Chiều ngày 19/4, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Trần Duy Phương – Trưởng Ban Tuyên giáo; ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến làm việc tại trụ sở Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về hai bài báo “Cán bộ công đoàn còn mải lo cho mình, sợ mang vạ, làm gì có ai lo cho giáo viên” và “Công đoàn trường học còn bù nhìn nói gì đến thanh tra”.
Hai bài viết này là nhận thức, ý kiến, nguyện vọng của chính các thầy cô giáo trước thực trạng đang diễn ra ở nhiều trường, đó là có tổ chức công đoàn không phát huy được vai trò trong bảo vệ quyền lợi của người lao động dưới mái trường.
Thay mặt cho Tổng liên đoàn, ông Trần Duy Phương đề nghị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp từng trường hợp cụ thể để làm việc trực tiếp, xác minh lại sự việc vì "liên quan đến chúng tôi".
Ý kiến về hai bài báo, ông Vũ Minh Đức thì bày tỏ sự cảm ơn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh những hoạt động liên quan tới công đoàn ngành giáo dục.
Ông Đức thừa nhận, những phản ánh như trong hai bài báo nêu về thực trạng yếu kém của một số tổ chức công đoàn cơ sở của ngành giáo dục là đúng với thực tế, tuy nhiên không nhiều. Dù vậy, Công đoàn ngành giáo dục sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và mong muốn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam giúp cho việc này.
Ông Trần Duy Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ngồi giữa) và ông Vũ Minh Đức (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. ảnh: H.Lực. |
Tiếp nhận ý kiến của ông Trần Duy Phương và ông Vũ Minh Đức, ông Đào Ngọc Tước – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cảm ơn sự quan tâm của Tổng liên đoàn cũng như Công đoàn ngành giáo dục đối với các bài viết mà Báo đã đăng.
Liên quan đến đề nghị của hai ông, ông Đào Ngọc Tước cho biết: Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hàng tháng nhận được hàng trăm bài viết từ các thầy cô giáo.
Các bài viết này, đều là tiếng nói từ cơ sở, là nguyện vọng, ước mơ của các nhà giáo.
Bên cạnh đó còn có các phản ánh những bất cập, mặt trái của hoạt động giáo dục, dưới mái trường.
Tuy thế, dù đều là sự thật (như chính nhận xét của ông Vũ Minh Đức) nhưng vì lý do an toàn cho bản thân, giữ uy tín cho nhà trường, cho cán bộ công đoàn nói riêng và các thầy cô nói chung nên tên tuổi, địa danh thường không được nêu ra.
Bản thân người viết cũng phải sử dụng bút danh và nhiều thủ thuật để tránh bị truy tìm, phát hiện.
Bởi vậy, yêu cầu cung cấp thông tin của Tổng liên đoàn mà đại diện là ông Trần Duy Phương thì Tòa soạn sẽ hỏi ý kiến tác giả, nguồn tin và thực hiện cung cấp theo quy định của pháp luật chứ không thể đơn phương làm theo yêu cầu mà ông Phương nêu ra.
Xin được nhắc lại, Tòa soạn làm vậy là bảo vệ an toàn cho chính các thầy cô viết bài, cho nhà trường hoặc cán bộ được nhắc đến.
Tuy nhiên, nếu Tổng liên đoàn muốn biết thì cũng không khó, bởi hàng chục ví dụ đã được chính các thầy cô giáo viết, phản ánh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Tiếc rằng lâu nay, các vấn đề ấy chưa thấy Tổng liên đoàn quan tâm hỏi han gì.
Cụ thể:
Đó là chuyện Ban giám hiệu không lên lớp mà vẫn nhận tiền. Tổ chức công đoàn có tìm hiểu, lên tiếng đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền lợi của giáo viên và phê phán những lãnh đạo trường ấy không?
Lạm thu vẫn diễn ra ở nhiều trường học. Giáo viên trực tiếp thu tiền, nhưng họ cũng chỉ làm theo lệnh. Và lẽ đương nhiên, họ bị mang tiếng. Tổ chức công đoàn có đấu tranh bảo vệ cho danh dự của những nhà giáo ấy không?
Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay |
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm, nhưng nhiều cuộc thi gắn mác nọ, mác kia vẫn cứ âm thầm diễn ra ở vài trường, một vài địa phương và chỉ dừng lại khi có sự vào cuộc của báo chí.
Ở những sự việc như thế, giáo viên có bị gò ép không, họ phải chịu đựng những gì? Sao không thấy Công đoàn lên tiếng?
Vẫn còn một số ít giáo viên âm thầm dạy thêm trái phép, và điều đó thì gây ảnh hưởng tới danh dự của phần lớn các nhà giáo – những người có bản lĩnh, tư cách. Tổ chức công đoàn đã làm gì bảo vệ danh dự cho các nhà giáo chân chính? Công đoàn đã một lần nào lên tiếng phê phán cái sai hay làm gì để xóa bỏ cái sai ấy chưa?
Và, ở không ít trường, khi mà các giáo viên phấn đấu ròng rã nhiều tháng, nhiều năm, thì có khi danh hiệu thi đua lại trao cho... lãnh đạo. Công đoàn đã nói gì, làm gì với việc này?
Đã có không ít giáo viên dám đứng ra công khai chống tiêu cực, và rồi họ bị trù dập, đến nỗi nhiều đồng nghiệp cũng ngại tiếp xúc vì sợ bị liên lụy. Tổ chức công đoàn đã làm gì cho những giáo viên dũng cảm ấy?
Và, cũng vì những tấm gương “đấu tranh thì tránh đâu” như vậy nên nhiều giáo viên e ngại bị trả thù, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, dù họ biết im lặng như vậy không đúng với đạo đức nghề giáo, là chưa phải với đồng nghiệp.
Tình trạng mất dân chủ xảy ra ở nhiều trường học, và đã có nhà giáo chỉ ra rằng: Càng ở cấp dưới thì càng có hiện tượng mất dân chủ!
Điều đó có nghĩa là quyền lực hầu như chỉ tập trung vào tay của một người (Hiệu trưởng) hoặc cùng lắm là vài người khác nữa (Ban giám hiệu). Vậy thì quyền lợi của giáo viên có được đảm bảo không? Công đoàn ở cơ sở có lên tiếng bảo vệ họ trước những phán quyết của Hiệu trưởng không?
Chưa hết, mặc dù đời sống rất khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn phải tham gia quyên góp, đóng góp nhiều khoản rất vô lý. Đến nỗi, có thầy đã phải kêu lên rằng thầy cô "cục đất chọi chim không có...". Vậy nhưng cũng chưa thấy có ý kiến nào lên tiếng đồng tình, ủng hộ các thầy cô từ công đoàn ngành.
Trường Trung học cơ sở Ba Đình (Hà Nội) - nơi từng xảy ra nhiều sai phạm của Hiệu trưởng. ảnh: Phương Thảo. |
Đề cập tới những vấn đề cụ thể hơn, đại diện của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã chỉ ra rất nhiều các thí dụ điển hình cho thấy công đoàn cơ sở có nơi còn chưa thể hiện được vai trò, chức trách khi vụ việc xảy ra.
Đấy là chuyện học sinh bị xe taxi dụng gãy chân ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội). Sau đó, Hiệu trưởng tìm mọi cách lấp liếm, che đậy... những lúc ấy, vai trò của tổ chức công đoàn ở đâu?
Một vụ việc khác xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Ba Đình (Hà Nội), giáo viên bị Hiệu trưởng (nay đã bị điều chuyển công tác) xúc phạm, trù dập. Công đoàn có lên tiếng bảo vệ giáo viên ấy không?
Nhiều vi phạm khác diễn ra ở một số trường học ở từng địa phương khác nhau, nó khiến cho nhiều người chẳng vui vẻ gì khi phải nghĩ một cách tiêu cực về vai trò, hiệu quả của công tác công đoàn, dù phí thì họ vẫn đóng góp đầy đủ.
Họ chắc chắn từng rất trông đợi vào vai trò bảo vệ quyền lợi của người lao động từ công đoàn nên nay mới phải cay đắng mà nghĩ như thế.
