Không có năng khiếu vẽ có nên theo học ngành Thiết kế nội thất?

02/06/2024 06:27
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nhà thiết kế nội thất không cần vẽ đẹp như họa sĩ, nhưng cần kỹ năng vẽ cơ bản để diễn đạt được ý tưởng, dùng kỹ năng vẽ để trao đổi và làm việc với khách hàng.

Thiết kế nội thất là ngành học kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật, dựa trên sự phối kết hợp hài hòa giữa ánh sáng, màu sắc, vật liệu trang trí để tạo nên những không gian sống đẹp và có tính ứng dụng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, Thiết kế nội thất đã và đang trở thành ngành học có sức hút, mang lại công việc thú vị và thu nhập cao cho những người đam mê sáng tạo.

Học thiết kế nội thất vất vả hơn thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hồ Xuân Phi, Phó Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc, Trường Đại học Hoà Bình chia sẻ, nhiều người nghĩ thiết kế nội thất là một công việc rất khô khan và liên quan đến kỹ thuật. Thực tế cho thấy, thiết kế nội thất đòi hỏi về sự sáng tạo, tính nghệ thuật và sự tương tác qua lại rất nhiều.

2 TS Phi.jpeg
Thạc sĩ Hồ Xuân Phi, Phó Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc, Trường Đại học Hoà Bình. Ảnh: NVCC

Người học cần có kiến thức đầy đủ về không gian, vật liệu, màu sắc và ánh sáng, thậm chí là đa dạng phong thủy, nắm rõ tất cả quy luật về cân bằng và sự tương xứng trong không gian thiết kế.

Ngoài ra, người học còn phải am hiểu về phong cách, kỹ thuật và những yếu tố liên tục thay đổi, nâng cấp theo từng thời kỳ. Bởi nội thất cần thiết kế sao cho cân bằng và hài hoà nhưng cần đạt công năng, độ bền và thoải mái nhất cho không gian.

Ngành Thiết kế nội thất nhìn chung sẽ vất vả hơn so với ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang về khối lượng, yêu cầu công việc, nhất là với những người mới bắt đầu. Khi thiết kế nội thất, đòi hỏi người học phải thể hiện một phần cá tính, định hình được phong cách của mình và kết hợp với các nguyên lý, nguyên tắc trong thiết kế.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, môi trường làm việc của ngành Thiết kế nội thất đòi hỏi sinh viên phải trau dồi đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ làm việc.

1 TS Võ Văn Tuấn.jpeg
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: NVCC

Người thiết kế không làm việc một mình mà có sự phối hợp với các bộ phận khác. Do đó, sinh viên phải khiêm tốn, học hỏi, tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Ngoài ra, kỹ năng thể hiện bản vẽ thiết kế rất quan trọng, cùng với đó là kỹ năng mềm như thuyết minh dự án, thuyết phục khách hàng.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Thị Minh Bắc, Trưởng Bộ môn ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thông tin, hiện nay, ngày càng có nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo các khóa ngắn hạn đào tạo ngành này. Điều đó cho thấy, sự cạnh tranh của ngành này vô cùng lớn trong xã hội hiện nay, đòi hỏi sinh viên phải có nhiều tố chất.

Thứ nhất, theo học ngành Thiết kế nội thất đòi hỏi người học phải yêu thích sáng tạo, yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, và có hứng thú với việc làm cho không gian sống trở nên tốt hơn.

Thứ hai là người học cần có khả năng giải quyết vấn đề. Bởi thiết kế nội thất đặt ra một chuỗi các vấn đề và nhà thiết kế nội thất cần đưa ra các cái giải pháp làm cho cuộc sống trở nên hài hoà hơn.

Thứ ba là khả năng làm việc nhóm. Một công trình thiết kế nội thất không đơn giản như việc vẽ một bức tranh, mà có rất nhiều giai đoạn và công đoạn. Trong mỗi công đoạn, người thiết kế phải làm việc với nhiều người cộng tác, từ bản vẽ cho tới triển khai, ngoài ra còn làm việc với các nhà thầu về kính, nhôm, sàn,… Nếu người thiết kế không cảm có kỹ năng làm việc nhóm thì sẽ gặp khá nhiều khó khăn.

