Những người trực chiến xuyên đêm tại Đà Nẵng để "bắt chết" SARS-CoV-2

20/05/2021 12:00
Tấn Tài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xét nghiệm nhanh được đánh giá như một lưỡi gươm sắc mà Đà Nẵng đang sử dụng để phản công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên sử dụng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm để phát hiện SARS-CoV-2, nhằm tranh thủ từng giây, từng phút trong trận chiến với đại dịch.

Đổi lại những thành công bước đầu ấy là những giọt mồ hôi, nỗi lo lắng và sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ xét nghiệm CDC Đà Nẵng.

Sáng tạo trong xét nghiệm, truy vết virus

Phương án gộp mẫu xét nghiệm Covid-19 được nhắc đến trong nhiều ngày qua như một “cách đánh” sáng tạo của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch.

Nhưng ít ai biết rằng, cách đây gần đúng một năm, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên sử dụng cách đánh ấy trong cuộc đối đầu với SARS-CoV-2.

Vào lúc cao điểm, CDC Đà Nẵng đã xét nghiệm cho hơn 22.000 lượt người/ngày. Ảnh: AN

Vào lúc cao điểm, CDC Đà Nẵng đã xét nghiệm cho hơn 22.000 lượt người/ngày. Ảnh: AN

Tháng 7/2020, người dân và chính quyền Đà Nẵng bàng hoàng khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng. Bởi chỉ cách đó ít ngày, thành phố biển này còn mở cửa đón hơn 1 triệu lượt khách nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly… và quan trọng nhất là tăng cường xét nghiệm để truy lùng Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thành Chung – Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng nhớ lại: “Thời điểm đó, xuất phát từ thực tế thiếu thốn vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực… gây áp lực rất lớn cho việc xét nghiệm. Trong tình thế dịch bệnh diễn biến hết sức căng thẳng, nhiều ca lây nhiễm mới, lãnh đạo thành phố thời điểm đó đã yêu cầu CDC nghiên cứu phương án gộp mẫu để đẩy nhanh việc trả kết quả xét nghiệm và tiết kiệm được vật tư”.

Từ ý tưởng đó, ông Chung cùng đội ngũ CDC đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai thử nghiệm mẫu gộp 5 để đánh giá độ chính xác, an toàn của cách làm này.

Bởi khi ý tưởng này được đưa ra đã xuất hiện nhiều ý kiến, băn khoăn lo lắng rằng phương pháp gộp mẫu sẽ không cho kết quả chính xác, dễ làm dịch bệnh lan tràn.

“Nếu không làm thì không thể trả lời nhanh các kết quả xét nghiệm được. Lúc đó, việc chặn đầu dịch bệnh sẽ rất khó khăn”, ông Chung nói.

Những giọt mồ hôi, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ xét nghiệm đã được đền đáp khi phương pháp gộp mẫu 5 đã thành công ngoài mong đợi.

Bước vào cuộc chiến lần 3 với dịch bệnh những ngày qua, đội ngũ CDC Đà Nẵng đã có bước cải tiến mạnh mẽ hơn từ mẫu gộp 5 thành mẫu gộp 10. Bởi xét nghiệm vẫn được xem là “quả đấm thép” để chặn đà lây lan và kiểm soát dịch.

Phương pháp mẫu gộp 10 đã giúp tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm mẫu đơn và quan trọng là nhanh chóng xét nghiệm với số lượng lớn, kịp thời phát hiện ca bệnh trong cộng đồng.

“Khi quyết định đưa ra phương án gộp mẫu cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều nhau. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì tình hình dịch bệnh trước mắt rất căng thẳng, không thể chậm trễ hơn nữa.

Phương án này cũng đã được trình Bộ Y tế và được chấp nhận triển khai. Vào thời điểm đó, CDC Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện lấy mẫu gộp”, ông Chung chia sẻ thêm.

Trực chiến xuyên đêm

Trong khi những “thợ săn” Covid bên ngoài ngày đêm truy vết các F1, F1… liên quan thì trong phòng xét nghiệm, những nhân viên của CDC Đà Nẵng cũng trực chiến 24/24.

Số lượng mẫu xét nghiệm lấy về càng lớn thì công việc của những nhân viên trong phòng xét nghiệm của CDC Đà Nẵng càng phải hoạt động hết công suất. Ảnh: AN

Số lượng mẫu xét nghiệm lấy về càng lớn thì công việc của những nhân viên trong phòng xét nghiệm của CDC Đà Nẵng càng phải hoạt động hết công suất. Ảnh: AN

“Hiện CDC có 6 máy xét nghiệm Realtime PCR hoạt động hết công suất, trong đó có một số máy mượn từ các cơ quan, đơn vị khác. CDC đã lập kết hoạch để mua thêm một số hệ thống mới nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm trong cộng đồng và phục vụ đợt bầu cử tới”, ông Chung nói.

Ngoài những thiếu thốn về trang thiết bị thì đội ngũ nhân viên xét nghiệm của CDC cũng được huy động tối đa.

Những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngũ, những giọt mồ hôi thấm đẫm phía sau lớp khẩu trang dày và quần áo bảo hộ. Nhiều người trong số họ đã làm việc suốt nhiều ngày qua chưa được về nhà.

“Có những ngày căng thẳng, số lượng mẫu lấy về nhiều thì chúng tôi phải làm việc tới gần nửa đêm, có khi xuyên sáng để cho ra kết quả sớm. Anh em nào mệt thì ngả lưng tạm ở ghế, rồi tiếp tục vào làm việc.

Mọi người hầu như đều trực chiến liên tục 24/24, để có mẫu là làm ngay, không để tồn đọng”, một nhân viên xét nghiệm CDC chia sẻ.

Theo bác sĩ Lê Thành Chung, để chạy đua với "giặc" Covid-19, CDC Đà Nẵng đã tổ chức cho anh em ăn uống, nghỉ ngơi tại cơ quan. Nhiều người gắn bó với công việc hàng tháng trời không được về nhà, nhưng tất cả đều rất nỗ lực và hạnh phúc vì tình hình đang được kiểm soát rất tốt, không có ca bệnh mới ngoài cộng đồng.

Vợ chồng Giám đốc người Hà Nội không lây nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc CDC Đà Nẵng cho hay, đã gửi 11 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các ổ dịch trên địa bàn thành phố ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen.

Kết quả giải trình tự gen do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi CDC Đà Nẵng cho thấy, tất cả 11 mẫu bệnh phẩm này đều có nguồn gốc chủng virus Anh.

Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng lấy mẫu bệnh phẩm đối với vợ chồng du khách người Hà Nội (bệnh nhân số 3634 và 3633) để giải trình tự gen.

Theo đó, mẫu bệnh phẩm của người vợ không ra kết quả (do mẫu không đạt yêu cầu), còn của người chồng mang chủng virus Ấn Độ.

Trên cơ sở đó, có thể khẳng định vợ chồng du khách người Hà Nội không lây nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, kết quả giải trình tự gene nói trên đã giúp cởi bỏ những hoài nghi, trách nhiệm của Đà Nẵng liên quan đến 2 trường hợp bệnh nhân số 3633 và 3634.

Quan trọng hơn là các đơn vị, địa phương trong cả nước liên quan đến 2 ca bệnh này có cái nhìn chính xác hơn về bản chất, nguyên nhân của dịch bệnh, từ đó có những quyết định đúng đắn hơn để kiểm soát, phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Tấn Tài