Theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%; đến năm 2045 phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
Để đáp ứng mục tiêu đề ra, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo ngành Dược luôn được quan tâm triển khai tại trường cao đẳng y dược.
Nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy ngành dược, ngày 17/5 tới đây, Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Chương trình hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy dược trong thời kỳ hội nhập”. Hội thảo sẽ diễn ra tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội về những kỳ vọng đào tạo ngành Dược trong bối cảnh hiện nay.
Chất lượng đào tạo ngành Dược chưa có sự đồng đều
Đánh giá về sự cấp thiết của việc tổ chức hội thảo, thầy Tân chia sẻ, trong khi các ngành học khác thuộc lĩnh vực sức khoẻ có nhiều hội thảo, lớp tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học. Tuy nhiên, do những đặc thù của ngành nên rất ít, hoặc không có các hội thảo, lớp tập huấn chuyên sâu để giảng viên ngành Dược tham gia trao đổi.
Do vậy, nhằm giúp giảng viên ngành Dược cập nhật nội dung kiến thức, phương pháp dạy học mới, hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy dược trong thời kỳ hội nhập” có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.
“Hội thảo không những là cơ hội để giảng viên ngành Dược được cập nhật phương pháp giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo dược trình độ cao đẳng mà còn có những trao đổi khác. Ví dụ như từ thực trạng đào tạo ngành Dược hiện nay, các trường sẽ có đề xuất, kiến nghị trong đào tạo dược nói riêng, đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trình độ cao đẳng nói chung"
_Tiến sĩ Phạm Văn Tân_
Chỉ ra một số vấn đề đào tạo dược trình độ cao đẳng hiện nay, theo thầy Tân, thứ nhất, Thông tư số 03/2022/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26/4/2022 về Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng Dược hạng IV - mã số V.08.08.23 là tốt nghiệp cao đẳng Dược, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược hoặc có chứng chỉ hành nghề dược.
Điều đáng bàn là Dược sĩ trình độ cao đẳng và Dược sĩ trình độ trung cấp hiện đều xếp vào Dược hạng IV – mã số V.08.08.23. Trong khi đó, thời gian học của hệ cao đẳng nhiều hơn trung cấp 1 năm.
Thứ hai, vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Dược trình độ cao đẳng rất rộng nên các trường cần đổi mới hình thức, phương pháp, kết nối với đơn vị như thế nào để sinh viên ngành dược thực hành là vấn đề cần đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
“Việc làm thế nào để tổ chức thực hành cho sinh viên đáp ứng được vị trí việc làm ngành Dược, những trường cao đẳng có lịch sử, kinh nghiệm chuyên sâu đào tạo ngành Dược như Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội,… sẽ tích cực chia sẻ tại hội thảo để các trường khác có thể lấy đó làm tham khảo”, thầy Tân cho biết.
Đánh giá thực trạng công tác đào tạo ngành Dược hiện nay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược cho biết, có khá nhiều trường cao đẳng công lập và ngoài công lập đang đào tạo ngành Dược. Trong số này, có trường trước đây không đào tạo ngành Dược trình độ cao đẳng thì hiện đã đưa ngành này vào đào tạo. Mặc dù khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Dược, các trường có trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của nhau nhưng do năng lực, thế mạnh đào tạo của mỗi trường khác nhau (vị trí địa lý, điều kiện đầu tư phát triển, đội ngũ giảng viên viên) nên chất lượng đào tạo ngành Dược chưa có sự đồng đều. Bên cạnh đó, ở những trường có lịch sử đào tạo cao đẳng dược sẽ quy tụ được đội ngũ giảng viên chất lượng giảng dạy tốt hơn.
Đào tạo ngành Dược chưa đáp ứng hết yêu cầu thực tiễn
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược, hiện nay số lượng và chất lượng người tốt nghiệp ngành Dược chưa đáp ứng được hết yêu cầu tuyển dụng. Cụ thể, về số lượng, chưa có nhiều trường được cấp phép đào tạo trình độ cao đẳng dược nên số lượng sinh viên học và tốt nghiệp chưa nhiều. Nhưng cũng phải lưu ý, trong số đó, có những trường không chuyên về lĩnh vực sức khoẻ vẫn được cấp phép đào tạo ngành Dược.
Còn về chất lượng, hầu hết sinh viên tốt nghiệp cao đẳng dược khi về công tác tại cơ sở đều phải đào tạo thêm mới có thể làm được việc.
“Đối với ngành Dược, mặc dù các em được thực hành nghề nghiệp trong quá trình học nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết yêu cầu thực tiễn đối với từng vị trí việc làm của ngành. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, các em phải được đào tạo thêm sau khi tốt nghiệp về vị trí việc làm. Do đó, trường nào rút ngắn được khoảng thời gian đào tạo thêm này thì sẽ nâng được chất lượng và thành công cho trường trong đào tạo ngành Dược”, thầy Tân chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đánh giá, hiện nay công tác đào tạo ngành Dược có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen với những khó khăn, nhất là công tác tổ chức thực tập cho sinh viên dược. Bởi, vị trí việc làm của ngành Dược đa dạng nhưng hiện nay không chỉ ở nội thành, những trường cao đẳng dược ở ngoại thành đều gặp khó trong việc tổ chức thực tập cho sinh viên. Trong đó, khó khăn nhất là nhà trường muốn cho sinh viên đi thực tập ở vị trí sản xuất thuốc tại nhà máy nhưng không phải nhà máy sản xuất thuốc nào cũng cho sinh viên thực hành tay nghề vì còn liên quan đến vấn đề bảo mật, vô trùng,…
Chưa kể, trong hầu hết các bệnh viện, khoa dược thường cần rất ít nhân lực làm việc nên sự chào đón sinh viên đến thực tập tại khoa này sẽ không nhiều.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giảng viên tham gia đào tạo ngành Dược tương đối khó khăn do mức thu nhập chưa đủ hấp dẫn.
Cần quy định lại về chức danh nghề nghiệp Dược sĩ trình độ cao đẳng và trung cấp
“Ngành Dược trình độ cao đẳng là một trong các ngành thuộc danh mục ngành nghề học nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Đây là một sự động viên, khuyến khích, chia sẻ lớn đối với người học. Tuy nhiên, ngành Y tế là ngành đặc thù nên cần thiết phải có chế độ đặc thù”, thầy Tân bày tỏ.
Trước những thách thức ngành Dược đang đối mặt, theo thầy Tân, trước hết, đối với các trường cao đẳng y dược chưa tự chủ hoàn toàn, Chính phủ, cơ quan chủ quản, các bộ, ngành cần có những hỗ trợ, đầu tư cho các trường về trang thiết bị, cơ sở vật chất để trường đào tạo dược theo xu hướng mới.
Đặc biệt, cần thiết phải xem xét lại việc cấp phép đào tạo ngành Dược ở các trường không chuyên về lĩnh vực sức khoẻ để đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, hiện nay có 04 hạng chức danh nghề nghiệp Dược sĩ (Dược sĩ cao cấp – hạng I; Dược sĩ chính – hạng II; Dược sĩ – hạng III; Dược hạng IV). Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng dược nhiều hơn trung cấp dược 1 năm nhưng Dược sĩ trình độ cao đẳng và Dược sĩ trình độ trung cấp lại đều được xếp vào Dược hạng IV (hạng thấp nhất trong phân hạng chức danh Dược sĩ).
“Việc người tốt nghiệp ngành Dược trình độ cao đẳng và trung cấp cùng xếp vào Dược sĩ hạng IV khiến cho ngành Dược trình độ cao đẳng bị giảm sức hút. Thời gian học cao đẳng dược 3 năm phải có sự khác biệt so với thời gian học trung cấp dược 2 năm. Vì vậy, nếu được, cần quy định lại về chức danh nghề nghiệp của Dược sĩ trình độ cao đẳng và Dược sĩ trình độ trung cấp để thể hiện rõ nhiệm vụ, vai trò của Dược sĩ cao đẳng, thu hút nhiều sinh viên theo học. Ngoài ra, trong bối cảnh chuẩn hoá đội ngũ, cũng có thể xem xét đến việc dừng đào tạo đối với ngành Dược trình độ trung cấp”, thầy Tân đề xuất.
Bên cạnh đó, về phía các trường cao đẳng đào tạo ngành Dược, theo thầy Tân, chương trình đào tạo cần phải tự cập nhật, đổi mới một cách khoa học. Trong đó, cần bố trí việc dạy và học trên tinh thần tạo điều kiện để sinh viên có thể vừa đi học, vừa có thu nhập từ hoạt động thực hành. Đặc biệt, chương trình đào tạo cần gắn với vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp bằng cách tăng khối lượng, thời gian thực hành liên quan đến vị trí việc làm ngành Dược.