Nở rộ kỳ thi riêng khiến thí sinh vừa áp lực ôn tập vừa phát sinh nhiều chi phí

13/03/2024 07:28
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Muốn tham dự kỳ thi riêng để tăng cơ hội xét tuyển, nhưng có thí sinh mua khóa học ôn luyện xong, lại không đăng ký được suất thi ở địa phương mình.

Thí sinh ôn tập cho 2-3 kỳ thi cùng lúc

Để “chắc suất” vào trường mà mình đặt nguyện vọng, nhiều thí sinh lựa chọn thêm các kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học.

Năm 2024, tiếp tục có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố phương thức tuyển sinh mới - tổ chức kỳ thi riêng. Hiện nay, ngoài hai kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; còn có những kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh...

Chính vì vậy, cũng có những thí sinh lựa chọn 2-3 kỳ thi cùng lúc, và đăng ký tham gia các khóa tổng ôn, luyện đề để tăng cơ hội đỗ.

GDVN_hs (2).JPG
Những năm qua, nhiều thí sinh lựa chọn kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học để tăng cơ hội trúng tuyển. Ảnh minh họa: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên, học sinh Vũ Ngọc Mai (lớp 12A8, Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Năm nay, em dự kiến sẽ sử dụng 2 phương thức xét tuyển là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm thi đánh giá tư duy (TSA) để xét tuyển vào nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong quá trình học tập ở lớp 11, em đã được nghe đến các kỳ thi riêng như đánh giá tư duy và đánh giá năng lực. Vì khóa năm nay là năm cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2006, nên em muốn có thêm các cơ hội xét tuyển vào các ngành, trường tốt”.

“Vì hiện tại vẫn chưa học xong chương trình, nên em vừa học các video lý thuyết trên mạng, đồng thời tự tìm tòi và “cày” đề vào những khoảng thời gian rảnh. So với các bạn chỉ ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em phải học và ôn song song ở hai kỳ thi. Tức là, em vừa phải học các môn trên lớp để thi giữa kỳ, cuối kỳ, vừa ôn sâu vào các môn ôn thi tốt nghiệp, vừa phải tự học và “cày” đề thi TSA”.

Chia sẻ về kỳ tuyển sinh năm nay, học sinh Ngô Văn Quốc Trung (lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 1, Bắc Giang) cho biết: “Năm nay, em sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Bách khoa Hà Nội (ngành Cơ điện tử và Kỹ thuật ô tô).

Bên cạnh phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em cũng dự kiến sử dụng các phương thức xét tuyển bằng kỳ thi riêng: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Lý do em lựa chọn đăng ký các kỳ thi riêng vì muốn tăng cơ hội trúng tuyển".

Trong quá trình đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, nam sinh này cũng gặp một vài khó khăn: “Chúng em phải dùng máy tính để bàn và mạng phải đủ mạnh, nếu đăng ký bằng điện thoại dùng 4G thì sẽ rất khó vào để tranh suất. Lớp em có 9 người cùng đăng ký mà cuối cùng chỉ có 2 người tranh được suất, còn lại phải chờ những suất không thanh toán để bù vào.

Lệ phí cho kỳ thi đánh giá tư duy là 450.000 đồng/người, còn kỳ thi đánh giá năng lực là 500.000 đồng/người”.

anh.jpg
Rất nhiều hội nhóm về các kỳ thi riêng với hàng chục nghìn thành viên. Ảnh chụp màn hình.

Quốc Trung chia sẻ: “Mặc dù không có kế hoạch ôn tập gì đặc biệt, chủ yếu tự ôn ở nhà, song, cũng có đăng ký một khoá học luyện đề. Khóa học này có giá 700.000 đồng, diễn ra trong khoảng 3 tháng.

Theo kế hoạch ôn thi, em tăng cường nhiều thời gian học môn Toán vì kỳ thi nào cũng cần Toán. Các môn không phải thế mạnh như Sử, Địa, em chỉ học các câu từ 6-7 điểm, bởi nếu học lên đến các câu 8-9 điểm thì sẽ tốn quá nhiều thời gian”.

Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, nam sinh Sầm Phúc Đạt (học sinh lớp 12 tại tỉnh Nghệ An) dự kiến tham dự thêm 2 kỳ thi riêng trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nam sinh cho biết: “Để chuẩn bị cho các kỳ thi, em phải phân bổ thời gian ôn tập một cách khoa học, bởi thi nhiều thì sẽ càng vất vả hơn so với các bạn khác chỉ tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Vì là trường nội trú nên có quy định 23 giờ đêm phải đi ngủ, song, em cố gắng thức dậy từ khoảng 4 giờ 30 sáng để ôn thi hiệu quả hơn.

Ngoài việc tự tìm hiểu, cập nhật kiến thức, em cũng đăng ký thêm một khóa học từ khoảng tháng 10/2023. Đợt đó, có tư vấn viên về trường giới thiệu nên em đã đăng ký khóa 3,2 triệu đồng. Hằng ngày, em có thể vào hệ thống để làm bài test và có thời gian thi thử vào mỗi tháng một lần.

