Một số GV trẻ mới tốt nghiệp chưa có nhiều khả năng ứng dụng STEM vào giảng dạy

17/05/2023 06:46
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Giáo dục STEM giúp triển khai mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cao hơn là nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học sinh”, Trưởng phòng nói.

Theo một số chuyên gia giáo dục, ứng dụng STEM trong dạy học cũng là giải pháp triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hay nói cách khác, việc phát triển giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tất yếu vì mục tiêu của STEM cũng nhằm xây dựng phẩm chất năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông đang hướng tới.

Tuy nhiên, những hạn chế về trình độ đội ngũ giảng dạy, thiếu cơ sở vật chất khiến giáo dục STEM còn nhiều vướng mắc.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình - Hà Nội) tham gia Ngày hội STEM do trường tổ chức. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình).

Học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình - Hà Nội) tham gia Ngày hội STEM do trường tổ chức. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chiến lược đưa giáo dục STEM vào dạy học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Lê Đức Thuận – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ứng dụng STEM là một trong những giải pháp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi, chương trình giáo dục phổ thông mới có tính liên môn như: môn Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, giúp học sinh vận dụng giải quyết vấn đề.

“Giáo dục STEM có thể áp dụng vào bài giảng, hoạt động trải nghiệm và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Giáo dục STEM sẽ giúp học sinh biết cách tự mình sáng tạo ra sản phẩm yêu thích, từ đó đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển năng lực người học của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cao hơn là nghiên cứu khoa học trong học sinh”, ông Lê Đức Thuận nói.

Bàn về lợi ích khi đưa giáo dục STEM vào các cuộc thi nghiên cứu khoa học ở một số trường học trên địa bàn quận thời gian qua, theo ông Thuận, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu các môn STEM nói riêng và các môn học trong nhà trường nói chung. Cuộc thi cũng nhằm phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu để tham gia các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia và quốc tế về STEM, rèn kỹ năng thuyết trình, ứng dụng công nghệ thông tin.

Đơn cử, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình – Hà Nội) là một trong những đơn vị tiêu biểu đạt được nhiều thành tích cao, ấn tượng về giáo dục STEM. Từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, hướng dẫn quán triệt giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, định hướng lý thuyết đi đôi với thực hành. Từ đó, tạo ra tác động tích cực, làm chuyển biến công tác dạy học, giúp học sinh thực hành, trải nghiệm, học tập gắn với cuộc sống thực tế.

Những sản phẩm sáng tạo của học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ tại Ngày hội STEM do nhà trường tổ chức. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình).

Những sản phẩm sáng tạo của học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ tại Ngày hội STEM do nhà trường tổ chức. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình).

Cô Tô Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ cho biết, tổ chức hoạt động trải nghiệm ứng dụng STEM không đơn thuần như chỉ làm bài Toán hay các môn Khoa học tự nhiên khác. Giáo dục STEM khuyến khích tư duy sáng tạo và phản biện, giúp học sinh học hỏi thông qua giao tiếp, trình bày ý kiến.

“Nhà trường xác định STEM là một trong các hoạt động giáo dục trọng tâm, là mảnh đất màu mỡ để học sinh thỏa sức sáng tạo, trải nghiệm, phát triển kỹ năng thông qua các bài học, hoạt động, cuộc thi nghiên cứu khoa học”, cô Yến chia sẻ.

Cũng theo cô Yến, nhà trường xây dựng 26 chủ đề theo dự án ở từng môn học khác nhau, 108 bài học được các tổ, nhóm đưa vào triển khai. Đồng thời, xây dựng 36 chương trình hoạt động học tập trải nghiệm, chú trọng áp dụng tại 22 câu lạc bộ học sinh của khối 6,7 và 8.

Bên cạnh những ưu điểm, giáo dục STEM ở một số đơn vị trường học cho thấy còn một số bất cập, vướng mắc.

Bàn về vấn đề này, ông Thuận cho biết, giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông được manh nha đưa vào từ năm 2006 nhưng đến nay, việc xây dựng kế hoạch bài dạy liên quan đến STEM ở một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao.

Số lượng chủ đề bài học về STEM còn ít trong phân phối chương trình các môn, hoạt động giáo dục, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đầy đủ, khai thác thiết bị hiện có, tài nguyên trong trường học chưa đạt hiệu quả. Việc kiểm tra, đánh giá và thi cử cần tương thích với những tư tưởng cơ bản của giáo dục STEM.

“Thực tế hiện nay, số lượng giáo viên có khả năng tổ chức đưa giáo dục STEM vào dạy học còn ít dẫn tới mức độ hiệu quả hướng đến mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đạt như kỳ vọng”, ông Thuận chia sẻ khó khăn.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường, điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác, ứng dụng giáo dục STEM. Hơn nữa, một số giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học chưa có nhiều khả năng ứng dụng STEM vào giảng dạy. Do đó, để giáo dục STEM thuận lợi trong trường học trên địa bàn quận, ông Thuận kiến nghị:

Một là, các cơ sở giáo dục cần quan tâm xây dựng chương trình học tăng tính thực hành ứng dụng STEM với nhiều cấp độ khác nhau.

Để làm được điều này, cần thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, khơi gợi ý tưởng cho học sinh, xây dựng kế hoạch giáo dục rõ chủ đề STEM.

Lưu ý, nội dung STEM phải bám sát chương trình môn học để học sinh chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu, từ đó tạo hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn.

Hai là, cần có nguồn đầu tư của nhà nước cho giáo dục STEM: về cơ sở vật chất hiện đại; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích giáo viên, học sinh tích cực tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo.

Ba là, các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ, khả năng ứng dụng STEM vào giảng dạy.

Ngọc Mai