được bồi dưỡng chương trình nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk có hệ thống các trường đại học; các phân hiệu học viện, phân hiệu đại học lớn nhất trong vùng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh của vùng Tây Nguyên và cho nước bạn Lào và Campuchia.

Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn phát triển mạnh qua các năm cả về chất lượng, lẫn số lượng và luôn ở tốp đầu trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục luôn được quan tâm, trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 57,88%. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Giáo dục dân tộc được quan tâm từ chế độ chính sách đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được duy trì và phát triển đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học tập, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú; có 06 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp huyện.

Giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực khi triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Cơ cấu đào tạo ngành nghề đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu phù hợp với thị trường lao động.

Công tác xã hội hóa giáo dục đã được đẩy mạnh và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Toàn tỉnh có 88 trường ngoài công lập từ mầm non đến trung học phổ thông. Hệ thống trường ngoài công lập ở cấp mầm non và trung học phổ thông phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển giáo dục của tỉnh.

Chuyển đổi số trong giáo dục của tỉnh Đắk Lắk có bước phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý và dạy học được bổ sung, nâng cấp và dần hoàn thiện đạt được những hiệu quả tích cực...

Nguyên Phương