Tuy nhiên, theo em thấy, nội dung của khóa học trên hệ thống này của yếu mang tính định hướng, vạch ra lộ trình ôn tập cho thí sinh, còn lại, em vẫn phải tự tìm hiểu và cập nhật thêm. Nhiều câu hỏi ngoài sách giáo khoa, liên quan đến năng lực của mỗi thí sinh”.

Phúc Đạt cũng chia sẻ thêm: “Em đăng ký dự thi đợt 3 (vào tháng 4/2024). Lệ phí cả kỳ thi này là 500.000 đồng. Ban đầu, em cứ vào trang website lại bị đẩy ra, nên đã phải dành cả ngày để đăng ký dự thi. Kết quả, mặc dù mở cổng đăng ký từ 9 giờ sáng nhưng phải túc trực bên máy tính đến 6 giờ chiều, em mới thành công. Ít ra em còn may mắn, vì có những bạn đã đóng tiền khóa học 3,2 triệu đồng mà còn không đăng ký thi được ở Nghệ An, muốn thi phải sang tỉnh khác”.

Học sinh Vi Thị Mỹ Hạnh (một nữ sinh lớp 12 tại Nghệ An) cũng cho biết, đăng ký xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực của một cơ sở giáo dục đại học để tăng cơ hội trúng tuyển.

“Việc ôn thi cho kỳ thi riêng sẽ có sự khác biệt so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Qua tìm hiểu đề thi các năm trước, em thấy đề thi tốt nghiệp sẽ phần nhiều nằm trong sách vở, còn đề thi của kỳ thi riêng không chỉ như vậy, còn có những nội dung thể hiện kiến thức xã hội, năng lực tư duy trong thực tiễn. Vì thế, em phải đọc nhiều sách hơn, tự tìm hiểu thêm qua các trang thông tin. Vì đăng ký thêm kỳ thi riêng, nên em tự học là chủ yếu, bởi các thầy cô chủ yếu dành thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ, chỉ hỗ trợ chúng em về thiết bị và in bộ đề cho chúng em làm quen thêm.

Giai đoạn này vẫn chưa phải giai đoạn ôn “nước rút”, nên em thường thức dậy vào 3 giờ 30 phút hoặc 4 giờ sáng để học bài” - nữ sinh cho biết thêm.

Thầy cô chủ động cập nhật để ôn thêm các kỳ thi cho học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) thông tin: “Ngoài kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều học sinh lựa chọn thêm các kỳ thi riêng của các trường đại học tổ chức, có em đăng ký 2-3 kỳ thi.

Chúng tôi vẫn tuân thủ quy chế, quy định chuyên môn, dạy đầy đủ chương trình năm học và kết hợp ôn thi cho học sinh. Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các thầy cô giáo cũng chủ động hướng dẫn các em những phương pháp học, phương pháp ôn luyện và làm các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, để các em có thể tham gia được các kỳ thi khác nhau. Như vậy, bản thân mỗi giáo viên cũng phải tự cập nhật, đổi mới để hướng dẫn học sinh, vì kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy đều có những điểm khác biệt và đòi hỏi cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp. Nếu học sinh không được tiếp cận với phương pháp làm bài, phương pháp giải các dạng bài như vậy, sẽ rất khó đạt điểm trúng tuyển”.

z5238854579378_446772d1ad7a45931b92e96264fa5bd0.jpg
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Đ.T.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, năm 2024, ngày càng xuất hiện nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Chính vì vậy, các thầy cô cũng phải cập nhật thường xuyên những kiến thức mới nhất, yêu cầu mới nhất của các kỳ thi, để tự nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của các thầy cô.

Theo một thầy giáo bậc trung học phổ thông ở Tuyên Quang, việc thí sinh đăng ký nhiều kỳ thi riêng nhằm mục đích tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mình đặt nguyện vọng. “Tuy nhiên, việc này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Thí sinh cần cân đối giữa khả năng tài chính và năng lực thi cử của mình, có sự lựa chọn phù hợp, không nên cùng lúc lựa chọn quá nhiều kỳ thi. Bởi, nếu phải dành quá nhiều thời gian để ôn luyện cho nhiều kỳ thi khác nhau, có thể sẽ khó tập trung vào một kỳ thi để làm tốt nhất. Chưa kể, hiện tại, các em vẫn phải di chuyển xuống Hà Nội để tham gia các kỳ thi riêng này, nếu đi lại nhiều cũng gây thêm tốn kém, tạo thêm áp lực chi phí cho gia đình” - thầy giáo này phân tích.

Thí sinh phải di chuyển đi thi, phát sinh chi phí sinh hoạt

Tham gia các kỳ thi tuyển sinh riêng, nhiều thí sinh quay trở lại tình trạng “khăn gói quả mướp” như các kỳ thi đại học của thập kỷ trước.

Có nhiều thí sinh lo lắng khi đăng ký dự thi ở tỉnh thành của mình không được, nên đành đăng ký ở điểm thi xa hơn.

