Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Trường đại học Điện Lực (235 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) thời gian gần đây đã vướng rất nhiều lùm xùm gây sự chú ý của dư luận.
Mới đây, Hiệu phó của trường Đại học Điện lực là ông Trương Nam Hưng, thời gian qua cũng phải đội đơn cầu cứu đi khắp nơi mong tìm lại công bằng khi bị kỷ luật được cho là thiếu công bằng, trù dập cán bộ.
Đặc biệt, nhóm cán bộ, giảng viên Trường đại học Điện lực tố cáo ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường - đã cấp khống bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên ra trường vào tháng 3/2019 vừa qua.
Ngày 27/9/2019, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo kết luận thanh tra về những sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ đại học của Trường Đại học Điện Lực, Hà Nội.
Trường Đại học Điện Lực thời gian gần đây dính rất nhiều bê bối liên quan đến hoạt động giáo dục. Ảnh: epu.edu.vn |
Kết luận nêu rõ, kiểm tra ngẫu nhiên danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành điện công nghiệp và dân dụng năm 2013 cho thấy có 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, 7 sinh viên không có dữ liệu xét tuyển.
Không những thế, trong công tác tuyển sinh năm 2013, trường tuyển sinh trình độ đại học chính quy vượt chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo là 43,4%, năm 2014 vượt chỉ tiêu là 12,2%. Trường tiếp nhận sinh viên chuyển trường năm thứ nhất, sinh viên chuyển trường không cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học.
Công bố kết luận thanh tra sai phạm ở Trường đại học Điện Lực |
Bên cạnh đó, lập danh sách sinh viên có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, danh sách sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội của từng địa phương, danh sách sinh viên chuyển trường được trường tiếp nhận không đúng quy định…
Trao rồi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng sắp tới các cơ quan quản lý của trường Đại học Điện Lực phải xử lý triệt để những sai phạm này bởi theo bà An Bộ Giáo dục kiểm tra ngẫu nhiên 222 sinh viên trúng tuyển và phát hiện ra 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn là một con số gian lận ngoài sức tưởng tượng.
Đáng nói, việc này không chỉ diễn ra trong vòng 1 năm chứng tỏ đã có việc tuyển sinh một cách bất chấp.
Cũng theo bà An, sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo tại trường Đại học Điện lực cần được thanh tra một cách toàn diện hơn không chỉ dừng lại năm 2013 và năm 2014.
Bởi theo vị đại biểu quốc hội khóa 13 cho biết, có thể trong số những sinh viên có số điểm dưới chuẩn được trường tuyển sinh, có cả những người là con của công chức, viên chức, những người đang làm một số vị trí quản lý và những sinh viên không đủ tiêu chuẩn này đang công tác ở các cơ quan nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bà Bùi Thị An cho rằng các cơ quan ban ngành phải xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm của Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực để xảy ra sai phạm. Ảnh: LC |
Bà Bùi Thị An cho rằng các cơ quan chủ quản của trường như Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc và xử lý triệt để, xem xét trách nhiệm vai trò của người đứng đầu ở trường Đại học Điện lực cụ thể là Hiệu trưởng trường Đại học Điện Lực.
Đồng thời cũng phải xem xét tính chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng tại trường khi để xảy ra sai phạm. Phải xác định đây là một bài học đắt giá đối giáo dục, do vậy cần phải xử lý thật nghiêm, tránh tình trạng này tiếp tục tái diễn.
Nếu xử lý không nghiêm có thể sẽ tạo ra những tiền lệ xấu cho các cơ sở đào tạo khác. Việc tuyển sinh đầu vào không đảm bảo thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sau này sẽ đi về đâu?, bà An đặt câu hỏi.
Trước những sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh tra đã kiến nghị trường cần nghiêm túc kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra.
Việc thực hiện kết luận thanh tra cần báo cáo về Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/11/2019.