Bổ sung quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên TTGDTX : "Người trong cuộc" phấn khởi

07/11/2024 06:32
Diệu Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2020/NĐ-CP bổ sung quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên TTGDTX thu hút nhiều sự quan tâm của thầy cô.

Ngày 11/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, có quy định mới về việc giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân có thời gian nghỉ hè hằng năm tương tự như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Điểm này được bổ sung do các chính sách đối với giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện tương tự như giáo viên phổ thông, tuy nhiên Nghị định 84/2020/NĐ-CP hiện hành lại chưa quy định việc nghỉ hè đối với đối tượng này.

Các em học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Ảnh: M.Q.
Các em học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Ảnh: M.Q.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trương Minh Vũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, việc bổ sung đối tượng giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân có thời gian nghỉ hè hằng năm tương tự như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông là phù hợp và đảm bảo công bằng với hệ thống giáo dục.

Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Hà, hiện tại, chế độ nghỉ hè của giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên lâu nay vẫn giống với đối tượng giáo viên ở cơ sở giáo dục phổ thông, cụ thể là có khoảng 2-3 tháng nghỉ hè, kéo dài từ tầm tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Vì vậy, theo thầy Trương Minh Vũ, điểm mới này trong dự thảo nếu được thông qua sẽ là một yếu tố thiết thực giúp khẳng định rõ ràng hơn về quyền lợi của đội ngũ giáo viên dạy cơ sở giáo dục thường xuyên.

Mặt khác, khi một số trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện thêm nhiệm vụ liên kết để đào tạo nghề cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu vừa học cả văn hóa, vừa học cả trung cấp nghề; thì thông thường, vào thời điểm hè, nhà trường sẽ phải bố trí cho các em đi thực hành như làm việc tại các xưởng, công ty, doanh nghiệp,... Vì vậy, trong bối cảnh các trung tâm chưa đủ giáo viên chuyên dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên đó phải cử thêm giáo viên đi quản lý và tham gia các lớp dạy nghề đó. Điều này có thể tạo ra một số trở ngại cho việc nghỉ hè vào thời gian đó của giáo viên.

Tuy nhiên, thầy Trương Minh Vũ cho hay: "Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Hà, thông thường, đơn vị sẽ trao đổi trực tiếp với những giáo viên được cử phụ trách đi quản lý các lớp dạy nghề. Nếu họ vui vẻ đồng ý tự nguyện thì cơ sở cũng sẽ có thêm chế độ đãi ngộ cho đội ngũ đó.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng, việc tham gia thực hiện lớp dạy nghề thực chất không phải là nhiệm vụ chính của các thầy cô giáo viên, mà ở các đơn vị liên kết nghiên cứu, đào tạo chương trình dạy nghề đó".

Ảnh minh họa: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Ảnh minh họa: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Cũng ghi nhận về vấn đề này tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), thầy Võ Thành Công - Giám đốc Trung tâm chia sẻ, do đặc thù của chương trình học văn hóa và học kỹ năng nghề nên đơn vị tổ chức, bố trí các lớp thực tập nghề cho người học tại các công ty, doanh nghiệp, xưởng,... vào thời gian hè.

Bởi lẽ, cơ sở đào tạo cần tăng cường giảng dạy chương trình học trung cấp nghề vào năm lớp 10, 11 và cùng lắm kéo dài đến hết học kỳ I của lớp 12. Sau đó, các em học sinh cần phải dành thời gian của học kỳ II lớp 12 cho việc ôn luyện thi tốt nghiệp. Do vậy, thời gian nghỉ hè trọn vẹn đủ 2 tháng thường khó thực hiện vì thầy cô cần quản lý, tổ chức lớp dạy nghề để nâng cao kỹ năng thực chiến cho người học.

Cùng bàn về điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 84/2020/NĐ-CP, lãnh đạo của một Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở tỉnh Nghệ An nêu quan điểm đồng tình với việc bổ sung thêm quy định nghỉ hè cho đối tượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên tương đương với giáo viên phổ thông. Bởi việc thực hiện quyền lợi công bằng này giúp giáo viên cảm thấy được quan tâm, yên tâm công tác, và từ đó tích cực nghiên cứu, phát triển kiến thức chuyên môn để đóng góp nhiều hơn cho nền giáo dục.

Mặc dù chương trình học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tương đối linh hoạt hơn so với các trường giáo dục phổ thông, nhưng đội ngũ giáo viên cũng phải làm việc không kém phần vất vả với các nhiệm vụ như chuẩn bị bài giảng, kiểm tra, đánh giá, tổ chức hoạt động học tập và hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình học. Thậm chí, thầy cô dạy cơ sở giáo dục thường xuyên đôi khi còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: học viên đa dạng độ tuổi, hoàn cảnh sống khác nhau, chương trình học yêu cầu phải điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của người học,...

Bởi lẽ, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có vai trò trong việc giúp học sinh, sinh viên và người lao động có cơ hội học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới nhằm nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp qua các khóa học được tổ chức để bổ túc văn hóa, lớp học nghề, chương trình đào tạo kỹ năng sống, ngoại ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao năng lực của người học ở nhiều độ tuổi khác nhau.

2021_05_31_10_41_247.jpg
Ảnh minh họa: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).

Việc giáo viên của trung tâm giáo dục thường xuyên được hưởng chế độ nghỉ hè như thầy cô dạy cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông dựa trên quy định trong các văn bản pháp luật sẽ có thể đảm bảo quyền lợi cũng như phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy cho đội ngũ người dạy. Đây là thời gian quan trọng để thầy cô có thể nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn, hay tái tạo năng lượng thể chất và tinh thần để chuẩn bị cho năm học tiếp theo có năng suất lao động hiệu quả và chất lượng nhất.

Ngoài ra, để trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phát triển thuận lợi, thầy Trương Minh Vũ nhận định, hiện nay các cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đúng đắn những chủ trương của Trung ương Đảng về các địa phương, các tỉnh, huyện thì sẽ triển khai được tốt nhiệm vụ của mình và gỡ được nhiều vướng mắc còn tồn tại. Tuy nhiên, đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng hiệu quả, thì cần phải có đủ số lượng chỉ tiêu học viên.

Song, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang phải đối mặt với một khó khăn là chỉ tuyển sinh được số lượng ít hoặc thậm chí không tìm được học viên. Theo thầy Vũ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do vấn đề dân số phân bổ không đồng đều ở nước ta. Nguyên nhân thứ hai là do cơ cấu mạng lưới trường, lớp chưa phù hợp, dẫn đến việc không nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tiếp tục lựa chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp để phục vụ nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh giáo dục đang ngày càng phát triển và hội nhập, các chế độ đãi ngộ, chính sách quyền lợi cho giáo viên cần phải được xem xét, cập nhật, bổ sung nếu cần thiết, để tạo ra một môi trường làm việc công bằng, quá trình công tác của thầy cô được động viên, khuyến khích và cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người".

Diệu Dương