Một nam sinh ở Nghệ An chia sẻ: “Bạn cùng lớp của em cũng muốn đăng ký thi ở Nghệ An nhưng không kịp, đành phải chuyển sang đăng ký ở hội đồng thi bên tỉnh Hà Tĩnh”.

Một kỷ niệm khác được nam sinh Quốc Khánh (quê Bạc Liêu) chia sẻ: “Năm trước, em tham gia thi kỳ đánh giá năng lực (đợt 2) của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đúng dịp lễ nên khách du lịch đến đây đông, vì không đặt phòng trước, nên khi lên đến nơi thì gặp ngay cảnh hết phòng. Lần đó, em đã bị “ép giá” đến 500.000 đồng/đêm ở nhà nghỉ bình dân”.

Có quá nhiều kỳ thi riêng, thí sinh lại trở nên bối rối, áp lực khi đăng ký nhiều kỳ thi

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng) nhìn nhận: “Mặc dù không thể phủ nhận một số tác động tích cực của kỳ thi riêng ở một số cơ sở giáo dục đại học, song, việc có quá nhiều kỳ thi riêng được tổ chức, theo xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều kỳ thi, thì lại có tác động tiêu cực.

Đầu tiên, vì việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các trường phổ thông hiện nay và cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều có nội dung, cấu trúc đề thi theo hướng khá quen thuộc với học sinh. Còn đề thi tại các kỳ thi riêng lại mỗi trường một vẻ. Như vậy, khi quá nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, khiến các thí sinh vừa phải hoàn thành chương trình học trên lớp, vừa ôn tập tốt nghiệp, lại vừa phải ôn thêm 2-3 kỳ thi khác, dẫn đến có nhiều áp lực.

Chưa hết, có một mặt trái khiến tôi lo lắng nhất, đó là khi có quá nhiều kỳ thi riêng như vậy, việc xây dựng đề thi như thế nào để đảm bảo chất lượng và công bằng cho thí sinh? Đó là chuyện không đơn giản, bởi không phải trường đại học nào cũng có thể làm tốt công tác ra đề. Ở đây, tôi không đánh giá về trình độ, nhưng để nắm bắt chương trình giáo dục phổ thông, những yêu cầu đổi mới đồng thời chọn lựa được thí sinh phù hợp với yêu cầu riêng của trường đại học... để xây dựng đề thi đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức một kỳ thi không phải đơn giản. Chỉ ví dụ một kỳ thi học kỳ đã quá quen thuộc với các nhà trường mà còn có vấn đề ở chỗ này, chỗ khác. Vậy tổ chức một kỳ thi riêng của một cái trường đại học cũng cần huy động nhiều bộ phận phối hợp, liệu các trường có thực sự làm thật suôn sẻ hay không?”.

150833934-260092778906673-8789962175647578189-n-3888.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng).

Thầy Chương cũng chia sẻ: “Khi có quá nhiều kỳ thi riêng, thí sinh lại trở nên bối rối, không biết chọn kỳ thi nào. Có em muốn thử sức thậm chí còn đăng ký đến 3-4 kỳ thi riêng, để “chắc suất” đỗ vào trường yêu thích. Nhưng có nhiều em không đăng ký được kỳ thi ở địa phương mình, mà phải di chuyển sang các tỉnh thành khác để thi, vô hình trung lại trở về giống các kỳ thi đại học trước đây. Thế khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, chúng ta nêu cao tinh thần giảm áp lực cho thí sinh bằng cách nếu trước đây có hai kỳ thi riêng biệt thì giờ đây chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp và để các trường tự chủ phương thức tuyển sinh. Thế nhưng lại sinh ra quá nhiều kỳ thi khác nhau. Không chỉ áp lực về mặt ôn tập cho thí sinh, mà còn cả về mặt tài chính cho phụ huynh, khi vừa phải đóng lệ phí thi, vừa phải di chuyển đến các tỉnh thành khác để thi. Chính điều này gây ra lãng phí của nguồn lực xã hội.

Trong khi đó, nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sau những lần thăng trầm, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo với kinh nghiệm và quyết tâm đã và đang có những kỳ thi công bằng, khách quan, chính xác, và ngày càng chất lượng hơn.

Nếu tăng thêm các kỳ thi riêng, nhiều thí sinh đăng ký phương thức xét tuyển này, chỉ tiêu dành cho phương thức này cũng tăng lên, sẽ giảm bớt chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, như vậy, sẽ làm giảm cơ hội của những thí sinh không có cơ hội tham gia kỳ thi riêng”.

Vì những lý do trên, thầy Chương cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có định hướng để các trường thực sự cần thiết tổ chức kỳ thi riêng hãy tổ chức, đừng đi theo phong trào. Làm như vậy, vừa giảm áp lực cho thí sinh, đỡ tốn kém, vừa giảm áp lực cho xã hội. Khi đó, công tác tuyển sinh đại học mới thực sự khách quan, thực chất và hiệu quả.

Mộc Trà