Người lao động mong sai phạm ở HV Y dược học cổ truyền VN được xử lý dứt điểm

26/03/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù nhận được lương tháng 2 và 3 nhưng nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn xuống đường căng băng rôn mong lãnh đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng ở Học viện

Chiều tối ngày 24/3 cán bộ, công nhân viên chức Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục mang băng rôn, biểu ngữ đến trước cổng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (sau đây gọi là Học viện) sau khi đã nhận được lương tháng 2 và tháng 3.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hành động này, bà Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đại diện cho nhiều người lao động đang đấu tranh cho biết:

"Lương là một trong những điều khoản đã bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả lương cho người lao động.

Nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường không chỉ vì đòi lương mà còn mong Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam triệt để giải quyết những tồn đọng từ nhiều năm qua."

"Chúng tôi đã phải dùng biện pháp xuống đường cầu cứu sự quan tâm của dư luận thì Học viện mới giải quyết.

Dù đã nhận được lương tháng 2, tháng 3 nhưng nhân viên bệnh viện không biết các tháng sau đó sẽ ra sao", bà Bình cho biết.

Cán bộ, công nhân, viên chức Bệnh viện Tuệ Tĩnh tập trung dưới cổng Học viện vào chiều tối ngày 24/3. Ảnh: Nhật Tân

Cán bộ, công nhân, viên chức Bệnh viện Tuệ Tĩnh tập trung dưới cổng Học viện vào chiều tối ngày 24/3. Ảnh: Nhật Tân

"Vấn đề lớn mà chúng tôi mong mỏi nhất là các cấp lãnh đạo cần giải quyết những vấn đề tồn đọng, những sai phạm tồn tại nhiều năm ở Học viện.

Từ tháng 6/2019 đến nay, khi là cơ quan tự chủ tài chính, môi trường làm việc của Bệnh viện Tuệ Tĩnh trở thành một cơ quan nhưng có hai chế độ khác nhau, điều này dẫn đến những công chức được phân công, công tác tại đây phải chịu sự bất bình đẳng", Tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhấn mạnh.

Bà Lê Thanh Bình thông tin thêm Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuất thân là một bệnh viện thực hành phục vụ các y, bác sĩ học tập, làm việc, nguồn đào tạo sinh viên khác để nâng cao tay nghề chứ không nhằm mục đích thăm khám, chữa bệnh và thu tiền.

Ở thời điểm đó xét trên năng lực và khả năng tài chính, Bệnh viện Tuệ Tĩnh không thể trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn.

Tuy nhiên, tháng 6/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn chi phí.

Thời điểm đó, Ban lãnh đạo Học viện tự ý xin quyết định tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh mà không qua họp bàn, thương thảo với nhân viên ở đây.

Tính từ thời điểm có quyết định về việc tự chủ là tháng 6/2019 đến tháng 12/2019 đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức chúng tôi đã có sự giảm sút.

Chúng tôi đã yêu cầu họp thì có đến 88% cán bộ của Bệnh viện không đồng ý tự chủ.

Nhưng không hiểu sao từ thời điểm đó đến bây giờ Ban lãnh đạo Học viện không giải quyết, cũng như không có một cơ chế nào đó phù hợp với việc tự chủ để bảo vệ quyền lợi của người lao động, bà Bình bức xúc.

Bà Bình đánh giá: “Tôi cho rằng việc tự chủ ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã không thành công. Hậu quả là 154 nhân viên được phân công công tác ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải gánh chịu.

Còn tất cả nhân viên ở Học viện đều không bị ảnh hưởng đến thu nhập trong khi chúng tôi cùng được ký hợp đồng lao động với một chủ thể là Giám đốc Học viện.

Bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái nhân viên Bệnh viện đã bị nợ lương, đến khi được nhận khoản lương đó thì đến tháng 2, tháng 3 tình trạng này lại tiếp diễn.

Đây là lần thứ 2 chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh, xuống đường, cầu cứu sự quan tâm của dư luận."

Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục cầm băng rôn, biểu ngữ "kêu cứu" sau khi nhận được lương tháng 2, tháng 3. Ảnh: Nhật Tân

Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục cầm băng rôn, biểu ngữ "kêu cứu" sau khi nhận được lương tháng 2, tháng 3. Ảnh: Nhật Tân

Ban Lãnh đạo Học viện có trả lời rằng đang tìm phương hướng giải quyết, tuy nhiên không có một lộ trình cụ thể.

Ít nhất nhân viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cần được biết Học viện sẽ xử lý những tồn đọng này trong bao lâu. Sau lương tháng 2, tháng 3 sẽ là gì? Bệnh viện không có nguồn thu, chúng tôi sẽ sống thế nào với cơ chế như vậy?, bà Bình bày tỏ.

Liên quan đến việc xử lý, khắc phục những sai phạm ở Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, ngày 24/3, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Học viện đang xử lý những sai phạm vừa rồi. Hiện trước mắt, Học viện đã giải quyết chế độ tiền lương cho cán bộ, công nhân viên ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cán bộ công nhân viên đã nhận lương tháng 2, tháng 3 năm 2022."

Trước câu hỏi về việc giải quyết việc cán bộ công nhân viên tụ tập đông người được trả lương, thực hiện đúng hợp đồng làm việc trong nhiều ngày, ông Phạm Quốc Bình đã cung cấp cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam văn bản số 573/HVTDCT-TCCB về việc tập trung đông người của viên chức Bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày 21/3.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, tập thể lãnh đạo Học viện đã họp bàn và thống nhất kiện toàn nhân sự Ban lãnh đạo Bệnh viện và công tác nhân sự lãnh đạo.

Theo đó, lãnh đạo nhà trường cho biết Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đang tái cơ cấu và định hướng triển khai phát triển Bệnh viện. Trường đã hoàn thiện thủ tục giới thiệu nhân sự, xin ý kiến Bộ Y tế.

Đối với vấn đề giải quyết đơn thư của nhân viên Bệnh viện, công văn cho thấy, ngày 16/03, Học viện đã mời Thanh tra Bộ Y tế làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện về việc Giải quyết 52 đơn thư của viên chức Bệnh viện.

Ngay trong ngày, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản trả lời Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Chiến (đơn vị được người lao động ủy quyền đại diện pháp luật) về việc giải quyết khiếu nại của viên chức tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Theo như dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ (hiện đang xin ý kiến rộng rãi toàn Học viện theo quy định) nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ được chi trả phúc lợi như đối với Viên chức Học viện năm 2022.

Về những thiếu sót của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trong việc quản lý Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trong kết luận số 02/KL - TTrB của Thanh tra Bộ Y tế có nêu:

"Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 13/2006/QĐ-BYT ngày 03/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế, là Bệnh viện thực hành trực thuộc Học viện."

Năm 2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập từ đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên theo Quyết định số 2218/QĐ-BYT ngày 04/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng việc xây dựng Quy chế tổ chức hoạt động của Bệnh viện tiến hành chậm, đến cuối tháng 10/2021 Quy chế tổ chức hoạt động của Bệnh viện mới được phê duyệt.

Sau khi được điều chỉnh và phân loại đơn vị sự nghiệp công lập từ đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí động thường xuyên, Bệnh viện chưa xác định số lượng người làm việc, và chưa xây dựng Đề án vị trí làm việc.

Hiện nay, bộ máy tổ chức của Bệnh viện cồng kềnh, tổng số có 128 viên chức và 30 hợp đồng lao động, có 280 giường bệnh, 5 phòng, 22 khoa lâm sàng, cận lâm sàng.

Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, số lượng bệnh nhân và công sử dụng giường bệnh giảm, nguồn thu của bệnh viện không đủ để chi các hoạt động thường xuyên nhưng chưa thực hiện rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ.

Theo đó, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam chưa rà soát, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ các khoa, phòng, quy chế tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua khen thưởng, quy chế làm việc, quy chế phối hợp, quy chế phát ngôn … theo quy định hiện hành.

Nhật Tân