Khi nhắc đến thời trang, hình dung thường thấy của số đông là sàn diễn, thảm đỏ xa hoa với người mẫu, ngôi sao diện trang phục đắt đỏ. Đây cũng chính là một trong số những điểm hấp dẫn của ngành Thiết kế thời trang. Thực tế, ngành học này không chỉ toàn những hào nhoáng, cũng có rất nhiều thử thách đòi hỏi "người trong cuộc" phải luôn nâng cao năng lực của bản thân.
Cơ hội sẽ mở ra với những người đam mê và không ngừng học hỏi
Nói về lý do chọn học ngành thiết kế thời trang, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Liêu Huỳnh Minh Thư sinh viên ngành Thiết kế thời trang (Khoá 2022), Trường Đại học Hoa Sen cho biết: "Bản thân em có niềm yêu thích cùng nền tảng vững chắc khi được học hội họa từ nhỏ, nên khi đứng trước những lựa chọn hấp dẫn từ các ngành nghệ thuật, em đã chọn Thiết kế thời trang.
Đây là môi trường ít giới hạn em nhất và em nghĩ trang phục phản ảnh tính cách của một cá nhân, và thể hiện bộ mặt của một tập thể, nên em muốn đóng góp khả năng của mình để mỗi người đều có thể tự tin diện bộ trang phục mà mình muốn mặc, nhưng vẫn phù hợp ở từng hoàn cảnh.
So với tưởng tượng ban đầu em nghĩ rằng, môi trường đại học sẽ ít tiếp xúc với thầy cô và sinh viên phải tự hoàn thiện bài tập. Tuy nhiên, thực tế dù có những dự án riêng của em, các thầy cô vẫn hỗ trợ hết sức có thể.
Lầm tưởng thứ hai của em đó là 'học ngành thời trang là sống trong nhung lụa', thực tế là được bao quanh trong vải vóc, nhưng cảm xúc của hai ngữ cảnh là khác nhau, sinh viên phải dành hết sức mình học tập, không được lơ là".
Dưới góc nhìn của người đã làm nghề, nhà thiết kế Phạm Hồng Vân, cựu sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, Trường Đại học Hoa Sen cho biết: “Niềm đam mê với mỹ thuật và trang phục đã đưa tôi đến với ngành thiết kế thời trang.
Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, tôi tiếp tục theo học thạc sĩ tại Domus Academy (Milan, Italy). Thời điểm nộp hồ sơ học bổng cho chương trình cao học ở Milan tôi có phần tự ti vì phải cạnh tranh với sinh viên quốc tế. Chỉ cho tới khi nhận được học bổng, tôi mới nhận ra bản thân không hề thua kém các bạn.
Phần nhiều có lẽ là nhờ những kiến thức đã được học ở đại học đã tạo dựng cho tôi hành trang vững chắc về cả lý thuyết và thực hành, để bước đầu thuận lợi đến với một trong những kinh đô thời trang của thế giới.
Sau một thời gian đi làm, tôi nhận ra bản thân đã tập trung nhiều vào chuyên ngành mà bỏ quên những kỹ năng khác có thể giúp bản thân thăng tiến hơn trong công việc như quản lý nhân sự, phân tích dữ liệu, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch và chiến lược.
Vậy nên ở hiện tại, tôi đã và đang tiếp tục trau dồi những kỹ năng này, cùng với việc cập nhật kiến thức, xu hướng mới trong ngành thời trang một cách có chọn lọc".
Đề cập thêm đến vấn đề tài chính khi theo đuổi ngành thiết kế thời trang, chị Vân cho hay, các bạn trẻ có thể bắt đầu với các khoá học trực tuyến, cả miễn phí và học phí ở mức tiếp cận được, thực tập tại các xưởng may hoặc thương hiệu thời trang để tích luỹ kiến thức và kỹ năng cơ bản; tìm kiếm những học bổng, chương trình hỗ trợ tài chính cho các sinh viên tiềm năng từ các trường thời trang trong và ngoài nước.
Với nhà thiết kế Bùi Đức Lương, cựu sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, việc lựa chọn theo học ngành này bắt đầu từ niềm đam mê với cái đẹp, khả năng sáng tạo, cũng như mong muốn được thể hiện cá tính qua các sản phẩm thời trang. Thiết kế thời trang không chỉ là sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật mà còn là cách tạo ra những sản phẩm có thể truyền tải cảm xúc, thông điệp và phản ánh xu hướng xã hội.