Chú trọng đào tạo kỹ năng và trải nghiệm thực tế

Thạc sĩ Lê Thị Minh Bắc chia sẻ, nhiều thí sinh có ý định học nghề thiết kế nội thất mà còn e ngại với việc mình không có khả năng vẽ. Thực tế cho thấy, nhà thiết kế nội thất không cần phải vẽ đẹp như các họa sĩ, nhưng cần có kỹ năng vẽ cơ bản để diễn đạt ra những ý tưởng trong đầu mình, dùng kỹ năng vẽ để trao đổi và làm việc với khách hàng.

4 SV nguyen tat thanh.jpeg
Sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết, mà đào tạo theo thiên hướng thực hành. Vì vậy, các thí sinh không nên quá lo lắng về việc không có nền tảng mỹ thuật ngay từ đầu, trường sẽ đào tạo sinh viên theo đúng năng lực chuẩn đầu ra.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết, tại Trường Đại học Văn Lang, sinh viên được trải nghiệm nhiều sự kiện để bổ trợ kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ví dụ như các sự kiện cho sinh viên học hỏi kỹ năng mềm, workshop học thuật chuyên môn, hội thảo nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Chính những trải nghiệm này đã thúc đẩy sinh viên đam mê học tập, yêu nghề, yêu trường hơn. Sinh viên có cơ hội phát triển năng lực bản thân, được tiếp cận các doanh nghiệp, người giỏi nghề, nhà tuyển dụng nên định hướng đúng được công việc, nghề nghiệp.

5 SV Văn Lang.jpeg
Sinh viên ngành Thiết kế nội thất Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: NTCC

Thầy Tuấn chia sẻ thêm, ngành Thiết kế nội thất tại Trường Đại học Văn Lang có nhiều thuận lợi và cũng gặp không ít khó khăn nhất định trong công tác đào tạo.

Nhà trường trang bị xưởng nội thất hiện đại ngay trong khuôn viên trường, giúp sinh viên có cơ hội thực hành thi công sản phẩm thực tế. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho sinh viên kiến tập tại các doanh nghiệp, showroom, tổ chức trưng bày triển lãm đồ án xuất sắc và nhận được khen thưởng từ doanh nghiệp đã tạo động lực lớn cho sinh viên học tập và sáng tạo.

Tuy nhiên, với nhu cầu học tập cao của sinh viên, công tác quản lý và vận hành chuyên môn đôi khi gặp khó khăn, nhất là khi thực hiện chương trình học thực tế tại địa phương hoặc tham quan trực tiếp tại các doanh nghiệp, showroom. Các địa phương, các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên không đủ không gian tập trung hết toàn khóa, do đó nhà trường sẽ phải tổ chức thành nhiều đợt khác nhau.

Cũng chia sẻ về thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo ngành này, Thạc sĩ Hồ Xuân Phi cho biết, tại Trường Đại học Hoà Bình, cơ sở vật chất của khoa đều được trang bị đầy đủ để phục vụ giảng dạy, học tập. Đội ngũ giảng viên trong khoa đều là tiến sĩ, thạc sĩ có năng lực chuyên môn cao.

6 SV ĐH Hoà Bình.png
Sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Đại học Hoà Bình. Ảnh: NTCC

Nhiều thầy cô công tác tại các trường có thương hiệu lớn như Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tham gia thỉnh giảng, trao đổi với sinh viên về kỹ năng nghề nghiệp thực tế.

Ngoài ra, khoa còn liên kết với tất cả các doanh nghiệp liên quan về vật liệu, chất liệu, ánh sáng để phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, cung cấp cho xã hội những nhà thiết kế có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Về khó khăn trong đào tạo, sinh viên vẫn phải liên tục cập nhật, tiếp cận về công nghệ mới. Trường hợp sinh viên mới bắt đầu chưa vẽ mỹ thuật được, thầy cô sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn trong việc bổ sung cho kiến thức cho các bạn.

Cơ hội việc làm rộng mở nhưng cũng nhiều thách thức

Thạc sĩ Lê Thị Minh Bắc thông tin, nhiều thầy cô giảng viên của khoa đến từ các doanh nghiệp nên 100% sinh viên ngành Thiết kế nội thất có việc đúng với ngành khi ra trường, với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng/ tháng.

