Ngữ văn 10 theo chương trình GDPT mới sẽ giúp triệt tiêu “văn mẫu”?

02/05/2022 06:40
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô Dung, môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ không còn là môn học hàn lâm, chỉ nói và viết theo văn mẫu.

Năm học 2022 – 2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với lớp 10 trung học phổ thông.

Trong đó, sách giáo khoa môn Ngữ Văn mới được đánh giá mang lại cách tiếp cận văn bản mới mẻ, hiện đại và khắc phục được tình trạng học sinh học văn theo bài mẫu.

Chia sẻ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Bùi Thị Dung - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) cho rằng sách giáo khoa môn Ngữ văn mới đem đến rất nhiều sự hứng khởi đối với cả giáo viên và học sinh.

Cô Dung cho rằng sách giáo khoa môn Ngữ Văn mới đem đến rất nhiều sự hứng khởi đối với cả giáo viên và học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Dung cho rằng sách giáo khoa môn Ngữ Văn mới đem đến rất nhiều sự hứng khởi đối với cả giáo viên và học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Đối với giáo viên, nội dung giảng dạy rất phong phú xuất phát từ nguồn học liệu của 3 bộ sách giáo khoa: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Trong quá trình dạy học, giáo viên hoàn toàn có thể kết hợp khai thác cả ba bộ sách trên.

Sách giáo khoa Ngữ văn được áp dụng cho năm học 2022 – 2023 có nhiều văn bản mang hơi thở cuộc sống hiện đại đầy hấp dẫn.

Trong đó, có nhiều tác phẩm văn học mới lần đầu tiên được đưa vào chương trình góp phần thu hút học sinh yêu văn chương và có năng lực sáng tạo .

Không chỉ vậy, chương trình hoàn toàn mở, nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở…phù hợp với tiêu chí hiện đại của xã hội.

Điều này mang lại một sức hấp dẫn đặc biệt với môn Ngữ văn vốn được coi là vô cùng hàn lâm, cổ điển.

Cô Dung nhấn mạnh: “Sách giáo khoa môn Ngữ văn mới với đặc điểm tổ chức theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Các mức độ yêu cầu về năng lực, phẩm chất rõ ràng, điều này giúp người học có thể tự đánh giá được mức độ của bản thân sau khi kết thúc nội dung học”.

Sách giáo khoa môn Ngữ văn mới với đặc điểm tổ chức theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được (Ảnh: Phạm Linh)

Sách giáo khoa môn Ngữ văn mới với đặc điểm tổ chức theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được (Ảnh: Phạm Linh)

Đặc biệt, với chương trình sách giáo khoa mới, học sinh được chú trọng năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, điều này khiến học sinh sẽ yêu thích và đón nhận môn Ngữ văn.

Cô Dung đưa ra ví dụ với bộ sách Ngữ văn 10 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, được trình bày khoa học với 9 bài học, nhan đề các bài học đặt theo một số vấn đề hay yếu tố nổi bật của loại, thể loại.

Mỗi bài học đều có thể xây dựng thành một dự án văn học rất lôi cuốn và kích thích sự sáng tạo của học sinh, tôi có thể nghĩ tới một số chủ đề như: Chủ đề “Tinh thần nhân văn trong một số tác phẩm tự sự dân gian Việt Nam”; chủ đề “Sân khấu dân gian”, chủ đề “Hồn Việt dưới tán cây”;…

Bên cạnh đó, trong sách có một số bài học mới dành cho học sinh như: "Tích trò sân khấu dân gian" với các văn bản chèo tuồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, di sản nghệ thuật quí báu mà ông cha truyền lại.

Sách Ngữ Văn lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cùng sự đổi mới về cách tiếp cận cũng như mục tiêu giáo dục đối với học sinh mang đến nhiều kỳ vọng của giáo viên bộ môn đồng thời cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian đầu triển khai.

Theo cô Dung, sự mới mẻ và hấp dẫn song song với việc tiếp cận thể loại này chắc chắn không hề dễ dàng với cả giáo viên và học sinh.

“Những thách thức trong năm học tới với học sinh và giáo viên là không ít như việc học sinh lớp 10 sẽ có rất nhiều những bỡ ngỡ trong tiếp cận nội dung, phương pháp học tập.

Tương tự, giáo viên sẽ gặp những khó nhất định về cách dạy, về phương pháp tiếp cận để đạt được hiệu quả học tập như kì vọng, các thầy cô giáo và các em học sinh cần có những thay đổi và cố gắng mang tính bứt phá” cô Dung nhận định.

Theo cô Dung, sự mới mẻ và hấp dẫn song song với việc tiếp cận thể loại này chắc chắn không hề dễ dàng với cả giáo viên và học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Theo cô Dung, sự mới mẻ và hấp dẫn song song với việc tiếp cận thể loại này chắc chắn không hề dễ dàng với cả giáo viên và học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Khi đã được tham gia tập huấn, tiếp cận với sách giáo khoa mới, cô đã chuẩn bị gì để khắc phục những khó khăn, thách thức trên?”

Cô Dung chia sẻ: “Để đáp ứng được mục tiêu giáo dục mới, các hoạt động dạy học của giáo viên cũng cần hướng trọng tâm vào hình thành kĩ năng, đặc biệt, mỗi tiết học sẽ phải bám sát hoạt động giao tiếp.

Với mục tiêu đưa giá trị cuộc sống vào lớp học, các thầy cô cần linh hoạt, sáng tạo, đổi mới các phương pháp dạy học và các phương pháp dạy học tích cực đặc biệt có lợi thế như dạy học theo dự án

Trước đó, qua thực tế từ quá trình giảng dạy bộ sách cũ, tôi đã vận dụng phương pháp dạy học theo dự án để thực hành Chủ đề văn thuyết minh.

Với yêu cầu của dự án là Thuyết minh về các Di sản văn hóa phi vật thể, và học sinh đã thực hành rất thành công các thể loại diễn xướng dân gian như hát Ca trù, hát Quan họ, hát Xẩm, hát Chầu văn…

Đây cũng là một phương pháp hay và mang lại hiệu quả giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh, mục tiêu quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông mới”.

Phạm Linh