Nội dung SGK Lịch sử và Địa lí theo chương trình mới sinh động và dễ tiếp thu

07/11/2024 06:45
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sách giáo khoa Lịch sử - Địa lý mới tích hợp liên môn, hỗ trợ giáo viên sáng tạo trong việc giảng dạy, giúp học sinh dễ hiểu, dễ ứng dụng.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Lịch sử - Địa lí là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 4, lớp 5 bậc tiểu học và từ lớp 6 đến lớp 9 bậc trung học cơ sở.

Sách giáo khoa Lịch sử - Địa lí bộ Kết nối tri thức với nhiều cải tiến mang tính đột phá, đã thúc đẩy học sinh phát triển tư duy phản biện, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018

Screenshot 2024-11-06 133615.png
Bìa sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 7, bộ Kết nối tri thức và Cuộc sống.

Đổi mới nội dung phân môn Lịch sử giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Côi - chủ biên phân môn Lịch sử, sách giáo khoa Lịch sử - Địa lí lớp 7, bộ Kết nối tri thức và Cuộc sống cho biết: Kiến thức Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều cải tiến đáng kể.

Ở cấp trung học cơ sở, chương trình được cấu trúc theo hướng "thông sử", nghĩa là học sinh sẽ được tìm hiểu những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Sự xuyên suốt kiến thức từ lịch sử thế giới, khu vực đến lịch sử Việt Nam giúp học sinh có cái nhìn bao quát về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, đồng thời tăng cường kiến thức về lịch sử dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương.

Đặc biệt, chương trình đã giảm tải các chi tiết phức tạp, chỉ tập trung vào các kiến thức cốt lõi, điều này giúp học sinh dễ học, dễ hiểu và tiếp thu nhanh hơn.

Thêm vào đó, tính liên môn cũng là một điểm sáng nổi bật trong chương trình mới. Cụ thể, lịch sử luôn đi đôi với địa lí, vì bất cứ sự kiện lịch sử nào gắn với không gian địa lí cũng đều mang lại giá trị học tập sâu sắc. Chẳng hạn, để tìm hiểu về các trận chiến trên sông Bạch Đằng, học sinh cần hiểu rõ vị trí địa lí của dòng sông, vai trò chiến lược của địa điểm này.

Bên cạnh đó, văn học và lịch sử cũng được kết hợp khéo léo, thông qua những đoạn thơ, câu ca dao hay các trích đoạn văn học xuất hiện trong phần tư liệu, gợi lên cảm xúc và làm sống động bối cảnh lịch sử và những thành tựu về văn hóa tinh thần của thế giới và dân tộc.

Không chỉ văn học, mà các lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, mĩ thuật cũng được lồng ghép vào nội dung bài học, tái hiện các giai đoạn lịch sử một cách hấp dẫn, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh. Nhờ những sự kết nối đó, Lịch sử đã trở nên hấp dẫn hơn, không còn là môn học thuộc lòng mà học sinh sẽ thực sự được “sống” trong các câu chuyện lịch sử qua những lăng kính đa chiều.

Screenshot 2024-11-06 133128.png
Screenshot 2024-11-06 133218.png
Kiến thức văn học và mĩ thuật được lồng ghép trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí.

Kiến thức Địa lí kết nối thực tiễn, phát triển tư duy phân tích

Bàn về kiến thức Địa lí theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng - chủ biên phân môn Địa lí, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí, bộ Kết nối tri thức và Cuộc sống cho biết: Chương trình Địa lí mới vẫn giữ nhiều nội dung cốt lõi về địa lí tự nhiên, bao gồm địa lí khí hậu, địa hình, đất đai, sông ngòi, cũng như địa lí kinh tế - xã hội liên quan đến dân số, nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ. Hệ thống kiến thức được sắp xếp từ vĩ mô đến vi mô, từ thế giới đến Việt Nam và đến các vùng địa lí, từ kiến thức cơ bản ở cấp tiểu học, nâng cao hơn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Cũng tương tự như phân môn Lịch sử, chương trình mới khuyến khích sự kết nối kiến thức liên môn trong phần Địa lí. Khi biên soạn sách, nhóm tác giả đã chú trọng việc tích hợp kiến thức giữa Địa lí và Lịch sử để giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về mối liên hệ giữa tự nhiên và xã hội.