Còn theo chia sẻ của thầy Tuấn, thu nhập của sinh viên mới tốt nghiệp ngành này cũng đảm bảo nhu cầu cuộc sống, tuy nhiên tùy thuộc lớn vào năng lực của từng người. Có những cựu sinh viên ra trường làm việc 5 năm trở lên đã trở thành quản lý của các công ty, doanh nghiệp với mức lương rất cao.

Dựa vào số liệu khảo sát (báo cáo năm học 2022-2023) của Trường Đại học Văn Lang, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm đạt trung bình trên 95%. Trong đó, một số sinh viên chọn hướng đi khác để phát triển bản thân như khởi nghiệp hoặc tiếp tục học lên cao học.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, đảm nhận công việc như thiết kế nội thất công trình, đồ đạc nội thất, khai triển hồ sơ kỹ thuật, tư vấn thiết kế, tham gia dự án thiết kế,…

Sau một thời gian, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như trường phòng thiết kế, giám đốc thiết kế, quản lý dự án thiết kế nội thất. Ngoài ra, sinh viên còn có thể thực hiện thiết kế các sự kiện, phim trường, tư vấn và bán hàng tại các siêu thị nội thất, thiết kế thực tế ảo (AR/VR),…

Là cựu sinh viên ngành Thiết kế nội thất khóa 1, Khoa Mỹ thuật công nghiệp và Kiến trúc, Trường Đại học Hoà Bình, Kiến trúc sư Đặng Văn Việt hiện đã trở thành CEO (nhà sáng lập) Công ty nội thất Trách nhiệm hữu hạn Việt Á Đông.

3 KTS Đặng Việt.jpeg
Kiến trúc sư Đặng Văn Việt, CEO (nhà sáng lập) Công ty nội thất Trách nhiệm hữu hạn Việt Á Đông. Ảnh: NVCC

Anh Việt chia sẻ, nhu cầu nhân lực ngành thiết kế nội thất hiện nay trong các đơn vị doanh nghiệp rất lớn, nên sinh viên có nhiều cơ hội việc làm và phát triển bản thân. Tuy nhiên, không giống như trong trường học, công việc thực tế đòi hỏi kinh nghiệm của sinh viên ở mức rất cao.

Trong trường, sinh viên chỉ học kiến thức và thực hành cơ bản, còn khi bước vào thị trường lao động, sinh viên phải có khả năng sáng tạo, gu thẩm mỹ, tư duy hình khối, màu sắc tốt, khả năng quan sát, tư duy về mặt cấu tạo và giải pháp thi công thực tế. Điều này không thể tích lũy trong thời gian ngắn được.

Trong lĩnh vực kiến trúc, nội thất có rất nhiều sinh viên khi ra trường một thời gian thấy chán nản, bỏ nghề vì không có đam mê và sự kiên trì. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là sinh viên phải luôn giữ được lửa với nghề, sự sáng tạo, kỹ năng các phần mềm máy tính tốt. Khi đáp ứng được các yêu cầu đó, chắc chắn sinh viên sẽ có công việc ổn định khi ra trường.

Anh Phan Hữu Hoàng, cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện đang làm việc tại đơn vị thiết kế Rustism Interior chia sẻ, điểm khác nhau giữa thực tế và trường học nằm ở sự sáng tạo và đa dạng về thể loại, quy mô công trình.

Đồ án ở trường thực hành nhiều thể loại kiến trúc nội thất như nhà hàng, khách sạn, nhà ở,… quy mô lớn. Phần ý tưởng được đặt lên hàng đầu, không quá đi sâu vào chi tiết. Trong khi với công việc thực tế, sinh viên không có nhiều cơ hội làm ở những quy mô công trình lớn, và phải nắm rõ cấu tạo thực tế của các chi tiết nội thất, phương pháp thi công để thực tế hóa ý tưởng của mình.

Khó khăn lớn nhất trong công việc của sinh viên ngành Thiết kế nội thất là việc thiếu kinh nghiệm thực tế, khó làm quen với quy trình làm việc tại công ty và chọn được công ty phù hợp với định hướng của mình.

“Sinh viên sắp ra trường cần trang bị cho mình một khối lượng kiến thức qua đồ án, môn học bổ trợ, những kỹ năng phần mềm chuyên ngành một cách chuyên sâu nhất, và đặc biệt là một tư duy mở để học hỏi những kiến thức từ thế hệ đi trước", anh Hoàng đưa ra lời khuyên.

Bích Ngọc