Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, quy định mới về dạy thêm, học thêm, thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực từ 14/2.
Quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường nêu rõ hoạt động dạy thêm trong nhà trường không thu tiền và có 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường gồm: “Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
![Ảnh minh họa gdvn-day-them-5068 (1).png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/aslyefjpeag/2025_02_04/gdvn-day-them-5068-1-7933-2827.png)
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT hướng tới quyền lợi của người học
Với quy định, dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh là một điểm mới, hướng tới quyền lợi của người học so với Thông tư dạy thêm, học thêm cũ trước đây.
Điều này đã làm nức lòng biết bao phụ huynh đang có con ở độ tuổi đi học, đặc biệt là những học sinh cuối cấp.
Ở một số địa phương, học sinh lớp 9, lớp 12 ôn thi vượt cấp và thi tốt nghiệp phổ thông mỗi tháng đang phải bỏ ra khoảng vài trăm ngàn đồng để học thêm trong nhà trường. Theo quy định mới này, học sinh sẽ không phải đóng số tiền ấy.
Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Nhà trường cũng đang trăn trở không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả cho giáo viên tham gia dạy thêm học sinh cuối cấp".
Nói rồi, vị hiệu trưởng chia sẻ, đầu năm nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 cả 3 môn. Học phí mỗi môn là 200 ngàn đồng/tháng, 3 môn thu 600 ngàn đồng/tháng.
Nhiều phụ huynh đã nộp đủ tiền cho một năm ôn tập. Nhà trường cũng đã tính toán số tiết giáo viên đã và sẽ dạy. Nay, trường chắc phải trả lại tiền cho học sinh.
Thầy Huy Tuấn, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông cũng chia sẻ: "Giờ không biết tính sao cho vẹn cả đôi đường. Mong muốn học sinh lớp 12 sẽ được ôn tập mà thầy cô giảng dạy cũng nhận được bồi dưỡng.
Mình có thể động viên các thầy cô giáo dạy hỗ trợ cho học sinh nhưng chỉ thời gian ngắn, dạy lâu dài cũng khó, họ chỉ ủng hộ phần nào, bởi ai cũng có gia đình với biết bao nỗi lo toan. Dạy ủng hộ thì chất lượng tiết dạy cũng khó đạt kết quả cao".
Theo Thông tư số 29 “Dạy thêm, học thêm” được hiểu là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục.
Trong các trường học hiện nay, đa số giáo viên đều được phân công giảng dạy đủ số tiết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.
Giáo viên đảm bảo dạy đủ số tiết dạy định mức trong tuần là đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì thế, nếu nhà trường phân công dạy thêm đối với một trong 3 đối tượng (học sinh yếu kém, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp) chính là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định.
Không thu tiền từ phụ huynh, trường không có tiền trả, hiệu trưởng liệu có dễ để phân công giáo viên?
Thầy Huy Tuấn, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông cũng cho rằng: "Giáo viên đã dạy đủ tiêu chuẩn, dù là hiệu trưởng mình cũng không có quyền điều động giáo viên làm ngoài định mức được. Hiệu trưởng chỉ có quyền động viên, khuyến khích, nếu giáo viên không đồng thuận cũng không thể trách họ được".
Theo người viết tìm hiểu, trong khi chờ đợi chỉ đạo, hướng dẫn từ các cấp về nguồn kinh phí, nhiều nhà trường đã vận động giáo viên giảng dạy như bình thường để đảm bảo chất lượng ôn tập cho học sinh cuối cấp.
Tại khoản 1, điều 7 Thông tư 29 quy định: Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật
Theo người viết hiểu rằng, nhà trường không được thu tiền 3 đối tượng được phép tổ chức dạy thêm trong nhà trường đã nêu phần trên không có nghĩa là giáo viên phải dạy miễn phí. Kinh phí được trả cho những thầy cô này sẽ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, ở các trường công lập, ngoài tiền lương được sử dụng từ nguồn ngân sách chi trả thì có những khoản tiền được chi trả từ nguồn ngân sách như dạy thay cho giáo viên nghỉ hộ sản, giáo viên nghỉ bệnh hưởng chế độ bảo hiểm, dạy tăng tiết do nhà trường thiếu giáo viên…được quy định tại Thông tư số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập.
Hy vọng, sẽ sớm có hướng dẫn để cơ sở giáo dục có thể tính tiết dạy thêm cho 3 đối tượng trên được trả lương dạy thêm giờ cho nhà giáo. Nếu vậy, việc nhà trường và giáo viên trăn trở xung quanh quy định mới dạy thêm, học thêm sẽ được giải quyết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.