PGS.TS Nguyễn Tiến Đông trở thành tân Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ

18/11/2023 16:52
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-"Tôi tin rằng, giáo viên vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tư duy và nhân cách của người học,..."

Sáng ngày 18/11, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Cũng nhân dịp này, trường công bố quyết định công nhận Hiệu trưởng nhà trường.

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ông Nguyễn Bá Thiện – Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp); đại diện các phòng tại Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương).

Về phía địa phương có: ông Đỗ Tuấn Sơn – Phó Bí thư Thành ủy Từ Sơn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Từ Sơn; ông Trần Đức Tùng – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Từ Sơn cùng lãnh đạo, đại diện của các doanh nghiệp, hiệp hội, viện, trung tâm, các trường cao đẳng, trường trung học phổ thông, đơn vị đối tác,…

Về phía nhà trường có sự tham dự của ông Dư Thành Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ; bà Kim Thị Thủy – Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ Việt – Thành viên Hội đồng quản trị; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – tân Hiệu trưởng nhà trường cùng nguyên lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, chuyên viên, sinh viên nhà trường.

Theo đó, ngày 17/10/2023, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã nhận được Quyết định số 1557/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về việc quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho thầy Nguyễn Tiến Đông.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Ảnh: Tường San).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Ảnh: Tường San).

Phát biểu nhận nhiệm vụ và chiến lược phát triển 2023-2030 của nhà trường, tân Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho hay, là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, để có thể cạnh tranh được với các trường công lập, trong thời gian tới, trường sẽ tìm định hướng mới, giải pháp mới để có hướng đi mới cho nhà trường nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho xã hội.

Theo đó, các nhiệm vụ chính mà nhà trường đặt ra như định hướng đào tạo phát triển năng lực nghề nghiệp cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp theo hướng thông minh, công nghệ cao, tự động hóa và chuyển đổi số; Là đối tác về đào tạo và phát triển - L&DBP và R&D ứng dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp; HUB - Điểm kết nối trung tâm, co-working space cho việc triển khai tất cả các dự án, các chương trình hợp tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm giáo dục chính của trường trong thời gian tới có thể kể đến như các chương trình đào tạo hướng nghề, hướng nghiệp, trải nghiệm khoa công nghệ, kỹ năng thông qua các cuộc thi về đổi mới sáng tạo dành cho các học sinh bậc phổ thông để từ đó, các em sẽ dễ dàng lựa chọn những ngành nghề, mô hình đào tạo phù hợp; đào tạo các chương trình tuân thủ trong doanh nghiệp; đào tạo năng lực để trở thành người lãnh đạo cấp trung, thực hiện quản lý hiện trường sản xuất, chất lượng của doanh nghiệp theo phương pháp quản trị tinh gọn; đào tạo chuyên môn sâu theo lộ trình phát triển cho các vị trí việc làm cụ thể như sản xuất, chất lượng, bảo trì,…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Tân Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tường San).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Tân Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tường San).

Trong thời gian tới, một số mô hình mới sẽ được nhà trường triển khai gồm các mô hình liên quan đến STEAM, STEM – Maker Space cho các trường phổ thông trên địa bàn nhằm có những đóng góp tốt nhất cho ngành giáo dục cho thành phố Từ Sơn; mô hình công ty, môi trường làm việc giả lập để các giảng viên có thể hỗ trợ cho sinh viên tốt nhất có thể; trung tâm đào tạo – huấn luyện và giải pháp công nghiệp,...

Để thực hiện được mục tiêu này, trước mắt, nhà trường sẽ tập trung xây dựng tái cơ cấu lại cấu trúc để từng bước thực hiện kế hoạch trên.

Với những đổi mới trong giáo dục theo kế hoạch đã đề ra, thầy Đông kỳ vọng, những định hướng này sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, có thể bắt kịp với những yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tân Hiệu trưởng nhà trường cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các nhà giáo. Theo thầy Đông, dịp lễ này không chỉ còn để tôn vinh công lao của các thầy cô mà còn là cơ hội để nhìn nhận lại những thách thức mà các nhà giáo đang phải đối diện.

“Đứng trước sự phát triển của khoa học công nghệ, các thầy, cô giáo đang phải làm quen, sử dụng công nghệ một cách thông thạo để có thể tối ưu hóa quá trình dạy và học cũng thích ứng nhanh chóng với sự phát triển không ngừng của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy, …, để từ đó giúp học sinh, sinh viên phát triển kỹ năng, tư duy, điều chỉnh phương pháp dạy và học một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, giáo viên vẫn là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tư duy và nhân cách của người học. Chính những tình cảm, sự tận tâm, khả năng tương tác của giáo viên và người học vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình giáo dục. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận những thay đổi này như cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục và định hình tương lai tích cực. Hãy cùng tôn vinh người hùng trong ngành giáo dục, và cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra được một tương lai phát triển”, thầy Đông nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông là người đã có gần 20 năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học với nhiều phát minh sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học, bài báo nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Thầy còn là một chuyên gia về đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Trước khi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, ông từng giữ vị trí Phó Viện trưởng Viện cơ khí của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc Trung tâm đào tạo VinFast.

Cũng trong buổi lễ, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã gửi lời chúc mừng sâu sắc đến tân Hiệu trưởng và nhà trường.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tường San).

Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Tường San).

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng cũng bày tỏ gửi lời tri ân trân trọng tới các thầy, cô giáo và cả sự đóng góp của những kỹ sư, người dạy nghề tại doanh nghiệp đang đồng hành cùng các nhà trường tham gia vào giảng dạy đã có vai trò rất to lớn đã định hướng cho các em, tạo được cơ hội việc làm bền vững cho các em học sinh, sinh viên.

Theo ông Bình, mục tiêu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là làm sao truyền đạt được kiến thức, kỹ năng, năng lực nghề nghiệp cho các em học sinh, sinh viên để sau khi ra trường, các em được làm được đúng nghề, yêu nghề mà các em được đào tạo, nhận được sự tôn trọng của xã hội và có khả năng học trình độ cao hơn nữa mà các em mong muốn.

“Chúng ta thường nói “lấy học sinh làm trung tâm” nhưng theo tôi, chính các thầy cô giáo là động lực, là người truyền đạt, tạo cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên”, ông Bình bày tỏ.

Hơn nữa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho hay, đòi hỏi của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là rất cao, ngoài kiến thức, kỹ năng, phương pháp còn đòi hỏi về chuyên môn nghề nghiệp, sự yêu ngành, yêu nghề để giáo dục cho người học, trước kia đã khó, nay còn khó hơn.

Khánh An