Nên hay không nên có một bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT biên soạn?

22/08/2023 06:44
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thách thức lớn nhất đến nay vẫn là chưa làm thông suốt cho toàn xã hội những vấn đề căn bản và toàn diện của công cuộc đổi mới.

Ngày 14/08/2023, tại phiên họp giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát, cho rằng cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

"Nếu Chính phủ thấy Nghị quyết 88 không phù hợp thì báo cáo Quốc hội, nêu rõ lý do tại sao không biên soạn một bộ sách giáo khoa và lý do bây giờ không biên soạn bộ sách giáo khoa của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong bài viết này cùng nhìn lại việc biên soạn sách giáo khoa từ quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo:

Từ năm 2013, Hội nghị Trung ương 8, Khoá XI sau khi đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII cũng như các chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW.

Nghị quyết này được nhiều người thuộc từng chữ, đó là Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.”

Để thực hiện các quan điểm và mục tiêu, Nghị quyết cũng xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có đề cập “biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học…”

Để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 09 tháng 06 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động, với chính sách “Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc”.

Tại kỳ họp thứ 8, khóa XIII ngày 28 tháng 11 năm 2014, sau khi xem xét Tờ trình số 335/TTr-CP ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về ”Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục dục phổ thông".

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngày 21 tháng 11 năm 2017, tại kỳ họp thứ 4, khóa XIV sau khi xem xét việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14, điều chỉnh lộ trình triển khai.

Vừa rồi, ngày 14/08/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 25 thực hiện giám sát chuyên đề đối với 2 Nghị quyết trên và tại đó, vấn đề biên soạn sách giáo khoa đã được đặt ra, việc có nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ bằng ngân sách nhà nước hay không, đã trở thành chủ đề tạo ra 2 luồng ý kiến.

Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn

Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn

Tại sao lại có 2 luồng ý kiến?

Nghị quyết số 88/2014/QH13 khẳng định:

“Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Thực tế, Nghị quyết 88 đã được thực hiện và lộ trình đã được theo Nghị quyết 51/2017/QH14. Các bộ sách giáo khoa đã được biên soạn và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Các địa phương đã triển khai lựa chọn và đưa vào sử dụng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, thực tế vẫn còn nhiều chỗ chưa được suôn sẻ; còn nhiều việc cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã ghi nhận những điểm tích cực căn bản và cũng chỉ ra những vấn đề còn bất cập.

Vấn đề “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” theo Nghị quyết 88/2014/QH13 được nêu ra. Tuy nhiên, vấn đề này người viết cho rằng cần xem xét cẩn trọng hơn, khách quan hơn vì những lý do sau:

Thứ nhất, tại kỳ họp thứ 9, khóa XIV, ngày 19 tháng 6 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 122/2020/QH14 trong đó có đề cập đến “Tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.”.

Vấn đề ở đây là hiện nay việc biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, đã được thực hiện, được thẩm định, phê duyệt… nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị không triển khai biên soạn 1 bộ sách giáo khoa riêng nữa là hợp lí.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội được thông qua là căn cứ trên Tờ trình số 335/TTr-CP ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ cũng là do Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu “tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” nhưng tại sao không chủ động thực hiện và nay lại đề nghị không thực hiện? Điều này, cần hiểu đúng bản chất của vấn đề.

Đó là, việc đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc làm hoàn toàn mới; việc “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông” là lần đầu và không có tính bắt buộc.

Do vậy, trong trường hợp các tổ chức, cá nhân trong xã hội chưa chủ động biên soạn sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm biên soạn, “để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới” trong giai đoạn đầu.

Còn về lâu dài, vẫn phải huy động trí tuệ của xã hội, đảm bảo khách quan, công bằng và phù hợp với xu thế chung.

Cần làm gì để đổi mới đúng hướng và chất lượng?

Trước hết cần khẳng định rằng, không có sự thay đổi lớn nào mà không có những bất cập phát sinh. Trước những vấn đề phát sinh cần bình tĩnh để giải quyết một cách bài bản, trên tinh thần tiếp thu, cầu thị… nhưng cốt là vẫn phải kiên định mục tiêu.

Đối với vấn đề sách giáo khoa hiện nay, điều đáng mừng là xã hội vẫn còn phần đông quan tâm và tâm huyết với giáo dục và đào tạo.

Khi chủ trương “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông” đã có nhiều người tích cực tham gia và thực hiện có trách nhiệm. Đó là tín hiệu mừng.

Đương nhiên, ban đầu cũng chưa thể nào đáp ứng đầy đủ như kì vọng của xã hội, nhưng từng bước tiếp thu, hoàn thiện dần…

Nhận thức về chương trình, sách giáo khoa trong bối cảnh mới cũng ngày càng rõ ràng hơn. Có lẽ cũng nhờ qua nhiều lần tranh luận công khai, trách nhiệm!

Điều cũng đáng mừng là phần nhiều đã hiểu rõ sách giáo khoa không còn là “công cụ” duy nhất để thầy và trò tương tác qua từng tiết học.

Giờ đây chỉ còn 1-2 năm học nữa là chuyển đổi toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sang 2018, các bộ sách giáo khoa cũng đã được thẩm định và sử dụng, những lớp còn lại cũng đã được tiến hành triển khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục tiếp thu và cải tiến cách làm, để ngày càng chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm.

Để dừng hẳn việc phải “tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần báo cáo đánh giá, phân tích để giải trình với Quốc hội.

Quốc hội duy trì giám sát thường xuyên việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật cũng như triển khai công cuộc đổi mới để giáo dục và đào tạo ngày càng tốt hơn, nhưng những vấn đề thuộc về chuyên môn của ngành Giáo dục cũng rất cần tôn trọng!

Việc cần làm bây giờ là tập trung hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân cũng như các địa phương thực hiện biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo đúng quan điểm, mục tiêu, chất lượng, khách quan, công bằng, minh bạch... Đây là việc làm lâu dài, kiên trì bền bỉ và không ngừng cải tiến để ngày càng hoàn thiện…

Tóm lại, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện, đến nay giáo dục và đào tạo cơ bản đã có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất đến nay vẫn là chưa làm thông suốt cho toàn xã hội những vấn đề căn bản và toàn diện của công cuộc đổi mới.

Đặc biệt là có rất nhiều việc làm tốt, làm đúng nhưng vẫn chưa được thấu hiểu và lan toả; trong khi những hiện tượng tiêu cực dù nhỏ vẫn luôn được soi chiếu quá mức cần thiết trên các diễn đàn.

Xã hội rất cần kiên quyết loại bỏ tiêu cực trong giáo dục. Nhưng với bản chất giáo dục, việc nêu gương, phát huy những điều hay, lẽ phải vẫn là căn bản.

Chúng ta cần phải “gạn đục” nhưng cũng rất cần “khơi trong” để xã hội và ngành giáo dục của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hướng Sáng