Nhiều tỉnh kêu khó khi thiếu GV nhưng hàng năm phải tinh giản 10% biên chế

07/08/2022 06:47
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận: “Khó khăn của tỉnh hiện nay là bên cạnh việc bổ sung biên chế GV, hàng năm vẫn phải thu 10% biên chế theo quy định”.

Quyết định bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên theo quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị là tin vui với các địa phương, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn về biên chế giáo viên của các cơ sở giáo dục hiện nay.

Thông tin này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn từ giáo viên và các trường học trên cả nước, tuy nhiên một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh chia sẻ vẫn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tinh giản 10% biên chế hàng năm (theo Kết luận 40 của Bộ Chính trị) trong bối cảnh thiếu giáo viên ở địa phương, nhất là ở cấp bậc mầm non và tiểu học.

"Nút gỡ" cho bài toán thiếu giáo viên tại các địa phương

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Tân bày tỏ vui mừng trước quyết định bổ sung biên chế mới của Bộ Chính trị.

Theo ông Nguyễn Tân, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi về các tỉnh, trong đó yêu cầu các cơ sở tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học từ nay đến năm 2026. Từ đó có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 để bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đàọ tạo Thừa Thiên Huế. Ảnh chụp màn hình

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đàọ tạo Thừa Thiên Huế. Ảnh chụp màn hình

“Hiện nay, lực lượng đội ngũ giáo viên ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang thiếu nhiều tập trung ở cấp bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Về đội ngũ giáo viên ở bậc trung học phổ thông hiện cơ bản đáp ứng tương đối đầy đủ, không thiếu nhiều.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới, yêu cầu bổ sung thêm giáo viên Âm nhạc, giáo viên Mỹ thuật, giáo viên Công nghệ, Tin học,... Đội ngũ giáo viên này ở Thừa Thiên Huế đều thuận lợi đáp ứng được”, ông Tân cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, có được thuận lợi này là nhờ ở sự tranh thủ điều kiện về nguồn nhân lực tại địa phương. Theo đó, ở Huế có trường Đại học Sư phạm Huế - một cái nôi đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Học viện Âm nhạc -một trong ba trung tâm lớn trong đào tạo lĩnh vực về âm nhạc,... Đây là những thuận lợi của Thừa Thiên Huế khi triển khai dạy học các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Ông Tân chia sẻ thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế sẽ tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục rà soát, nắm rõ tình hình đội ngũ sư phạm tại các cơ sở giáo dục, từ đó có phương án tuyển biên chế phù hợp, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương.

Đồng tình với ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận - ông Nguyễn Huệ Khải cũng cho rằng quyết định bổ sung biên chế mới của Bộ Chính trị là tín hiệu mừng với các địa phương, giúp cho các tỉnh giải quyết khó khăn về vấn đề biên chế trước thềm năm học mới.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Khải cho biết, Ninh Thuận cũng là tỉnh đang gặp khó khăn về biên chế giáo viên, đặc biệt đội ngũ giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học thiếu rất nhiều.

Theo ông Khải, hiện nay ở tỉnh Ninh Thuận chưa thể thực hiện 1 biên chế riêng đối với giáo viên tin học ở cấp bậc tiểu học. Với giáo viên nghệ thuật, Ninh Thuận tổ chức thực hiện dạy học theo cụm trường để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giảng dạy.

“Đối với giáo viên tiểu học, biên chế tính đúng theo thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với bậc tiểu học là 1,5 giáo viên /1 lớp. Do đó, để tiết kiệm biên chế giáo viên, chúng tôi cho giáo viên cơ bản học thêm kiến thức tin học để dạy cho các em học sinh vì lớp 3 cũng mới chỉ bắt đầu nên kiến thức còn khá đơn giản.

Với giáo viên nghệ thuật ở khối trung học phổ thông, cụ thể được triển khai với lớp 10 năm nay, chúng tôi thực hiện tổ chức dạy theo cụm trường, huyện, khu vực chứ không phải trường nào cũng dạy môn này. Các em học sinh trong khu vực có nguyện vọng sẽ được đăng ký và học theo cụm trường như thế”, ông Khải cho biết.

Chia sẻ về những khó khăn, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho hay: “Khó khăn của tỉnh hiện nay là bên cạnh việc bổ sung biên chế giáo viên, hàng năm vẫn phải thu 10% biên chế theo quy định”.

Ông Nguyễn Huệ Khải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Báo Ninh Thuận

Ông Nguyễn Huệ Khải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Báo Ninh Thuận

Trước đó, Kết luận 40 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2026, các đơn vị phải tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026.

Cần có chế độ đãi ngộ đặc thù riêng trong ngành giáo dục

Để nâng cao hiệu quả tuyển dụng biên chế giáo viên, ông Khải cho rằng cần có chế độ đãi ngộ phù hợp điều kiện đặc thù từng vùng, từng nơi.

“Nhiều sinh viên sư phạm khi ra trường, để tìm được một vị trí biên chế thì các em cũng phải thi cử rất vất vả, tuy nhiên có những nơi, những vùng đặc thù cần phải có chính sách đãi ngộ mới tuyển dụng được giáo viên tốt”.

Ông Khải lấy ví dụ: “Đối với các trường chuyên, cần có chính sách đãi ngộ mới tuyển dụng được giáo viên tốt. Với vùng sâu vùng xa, hiện nay việc chi trả lương vẫn còn chưa cao, do đó chưa đảm bảo được cho người dạy, khoảng cách có nhiều cách trở do đó việc tuyển dụng cũng hết sức khó khăn”.

Đồng tình với quan điểm đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đàọ tạo Thừa Thiên Huế cho biết, trong các phiên làm việc với Bộ, các cấp, ông đã tham mưu, đề nghị theo hướng có cơ chế đặc thù riêng trong ngành giáo dục đối với việc tuyển dụng giáo viên.

Ông Tân cũng nhấn mạnh việc chú trọng vào kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm của giáo viên khi tuyển dụng nhằm xây dựng được một đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao, từ đó cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững.

Doãn Nhàn