Các nội dung về đặc điểm địa lí tự nhiên của một vùng lãnh thổ thường được liên kết với các sự kiện lịch sử xảy ra tại đó, từ đó giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn về những tác động của địa lí đối với sự phát triển của các nền văn minh.

Sự kết nối giữa phân môn Địa lí và phân môn Lịch sử trong sách giáo khoa mới được thể hiện một cách sâu sắc và rõ nét. Ví dụ, ở lớp 4, học sinh sẽ tìm hiểu về sông Hồng và nền văn minh sông Hồng, còn ở các lớp 8 và 9, các em sẽ khám phá nền văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long trong các bài học chung. Kiến thức về điều kiện tự nhiên từ môn Địa lí khi kết hợp với những nỗ lực và sáng tạo của người dân trong môn Lịch sử đã tạo nên những nền văn minh phát triển rực rỡ tại hai khu vực châu thổ này. Thầy Hùng cũng nhấn mạnh vai trò của văn học dân gian qua các câu ca dao, tục ngữ phản ánh kinh nghiệm khai thác và gìn giữ tài nguyên tự nhiên của người dân Việt Nam.

Screenshot 2024-11-06 134708.png
Kiến thức lịch sử và địa lí luôn song hành với nhau.

Cấu trúc bài học khoa học và rõ ràng, hỗ trợ giáo viên sáng tạo trong giảng dạy

Một điểm nổi bật của sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí bộ Kết nối tri thức là việc tích hợp yếu tố thực hành vào nội dung học tập, giúp học sinh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn áp dụng kiến thức vào thực tế. Trong cả hai phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi bài học đều có các bài tập thực hành ở phần “Luyện tập - Vận dụng” để học sinh suy nghĩ và áp dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể. Các bài tập này khuyến khích học sinh ghi nhớ, phân tích và phản biện, giúp các em phát triển tư duy độc lập và khả năng xử lý vấn đề từ nhiều khía cạnh.

Không những là tài liệu học tập cơ bản cho học sinh, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí còn là tài liệu đáng tin cậy cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Côi, cấu trúc bài học trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí được tổ chức chặt chẽ, giúp giáo viên dễ dàng định hướng nội dung giảng dạy và tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Mỗi bài học bắt đầu với phần "Yêu cầu cần đạt", sau đó là phần "Mở đầu" giúp học sinh nhập cuộc một cách tự nhiên. Các phần như "Hình thành kiến thức mới" với tuyến chính và tuyến phụ, cùng phần “Luyện tập - Vận dụng” đều được tổ chức hợp lý. Phần “Luyện tập - Vận dụng” cũng là cơ hội để giáo viên khuyến khích học sinh suy nghĩ, trao đổi, và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày.

Screenshot 2024-11-06 134813.png
Screenshot 2024-11-06 134831.png
Cấu trúc mỗi bài học trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí đều đồng bộ, dễ dạy, dễ hiểu.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Côi cũng nhấn mạnh, phân môn Lịch sử trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí thể hiện rõ tính “mở” qua nội dung gắn kết với giáo dục địa phương. Khi dạy các bài học, giáo viên có thể linh hoạt kết nối kiến thức trong sách với lịch sử và văn hóa địa phương để giúp học sinh hiểu sâu sắc về những đóng góp của cộng đồng quê hương mình vào lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng cho rằng với cấu trúc bài học khoa học, giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới, như dạy học dự án, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, và sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Nội dung "Hình thành kiến thức mới" trong sách giáo khoa được biên soạn với sự tinh giản hợp lý, phổ thông hóa các kiến thức để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học và chuẩn xác. Sách sử dụng nhiều nội dung trực quan như bản đồ, biểu đồ, hình ảnh thực tế, khiến bài học trở nên hấp dẫn hơn. Để xây dựng kiến thức vững chắc, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh kết hợp cả kênh chữ và kênh hình, phương pháp này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ bài học mà còn phát triển khả năng tìm hiểu và nhận thức khoa học về lịch sử và địa lí.

Screenshot 2024-11-06 133431.png
Hình ảnh trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí sinh động, trực quan, mang lại hứng thú cho học sinh.
Châu Anh