Những cuốn sổ đầu bài gây "ám ảnh" giáo viên, học sinh

20/01/2024 08:14
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường không căn cứ vào xếp loại lớp để đánh giá giáo viên. Các thầy cô giáo sẽ không bị áp lực thi đua mà toàn tâm, toàn ý trong việc giáo dục học sinh.

Một đồng nghiệp dạy bậc trung học chia sẻ với người viết rằng, cô sợ nhất là mỗi sáng thứ Hai đầu tuần khi tổng phụ trách đọc xếp hạng các lớp trước cờ. Một trường học 30 lớp đương nhiên sẽ có những lớp xếp tốp đầu, có những lớp xếp tốp cuối.

Tuy nhiên, nếu khoảng 2 tuần, một lớp học nào đó vẫn nằm trong tốp cuối, giáo viên chủ nhiệm sẽ bị ban giám hiệu gọi tên, nhắc nhở. Khổ nhất là những lớp được mệnh danh là “lớp cá biệt” vì có nhiều học sinh thường xuyên vi phạm và không có sự thay đổi. Thế nên, vị trí chót bảng gần như tuần nào cũng có tên.

Một cuốn sổ đầu bài (Ảnh mang tính minh họa)

Một cuốn sổ đầu bài (Ảnh mang tính minh họa)

Nói rồi, giáo viên này kể tiếp, khi thầy cô bị nhà trường nhắc nhở thì sự bức xúc sẽ dồn xuống học sinh. Những học sinh vi phạm bị giáo viên la mắng còn đỡ, khổ nhất là những học sinh gương mẫu, chăm ngoan cũng bị vạ lây vì tuần nào cũng phải ngồi nghe “bài ca” quen thuộc đến mức các em biết trước thầy cô sẽ nói những gì.

Những tiết sinh hoạt lớp nặng nề

Cuốn sổ đầu bài ở mỗi lớp luôn được gọi vui đó là “cuốn sổ thiên tào”. Bởi, cứ sau mỗi tiết học, giáo viên sẽ nhận xét và xếp loại tiết học theo A, B, C (tương ứng với điểm 10, 9, 8). Những học sinh không thuộc bài, không chú ý trong giờ học sẽ được ghi vào sổ đầu bài. Buổi học hôm đó, giờ học dù có sôi nổi, hiệu quả đến đâu cũng chỉ được giáo viên xếp loại B hoặc C. Khi không được đánh giá giờ học loại A, lớp sẽ dễ dàng bị tụt hạng so với các lớp khác.

Để hạn chế những giờ học xếp loại thấp, vào giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ làm việc với lớp thông qua những nhận xét tiết học trong cuốn sổ đầu bài. Những học sinh vi phạm sẽ bị nhắc tên, bị thầy cô gọi đứng lên trước lớp.

Có giáo viên còn dùng cả hình phạt như thụt dầu, úp mặt vào tường, chép phạt, trực nhật nguyên tuần hoặc lao động công ích, gọi điện thoại cho phụ huynh, thậm chí phạt roi, véo tai…với các em bị ghi lỗi trong sổ.

Một số học sinh chia sẻ, các em rất sợ giờ sinh hoạt lớp. Vì các em sợ bị nêu tên, sợ bị thầy cô phạt. Nghe mãi, có em lại trở nên chai lỳ, bất cần vì “nghe hoài cũng chán nên cứ mặc kệ tới đâu thì tới”.

Một số học sinh gương mẫu, luôn thực hiện tốt mọi nội quy cũng bị vạ lây. “Thầy cô la các bạn vi phạm trên lớp. Vì vậy, không chỉ học sinh phạm lỗi nghe mà học sinh gương mẫu cũng phải ngồi chịu trận đến hết tiết học. Thành ra, tụi em cũng chán ghét luôn giờ sinh hoạt lớp”, một học sinh được đánh giá là gương mẫu bức xúc chia sẻ.

Cuốn sổ đầu bài cũng làm mất mối đoàn kết nội bộ trong nhà trường

Thực tế làm giáo viên, người viết đã không ít lần chứng kiến lời qua tiếng lại hoặc thái độ bằng mặt không bằng lòng giữa các giáo viên xung quanh cuốn sổ đầu bài. Đơn cử khi cô giáo A. cho tiết học của lớp cô giáo B. điểm thấp. Sau đó, có xảy ra tình trạng "trả đũa", cô giáo B. đến dạy lớp cô giáo A. cũng sẽ tìm ra cách để hạ điểm giờ học của lớp này xuống thấp.

Từ đó, tình trạng giáo viên để ý nhau, ảnh hưởng nhiều đến mối đoàn kết trong nội bộ nhà trường.

Thầy cô giáo chủ nhiệm có tư tưởng ganh đua nề nếp lớp mình với lớp khác thì học sinh lớp này cũng so kè điểm số, nề nếp với lớp học kia. Tất cả đều bắt nguồn từ việc xếp hạng các lớp của nhà trường.

Đối với trường học, kết quả xếp hạng giữa các lớp qua đánh giá tiết học, điểm số chỉ mang tính khuyến khích thì việc ganh đua, so kè giữa các lớp cũng nhẹ nhàng.

Đối với trường học, lấy kết quả xếp hạng của lớp để đánh giá giáo viên, thậm chí có thầy cô giáo bị xem xét xếp loại thi đua cuối năm liên quan công tác chủ nhiệm thì việc ganh đua, so kè giữa lớp mình với lớp khác thì việc đánh giá giờ học vô chừng trở nên căng thẳng.

Vì những chuyện như thế, không ít thầy cô muốn bỏ việc xếp hạng thi đua giữa các lớp của nhà trường. Tuy nhiên, không xếp hạng thi đua, nhà trường sẽ căn cứ vào đâu để đánh giá nề nếp học tập và sinh hoạt của các lớp?

Một câu hỏi được đặt ra là cách nào giữ nền nếp, kỷ cương nhưng không tạo áp lực cho giáo viên, học sinh?

Nhiều giáo viên cho biết vẫn nên duy trì việc đánh giá, xếp loại giờ dạy ở các lớp. Học sinh vi phạm nội quy giờ học vẫn phải ghi tên vào sổ đầu bài giúp giáo viên chủ nhiệm nắm bắt kịp thời để cùng phụ huynh phối hợp giáo dục. Những lớp có thành tích học tập và nề nếp tốt sẽ được khen thưởng.

Ngoài ra, nhà trường sẽ không căn cứ vào nội dung trên để đánh giá giáo viên như nhiều trường học hiện nay vẫn đang áp dụng. Có như vậy, thầy cô giáo sẽ không bị áp lực về thi đua sẽ toàn tâm, toàn ý trong việc giáo dục học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên