Ngành Thiết kế thời trang tại Trường ĐH Đông Á đón đầu xu thế kỹ thuật số

11/06/2024 06:15
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo Tiến sĩ Trần Thủy Bình, ngành Thiết kế thời trang tại Trường ĐH Đông Á đón đầu xu thế, trang bị cho sinh viên nền tảng về thiết kế thời trang kỹ thuật số.

Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang ngày càng phát triển nhanh, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà và tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, ngày càng nhiều người trẻ có tính sáng tạo và thiên hướng nghệ thuật lựa chọn theo đuổi ngành học Thiết kế thời trang.

Sinh viên được học về công nghệ thời trang, kinh doanh thời trang

Tiến sĩ Trần Thủy Bình, Phó Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trưởng ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Đông Á chia sẻ, chương trình Thiết kế thời trang tại trường có thời gian đào tạo 4 năm, tương đương 8 học kỳ. Trung bình mỗi học kỳ có 16 tín chỉ.

1 TS Trần Thuỷ Bình (phải).png
Tiến sĩ Trần Thủy Bình (bên phải), Phó Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trưởng ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Đông Á. Ảnh: NVCC

Nội dung chương trình đào tạo được kết cấu thành 5 khối kiến thức cơ bản:

Thứ nhất là cơ sở chung khối ngành mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng, cung cấp kiến thức về thẩm mỹ, mỹ thuật, sáng tác và thiết kế nói chung.

Thứ hai là cơ sở ngành thiết kế thời trang, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về nguyên lý thiết kế thời trang, hình họa thời trang, nhận biết trang phục, vẽ tóc, vẽ người mẫu thời trang, thiết kế thời trang trên máy vi tính.

Thứ ba là công nghệ thời trang, sinh viên sẽ được học cách thể hiện được ý tưởng thiết kế thời trang trên mẫu thực như thiết kế rập, cắt, may sản phẩm mẫu.

Thứ tư là thiết kế thời trang, sinh viên sẽ được thực hành chuyên sâu về thiết kế, ví dụ như thiết kế trang phục trẻ em, trang phục công sở, trang phục dạ hội, trang phục trình diễn,...

Thứ năm là kinh doanh thời trang, sau khi sáng tác mẫu, sinh viên sẽ có khả năng triển khai sản xuất, tiếp thị các mẫu thiết kế và đưa sản phẩm mình làm ra đến tay người tiêu dùng.

sinh viên.png
Sinh viên ngành Thiết kế thời trang làm quen với dressform (cốt thiết kế) trong môn học Thiết kế trên Ma-nơ-canh. Ảnh: NTCC

Trong quá trình học, sinh viên còn được rèn luyện khả năng chủ động nghiên cứu, phát hiện xu hướng thời trang mới. Từ đó nâng cao trình độ để trở thành nhà thiết kế thời trang, định hướng và dẫn dắt nhu cầu may mặc trong xã hội.

Khoảng 50% thời gian của khoá học, sinh viên sẽ được học tập và trải nghiệm thực tế thông qua các bài học thực hành trên xưởng và thực tập tại doanh nghiệp, cùng với đó là tiếp cận thị trường bằng các sản phẩm thiết kế của mình.

Đặc biệt, ngành Thiết kế thời trang tại Trường Đại học Đông Á có một điểm rất riêng và đón đầu xu thế là trang bị cho sinh viên kiến thức về thiết kế thời trang kỹ thuật số.

Cô Bình nhận định, nhiều cơ sở đào tạo trước đây tập trung vào mô-đun thiết kế thời trang, tìm ý tưởng và thể hiện ra bản vẽ. Khi làm bản vẽ xong, sinh viên không thể tự dựng trang phục, mà thường đi thuê bên ngoài để may ra sản phẩm hoàn thiện, tức là mô-đun về công nghệ chưa thực sự được chú trọng.

Đa số các trường hiện nay đã nhận ra nhược điểm của mình và bắt đầu tập trung vào mô-đun về công nghệ thời trang, nhưng mô-đun về kinh doanh thời trang hầu như vẫn chưa được chú trọng tới.

Tại Trường Đại học Đông Á, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng cử nhân Thiết kế thời trang, nhưng cấu trúc của chương trình đào tạo bao gồm hai mô-đun khác rất quan trọng là công nghệ thời trang và kinh doanh thời trang.

Vì vậy, mặc dù học thiết kế thời trang, nhưng sinh viên sẽ có nhiều định hướng việc làm đa dạng. Nếu có năng khiếu về công nghệ, sinh viên có thể làm chủ doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và triển khai sản xuất những ý tưởng sáng tác của chính mình và nhà thiết kế khác.

Nếu sinh viên có năng khiếu về kinh doanh, sau khi ra trường, sinh viên có thể theo đuổi mảng kinh doanh. Ví dụ như thiết kế và phát triển sản phẩm thời trang, thiết kế mẫu vải kỹ thuật số, quản lý dòng sản phẩm thời trang, phân tích xu hướng, thu mua sản phẩm,…

Về thuận lợi trong công tác đào tạo ngành Thiết kế thời trang, cô Bình cho hay, lãnh đạo Trường Đại học Đông Á rất ủng hộ và quan tâm tới một ngành mới và mang màu sắc mỹ thuật, dù là ngành còn khá non trẻ của trường nhưng nhiều tiềm năng phát triển.

Về khó khăn, đội ngũ giảng viên của trường chưa thật sự phát triển lớn mạnh về số lượng. Do đặc thù của ngành, rất ít nhà thiết kế của Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành giảng viên và đứng lớp trên giảng đường.

Chính vì thế, Trường Đại học Đông Á phải mời nhiều giảng viên từ các trường đại học khác về thỉnh giảng, dẫn tới gặp một số khó khăn trong việc điều phối giảng viên.

Tuy nhiên, điều đó đồng thời cũng là thuận lợi cho sinh viên. Các em sẽ được học tập, trao đổi với nhiều giảng viên giỏi ở hai đầu đất nước.

Thiết kế thời trang có phải là nghề nhàn hạ?

Có nhiều quan điểm cho rằng thiết kế thời trang là một nghề xa hoa, chỉ dành cho những người thích “sống nhàn”. Bởi họ chỉ thấy những nhà thiết kế với ánh đèn sân khấu, thu nhập cao và sự nổi tiếng vây quanh mình.

Rất ít người biết rằng sau những bộ trang phục lộng lẫy, ý tưởng sáng tạo độc đáo và sự thán phục của đông đảo khán giả là rất nhiều nỗ lực bền bỉ, là đam mê, với biết bao công sức, mồ hôi, là lao động nghệ thuật thật sự.

5 sinh viên.png
Sinh viên ngành ngành Thiết kế thời trang thực hành môn Draping (Kỹ thuật dựng rập) dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Trần Thủy Bình và Nhà thiết kế Trịnh Khải. Ảnh: NTCC

Nhà thiết kế Trịnh Khải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trịnh Khải, doanh nghiệp đối tác của Trường Đại học Đông Á cho rằng, thiết kế thời trang là một công việc rất vất vả. Mặc dù danh xưng “nhà thiết kế” hấp dẫn và thu hút với nhiều người, nhưng thực tế học thời trang không đơn giản và không phải công việc “cưỡi ngựa xem hoa” như nhiều người lầm tưởng.

Nhà thiết kế thời trang phải chăm chỉ làm việc không kể ngày đêm và có trong mình đủ đam mê, nhiệt huyết thì mới có thể theo nghề. Khách hàng nào cũng muốn trang phục của mình đẹp nhất, độc đáo nhất và có chất lượng tốt nhất. Vì vậy, nhà thiết kế phải rèn luyện cho mình khả năng làm việc dưới sức ép công việc lớn, đáp ứng yêu cầu từ các đối tượng khách hàng khác nhau.

Nhà thiết kế Trịnh Khải cho biết, sinh viên không có khiếu về hội hoạ, mà bản thân có đam mê thì vẫn theo đuổi nghề thiết kế thời trang được. Dù có thể không phải một nhà thiết kế nổi tiếng, nhưng nếu giữ được đam mê, từng ngày cần mẫn, chăm chỉ như một chú ong, sinh viên vẫn có thể trở thành một nhà thiết kế giỏi, vững vàng về kỹ thuật và chuyên môn.

Để biến ý tưởng từ tranh vẽ ra ngoài, sinh viên luôn phải bám sát thực tế và thực hành liên tục. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trịnh Khải luôn tạo điều kiện cho sinh viên học nghề và trả thù lao xứng đáng. Doanh nghiệp này sẵn sàng nhận những bạn sinh viên mới ra trường hoặc chưa có nghề thuần thục để làm việc tại xưởng may.

Quanh năm xưởng may luôn trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư để sinh viên thực hành. Trong 1 tới 2 tháng đầu, đơn vị sẽ cho sinh viên thực hành may trang phục đơn giản. Trong vòng 3 tới 6 tháng tiếp theo, các bạn sinh viên sẽ có đủ tự tin để hoàn thiện mẫu sáng tác, trang trí và xử lý phụ kiện đồng bộ cho mẫu thiết kế.

Em Trần Thị Kim Anh, sinh viên khóa 23, ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Đông Á chia sẻ, em lựa chọn ngành Thiết kế thời trang vì từ nhỏ đã có năng khiếu hội hoạ, và thấy các các môn học trong ngành phù hợp với khả năng của mình.

Trong quá trình học, Kim Anh đã được tìm hiểu kiến thức căn bản về lịch sử thời trang, màu sắc, học được các kỹ thuật chọn chất liệu, cắt đo vải cơ bản và thực hành may một số trang phục đơn giản như áo sơ mi, chân váy dài, quần suông rộng,…

3 SV Kim Anh.png
Em Trần Thị Kim Anh, sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Đông Á. Ảnh: NVCC

Kim Anh chia sẻ rằng em luôn phải chăm chỉ, thúc ép bản thân cố gắng để có thể hoàn thành các môn học. Có thể nhiều người nghĩ học nghệ thuật sẽ nhàn, chỉ cần tùy tiện thiết kế, sáng tạo ra một nội dung mới lạ, không trùng lặp là được. Nhưng em cảm nhận nó vất vả, khó khăn hơn so với tưởng tượng rất nhiều.

Hiện tại, Kim Anh đang thực tập tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trịnh Khải. Ban đầu, em tự nhận thấy rằng kỹ năng may của mình còn khá yếu. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của Nhà thiết kế Trịnh Khải, Tiến sĩ Trần Thuỷ Bình và các thầy cô khác, Kim Anh đã dần cải thiện kỹ năng may, ráp trang phục, được tham gia vào quy trình làm việc chuyên nghiệp và dần nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân.

“Thầy cô tận tình và đầy nhiệt huyết, luôn sẵn sàng là người truyền cảm hứng cho sinh viên chúng em. Các tiết học của cô Bình, sự hướng dẫn của thầy Khải luôn chất lượng bởi thầy cô không dạy kiến thức suông mà còn những chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn đúc kết trong quãng thời gian đi làm.” – Kim Anh cho biết.

Thiết kế thời trang là ngành không bao giờ lỗi thời

Theo Nhà thiết kế Trịnh Khải, đời sống của con người ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhu cầu của con người cũng ngày một phát triển hơn. Vì vậy, nghề thiết kế thời trang sẽ không bao giờ lỗi thời, và Trường Đại học Đông Á rất “hợp thời” khi lựa chọn phát triển ngành học này.

Nghề thiết kế thời trang là một thế giới luôn sáng tạo không ngừng với việc ra đời của những xu hướng, mẫu mã thiết kế mới mẻ, độc đáo. Có thể hôm nay, khách hàng vừa mua một bộ đồ mới chưa kịp mặc, nhưng sang ngày hôm sau, thiết kế đó đã trở nên lỗi thời. Vì vậy, bản thân nhà thiết kế phải liên tục cập nhật, đổi mới và sáng tạo không ngừng.

Ngành Thiết kế thời trang đòi hỏi nhiều tố chất của sinh viên. Thứ nhất, tâm hồn phải lãng mạn. Đó là nền tảng và một trong những tố chất hàng đầu của nhà thiết kế. Không có sự lãng mạn, sinh viên sẽ khó chạm đến sáng tạo nghệ thuật để tìm thấy niềm đam mê đích thực và bền bỉ đi trên con đường thiết kế thời trang.

Thứ hai, tính sáng tạo và năng khiếu nghệ thuật. Với tính chất nghề nghiệp đặc thù, ngành Thiết kế thời trang đòi hỏi khả năng tạo hình và óc thẩm mỹ, từ đó biến các ý tưởng ở trên bản vẽ thành sản phẩm hoàn thiện, tạo sự thoải mái, tự tin cho khách hàng.

Tuy nhiên, đòi hỏi lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là đam mê của sinh viên. Thiết kế thời trang là ngành công nghiệp có nhiều cạnh tranh và áp lực công việc. Chính vì thế, yếu tố cốt lõi giúp nhà thiết kế vượt qua áp lực trong công việc, đạt được mục tiêu là lòng đam mê, tình yêu chân chính đối với nghề.

Về thu nhập trong ngành Thiết kế thời trang, Nhà thiết kế Trịnh Khải nhận định, nếu có trình độ và được đào tạo bài bản, sinh viên mới ra trường sẽ có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Sau thời gian ngắn làm việc và đã có kinh nghiệm, nếu có năng lực tốt, thu nhập sẽ tăng dần. Tại các thành phố lớn, tiềm năng và cơ hội phát triển nghề rất cao cùng mức thu nhập hấp dẫn tùy vào từng vị trí việc làm.

Theo Tiến sĩ Trần Thuỷ Bình, chương trình đào tạo của Trường Đại học Đông Á mở ra rất nhiều hướng công việc, nên khả năng tìm việc sau khi ra trường của sinh viên là rất lớn.

Sinh viên sau khi ra trường có thể làm nhà thiết kế độc lập, cụ thể là sáng tác mẫu theo đơn hàng của những tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp ý tưởng.

Nếu có đầu óc kinh doanh và khả năng thiết kế, sinh viên có thể làm nhà thiết kế và kinh doanh thời trang độc lập, với công việc tự sáng tác thiết kế, tổ chức cắt may và tiêu thụ sản phẩm.

Nếu có tư duy sáng tạo và khả năng giao tiếp tốt, sinh viên có thể làm stylist tư vấn cho các chính khách, người nổi tiếng, nghệ sĩ để xây dựng hình ảnh cá nhân, hoặc giám đốc về trang phục cho các chương trình gameshow, phim ảnh.

Ngoài ra, sinh viên có thể làm trong các công ty kinh doanh hàng may mặc, thời trang trong nước và quốc tế. Thậm chí là nhà báo, phóng viên chuyên sản xuất các tin bài trong lĩnh vực thời trang.

Bích Ngọc