Nói thêm về các kiến thức đã được học trên giảng đường, anh Đức bày tỏ: "Những bài học cơ bản về thiết kế, nguyên lý màu sắc, cấu trúc vải, và các kỹ thuật may mặc là nền tảng quan trọng. Ngoài ra, các môn học về lịch sử thời trang, nghiên cứu thị trường và xu hướng cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành và nhu cầu của khách hàng. Các kiến thức này hỗ trợ rất nhiều khi bước vào công việc thực tế, vì có sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo và khả năng quản lý dự án.
Để nâng cao vị trí của mình trong ngành, bên cạnh việc học tập chuyên môn, tôi đã trau dồi kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian; học hỏi thêm về công nghệ mới trong thiết kế, như phần mềm vẽ 3D hay kỹ thuật in ấn để cạnh tranh trong một ngành công nghiệp ngày càng thay đổi nhanh chóng.
Đồng thời, tôi tham gia các khóa học bổ sung về marketing, branding, hay thậm chí quản lý tài chính phát triển năng lực và mở rộng cơ hội nghề nghiệp".
Dưới góc nhìn của Nhà thiết kế Bùi Đức Lương, tài chính là yếu tố quan trọng trong ngành Thiết kế thời trang nhưng không đồng nghĩa với duy nhất.
Bởi lẽ, nếu thực sự đam mê và kiên trì, vấn đề tài chính có thể được giải quyết qua các hình thức học bổng, hoặc việc làm thêm trong ngành để tích lũy kinh nghiệm và thu nhập.
Bên cạnh đó, công nghệ ngày nay cũng giúp giảm chi phí, như việc sử dụng phần mềm thiết kế thay vì vẽ tay hoàn toàn, cũng như sự cân đối trong cách các bạn trẻ sáng tạo bề mặt chất liệu của riêng mình.
"Cơ hội nghề nghiệp của Ngành thiết kế thời trang thực tế rất đa dạng và phong phú. Ngoài việc làm tại các hãng thời trang lớn, còn có thể phát triển trong các lĩnh vực như thiết kế đồ họa thời trang, thời trang bền vững, thiết kế cho các sự kiện, hay mở cửa hàng thời trang riêng.
Ngoài ra, ngành thời trang cũng đang ngày càng giao thoa với công nghệ, như thiết kế 3D, thời trang số và thương mại điện tử, tạo ra những cơ hội mới.
Công việc trong ngành này không chỉ phụ thuộc vào việc học hỏi và phát triển chuyên môn, mà còn ở khả năng tạo dựng mạng lưới, phát triển thương hiệu cá nhân và biết nắm bắt xu hướng thị trường.
Vì vậy, nếu đam mê và không ngừng nỗ lực học hỏi, ngành thiết kế thời trang vẫn mở ra rất nhiều cơ hội cho những ai dám thử thách và theo đuổi. Trong trường hợp của chính bản thân, tôi cũng đã có rất nhiều những cơ hội làm thêm tiệm cận ngành ngay từ năm nhất đại học" - Nhà thiết kế Bùi Đức Lương nói.
Nên tìm cách cân bằng giữa sáng tạo và thương mại
Chia sẻ về quá trình học tập, em Liêu Huỳnh Minh Thư bày tỏ: "Khối kiến thức khó chinh phục nhất đối với em là kể những câu chuyện của mình qua hình ảnh. Mặc dù sau mỗi dự án/bài tập, sinh viên sẽ thuyết trình để truyền đạt rõ hơn cho giảng viên, nhưng phần lớn thầy cô sẽ cảm nhận mạnh nhất qua phần trình bày hình ảnh ý tưởng thiết kế.
Bởi vậy, dù em có ý tưởng hay mà không xây dựng nền tảng tốt để thể hiện, thì đó là một bất lợi lớn. Tuy nhiên, sau quá trình học hỏi tới hiện tại là sinh viên năm 3, em đã thực sự cải thiện được điều này nhờ sự chỉ dẫn tận tình của thầy cô và chịu khó tìm tòi học hỏi từ những người có kinh nghiệm đi trước".
Nói về những trải nghiệm thực tế khi làm nghề, Nhà thiết kế Phạm Sĩ Toàn - Cựu sinh viên chuyên ngành Thiết kế thời trang, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Điều mà bất cứ một nhà thiết kế nào cũng sẽ cảm thấy khó khăn, theo tôi đó là phải biết dung hoà giữa cái tôi nghệ thuật và cái tôi thương mại, làm sao có thể kiếm tiền được đam mê, và lấy số tiền đó tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, có như vậy thì các nhà thiết kế mới sống được với nghề.
Để vượt qua được những khó khăn và thử thách trong công việc, tôi luôn cố gắng tìm tòi và học hỏi để nâng cao tay nghề và để những sản phẩm của mình không bị thụt lùi so với mặt bằng chung. Đó là yếu tố tiên quyết để các nhà thiết kế có thể giữ chân được khách hàng của mình.
Muốn theo đuổi ngành nhà thiết kế, điều đầu tiên là các bạn cần là phải có đam mê thật sự, không nên theo đuổi bất cứ điều gì chỉ vì nó là trào lưu là xu hướng. Đặc biệt, các bạn phải luôn học hỏi không ngừng để chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức đầy đủ, ngoài việc học ở trường thì các bạn cũng nên tìm học thêm một vài khoá học bên ngoài để bổ trợ thêm kiến thức cũng như là những kỹ năng mà các bạn không được biết trên giảng đường đại học.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên, Nhà thiết kế Phạm Sĩ Toàn nói: "Với tâm thế là người đi trước, tôi cảm thấy các bạn sinh viên, nhà thiết kế trẻ hiện tại giỏi cả về tư duy cũng như kỹ năng làm nghề.
Tôi chỉ muốn dành một lời khuyên duy nhất cho các bạn là đam mê thôi chưa đủ, chúng ta cũng cần phải thực tế, phải kiếm được tiền từ đam mê thì đam mê đó mới được nuôi dưỡng và phát triển".
Cùng chung quan điểm, Nhà thiết kế Phạm Hồng Vân chia sẻ: "Khi mới ra trường, cũng giống như nhiều người khác, tôi mong muốn tìm được môi trường làm việc thoả mãn sáng tạo, bay bổng với những ý tưởng độc lạ.
Khi đi làm, tôi nhận ra rằng sản phẩm tốt phải được cân bằng giữa sáng tạo, gu thẩm mỹ của nhà thiết, nhu cầu và cảm nhận của khách hàng. Vì quan điểm về cái “đẹp” của mỗi người là khác nhau. Chưa kể còn phải cân đối chi phí nguyên phụ liệu, thời gian sản xuất, trao đổi với đối tác, và rất nhiều việc không tên.
Để giải quyết được vấn đề này, tôi đã làm mọi thứ chậm lại và sớm hơn, lên kế hoạch chi tiết trước khi bắt đầu, đặc biệt là phân tích dữ liệu từ những bộ sưu tập trước để hiểu hơn về trải nghiệm, nhu cầu của khách hàng, rút ra những “khác biệt” được khách hàng chấp nhận và phát triển thêm.
Từ đó, tôi có chiến lược rõ ràng trong việc chọn lựa sản phẩm khác lạ, tạo ấn tượng trên thị trường và sản phẩm mang về doanh số cho công ty, từ đó đề xuất các phương án phù hợp".
Theo Nhà thiết kế Phạm Hồng Vân, một tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ, lắng nghe và chọn lọc những góp ý khen chê, đặc biệt là quan sát bản thân thực sự muốn gì và phù hợp với gì trong suốt quá trình làm nghề là điều rất quan trọng với các nhà thiết kế trẻ.
Đặc biệt, mỗi nhà thiết kế cần nhìn nhận được năng lực của bản thân để vạch ra chiến lược phù hợp cho sự nghiệp, tìm kiếm thử thách, cơ hội để phát triển bản thân, không ngại thử nghiệm những điều mới mẻ và kiên trì, nỗ lực vì thời trang luôn biến đổi không ngừng.
Là người có kinh nghiệm đi làm ngay từ sớm những năm đầu đại học, Nhà thiết kế Bùi Đức Lương tâm sự: "Tôi nhận ra rằng ngành Thiết kế thời trang không chỉ là sáng tạo đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều những vấn đề thực tế như quản lý thời gian, chi phí sản xuất, và nhu cầu thị trường.
Sản phẩm được tạo ra vừa cần có tính thẩm mỹ, vừa khả thi về chi phí và có thể sản xuất hàng loạt. Trong khi, áp lực về thời gian và khối lượng công việc rất lớn, luôn phải đối mặt với những deadline gấp rút nhằm đáp ứng tính thời vụ tại thị trường Việt Nam.
Với các bạn sinh viên học ngành thiết kế thời trang, tôi nghĩ họ cần chuẩn bị một nền tảng vững về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và hiểu rõ về thị trường. Ngoài ra, các bạn cần phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng quản lý thời gian. Vì khi đi làm, công việc không chỉ là việc tạo ra sản phẩm, mà còn là việc giao tiếp và phối hợp với các bộ phận khác trong quy trình sản xuất.
Thời trang luôn thay đổi nhanh chóng nên việc cập nhật các xu hướng mới, học hỏi thêm các công nghệ mới sẽ giúp các bạn luôn linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành".