Phó Viện trưởng một viện của ĐH Bách khoa Hà Nội đạt chuẩn PGS năm 2024

07/11/2024 06:38
Diệp Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng là ứng viên PGS ngành Cơ khí đã vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Năm 2024, liên ngành Cơ khí – Động lực có 6 ứng viên xét công nhận chức danh phó giáo sư đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Trong đó, Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp, sinh ngày 20/03/1985 là ứng viên phó giáo sư duy nhất của Viện Công nghệ Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy Hiệp quê ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, thầy Lê Kiều Hiệp tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ Nhiệt - Lạnh, chuyên ngành Máy và Thiết bị Nhiệt - Lạnh tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) năm 2008.

Năm 2011, thầy nhận bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật Nhiệt tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2018, thầy nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật Quá trình và Hệ thống tại Đại học Tổng hợp Otto von Guericke, Cộng hòa Liên bang Đức.

ec1bd98e-cf26-48e5-959d-f56bcf8388c2.jpg
Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Quá trình công tác của ứng viên phó giáo sư ngành Cơ khí như sau:

Từ tháng 9/2008 đến tháng 9/2009, thầy Lê Kiều Hiệp là giảng viên tập sự bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ tháng 9/2009 đến tháng 1/2014, thầy là giảng viên bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ tháng 2/2014 đến tháng 4/2018, thầy là nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Otto von Guericke, Cộng hòa Liên bang Đức.

Từ tháng 5/2018 đến nay, thầy là giảng viên tại Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hiện nay, thầy Lê Kiều Hiệp giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong quá trình nghiên cứu, thầy Lê Kiều Hiệp đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp Bộ. Đồng thời thầy tham gia với vai trò thành viên trong 1 đề tài nghiên cứu khoa học của quỹ NAFOSTED và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đã nghiệm thu.

Trong quá trình đào tạo, Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp đã hướng dẫn 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Ngoài ra, thầy đã công bố 36 bài báo khoa học, trong đó có 16 bài báo khoa học thầy là tác giả chính đăng trên tạp chí quốc tế. Trong số 16 bài báo này có 07 bài báo thuộc danh mục SCI-Q1.

bai-bao-1.png
Một số bài báo khoa học của Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp đã công bố sau khi được công nhận tiến sĩ. (Ảnh chụp màn hình)

Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng cũng đã xuất bản 2 quyển sách và 1 chương sách. Cụ thể, thầy là tác giả của sách "Phương pháp số giải bài toán Truyền nhiệt, Truyền chất trong ngành Nhiệt - Lạnh" được xuất bản bởi Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội vào năm 2023 và chương sách “Multiscale Modeling of Non-Isothermal Fluid Transport Involved in Drying Process of Porous Media” thuộc quyển sách Porous Fluids - Advances in Fluid Flow and Transport Phenomena in Porous Media, xuất bản bởi Nhà xuất bản IntechOpen năm 2021.

Trong nghiên cứu khoa học, thầy Lê Kiều Hiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cơ học nhiệt và truyền nhiệt, với ứng dụng trong công nghệ sấy và bảo quản thực phẩm. Các nghiên cứu của thầy nhằm tối ưu hóa các quá trình trao đổi nhiệt, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và cải thiện chất lượng sản phẩm trong các quy trình công nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng cũng nghiên cứu phát triển các mô hình toán học và công cụ mô phỏng cho các quá trình dẫn nhiệt trong các hệ thống phức tạp, bao gồm công nghệ sấy siêu âm và sấy siêu nhiệt, từ đó góp phần thúc đẩy ứng dụng trong ngành chế biến thực phẩm và năng lượng.

Thầy đã tạo dựng được mạng lưới hợp tác với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, bao gồm các đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức và Hàn Quốc. Lãnh đạo Viện Công nghệ Năng lượng còn tích cực tham gia công tác tổ chức hội nghị khoa học, phản biện cho các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI, Scopus và các tạp chí trong nước, đồng thời tham gia vào hội đồng xét duyệt đề tài cấp cơ sở và cấp Bộ.

Ngoài ra, thầy Lê Kiều Hiệp đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác như: danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong các năm học 2018-2019, 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 4495/QĐ-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm 2019; giấy khen của Đảng bộ Đại học Bách khoa Hà Nội cho đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023; giấy khen của Đảng uỷ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

unnamed (42).png
Nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học được Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp hướng dẫn. (Ảnh: website Đại học Bách khoa Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp đã có hơn 11 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Trong bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp cho biết: “Trong suốt quá trình công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi luôn chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương của cơ quan, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và đam mê nghiên cứu khoa học.

Với vai trò giảng viên, tôi luôn tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, và nội dung giảng dạy. Công tác giảng dạy luôn được tôi thực hiện với chất lượng cao và luôn nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên.

Về nghiên cứu khoa học, tôi chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở và cấp tỉnh, bao gồm các đề tài ứng dụng và lý thuyết trong lĩnh vực cơ học, truyền nhiệt, và công nghệ sấy.

Đồng thời, tôi cũng đã có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế cũng như tham gia phản biện cho các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tôi còn tham gia vào công tác tư vấn và xét duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, góp phần vào sự phát triển của ngành và cơ sở đào tạo”.

3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã nghiệm thu của Tiến sĩ Lê Kiều Hiệp bao gồm:

1, Đề tài: Nghiên cứu xây dựng phần cứng và phần mềm thiết bị đo hệ số dẫn nhiệt (mã số T2011-76), cấp cơ sở, thực hiện từ 08/04/2011 đến 15/12/2011, nghiệm thu cấp cơ sở vào 26/12/2011, xếp loại "Tốt".

2, Đề tài: Mô phỏng quá trình sấy có xét đến sự co ngót của vật liệu (mã số T2018-TT-004), cấp cơ sở, thực hiện từ 01/04/2019 đến 31/03/2020, nghiệm thu cấp cơ sở vào 16/03/2020, xếp loại "Đạt".

3, Đề tài: Ứng dụng công nghệ sấy siêu âm trong bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp (mã số B2021-BKA-012), cấp Bộ, thực hiện từ 01/2021 đến 06/2023, nghiệm thu cấp Bộ vào 07/02/2024 và cấp cơ sở vào 22/12/2023, xếp loại "Đạt".

Xem chi tiết hồ sơ ứng viên tại đây

Diệp Anh