Ông Trần Duy Phương nguyên là Tổng Biên tập một cơ quan báo chí của ngành. Tháng 11/2016, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định điều chuyển ông Phương về vị trí Phó Ban Tổ chức tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà không nêu nguyên nhân. Hiện nay, ông Phương giữ cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo giấy giới thiệu. |
Mà không nghĩ vậy làm sao được khi mà ở huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), ở Quảng Bình, ở Yên Thành, Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác có hàng trăm giáo viên bị mất việc làm, kéo theo đó là đời sống của hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng.
Ở đấy, các tổ chức công đoàn có làm được gì cho họ?
Chưa hết, nói về bảo vệ quyền lợi của người lao động thì Tổng liên đoàn đã bao giờ lên tiếng, hay đã làm gì để đảm bảo đời sống cho hàng chục ngàn thầy cô giáo trên cả nước?
Các ví dụ về đời sống khó khăn của các thầy cô cũng đều được Báo phản ánh. Hàng năm, Báo tổ chức, kêu gọi các mạnh thường quân dành hàng tỉ đồng thực hiện nhiều chuyến tặng quà các thầy cô, học bổng cho các em học sinh vượt lên khó khăn, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục...
Những việc ấy, Báo cũng chưa bao giờ nhận được sự khích lệ, tuyên dương từ phía Tổng liên đoàn.
Giá như tất cả các vấn đề nêu trên đều được ông Trưởng Ban tuyên giáo Tổng liên đoàn quan tâm, hỏi han, động viên và có ý kiến để ngành vào cuộc giải quyết thì tốt quá.
Chúng tôi cũng bất ngờ về việc truy nguyên này và không thể không đặt câu hỏi về mục đích của việc làm lạ lùng ấy.
Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó.
Không có ý kiến gì với các vấn đề Báo nêu ra, ông Trần Duy Phương – Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhắc lại yêu cầu Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp thông tin về hai bài viết mà ông nêu ra từ đầu.
Ông Phương nói rằng: “Chúng tôi có quyền yêu cầu”!
Trước yêu cầu này của ông Phương, ông Đào Ngọc Tước trả lời: Báo sẽ thực hiện theo quy định của Luật Báo chí! Quan điểm về việc này sẽ được Báo công khai trả lời bằng bài viết trên Báo.
Đến đây, ông Trần Duy Phương bất ngờ có yêu cầu phải được xem trước khi bài báo đăng.
Tréo ngoe việc cắt 647 hợp đồng lại xin tuyển dụng mới 253 giáo viên ở Thanh Hóa |
Thật khó hiểu yêu cầu này của ông Phương, bởi ông từng là Tổng biên tập của một cơ quan báo chí lớn, từng hoạt động báo chí nhiều năm, không lẽ ông không hiểu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có quyền và phải viết bài phản ánh cuộc làm việc này mà không phải xin phép ông?
Bài viết này cũng thể hiện quan điểm công khai, đàng hoàng của Báo với đề nghị mà ông nêu ra.
Mặc dù nắm rõ như vậy, nhưng để đảm bảo khách quan và đúng pháp luật, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tranh thủ ý kiến của chuyên gia pháp luật từ Thanh tra Bộ thông tin và Truyền thông thì được hướng dẫn, không phải xin phép hay cho xem trước bài báo dạng này.
Pháp luật hiện hành không có quy định về việc ấy.
Vì sự nghiệp giáo dục, vì các thầy các cô, chúng tôi tha thiết mong mỏi Tổng Liên đoàn Lao động, mà cụ thể là Công đoàn ngành giáo dục cần phải vào cuộc quyết liệt với nhiều hiện tượng tiêu cực đã xảy ra ở nhiều trường, nhiều địa phương mỗi khi các vấn đề, hiện tượng được nêu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí khác.
Qua đó tổ chức rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn, bảo vệ được danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của giáo viên, để họ yên tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước.
Việc làm ấy, chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn nhiều việc đi tìm hiểu thông tin như được nhắc đến ở đây.