Một số giải pháp giúp kiểm tra giữa học kì 2 nhẹ nhàng, bớt áp lực, căng thẳng

25/02/2024 06:44
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các nhà trường phổ thông cần đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá học sinh để tổ chức kiểm tra giữa học kì sao cho nhẹ nhàng, hiệu quả.

Vào khoảng nửa sau tháng 3 hàng năm là các nhà trường phổ thông tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học học kỳ 2 của năm học.

Mặc dù chỉ là kì kiểm tra định kì (hệ số 2) nhưng học sinh, đặc biệt là các em lớp 9, 12 vẫn rất căng thẳng, áp lực không khác gì kỳ thi tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Người viết - là giáo viên trung học phổ thông - xin nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các nhà trường phổ thông tổ chức kiểm tra giữa học kì 2 nhẹ nhàng, hiệu quả theo đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

kiem_tra_hki.jpg
Tổ chức kiểm tra học kỳ nên tổ chức nhẹ nhàng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Vì sao kỳ kiểm tra định kỳ trở nên nặng nề, áp lực?

Thứ nhất, không ít giáo viên, học sinh và phụ huynh nhầm lẫn kì kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) của học sinh phổ thông hiện nay thường là kì thi. Điều này khiến kỳ kiểm tra định kỳ càng trở nên nặng nề, áp lực.

Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018) thì chỉ có kiểm tra thường xuyên (lấy điểm hệ số 1) và kiểm tra định kì (giữa học kì lấy điểm hệ số 2 và cuối học kì lấy hệ số 3).

Thứ hai, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định điều kiện để đạt danh hiệu "Học sinh xuất sắc", "Học sinh Giỏi" khó hơn Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, "khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên".

"Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt".

Trong khi đó nhiều phụ huynh muốn con em đạt điểm giỏi để tự hào, còn nhà trường thì mắc "bệnh thành tích" dẫn đến học sinh căng thẳng trong kì kiểm tra đánh giá.

Thứ ba, ở nhiều tỉnh, thành, nhất là các thành phố lớn, có thực trạng học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 khó hơn cả thi đại học.

Bởi dân cư đông, số lượng học sinh trung học cơ sở lớn nhưng số lượng trường trung học phổ thông công lập thì ít. Cùng với đó, học sinh từ lớp 9 lên lớp 10 được phân luồng bằng điểm thi.

Tương tự, nhiều trường đại học xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông, học sinh muốn lấy điểm cao ở kì kiểm tra định kì thì phải ra sức học ngày học đêm.

Cần đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá học sinh

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kì học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông như sau (trích):

"Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập".

"Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút".

Theo ghi nhận của người viết, vẫn còn nhiều trường phổ thông tổ chức kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính mà chưa chú trọng đến bài thực hành, dự án học tập.

Vẫn tồn tại trường học thiếu phòng thực hành, thí nghiệm dẫn đến học sinh vẫn phải học "chay" và kiểm tra thuần về lí thuyết.

Đáng nói, nhiều trường chưa tổ chức kiểm tra định kì theo dự án. Khi học sinh làm dự án, giáo viên có thể lấy cùng lúc cả cột điểm hệ số 1 và hệ số 2 (giữa học kì).

Hơn nữa, khi làm làm dự án, sản phẩm học tập, học sinh sẽ phát triển được một số năng lực như cách thức tổ chức, sắp xếp thời gian, hợp tác làm việc nhóm, tự học, tự nghiên cứu.

Người viết cũng thấy rằng, đối với các môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn... nhiều trường học mặc định cho học sinh kiểm tra 90 phút.

Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, các nhà trường có thể cho học sinh làm bài tối thiểu 60 phút đối với các môn học có trên 70 tiết/năm học.

Với thời gian 60 phút, đề kiểm tra giữa kì nên ra hình thức trắc nghiệm (hoặc giảm bớt câu tự luận) thì vẫn đánh giá được học sinh một cách toàn diện.

Ngoài ra, tổ chuyên môn hoàn toàn có thể ra đề kiểm tra theo môn "tích hợp": Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí đối với bậc trung học cơ sở.

Dẫu biết rằng, mỗi lần kiểm tra định kỳ môn học có yếu tố "tích hợp", giáo viên rất mệt trong việc ra đề. Tuy vậy, học sinh sẽ giảm được áp lực - thay vì kiểm tra các phân môn thì các em chỉ kiểm tra 1 môn, tức là giảm bớt thời gian làm bài, phải làm bài nhiều môn.

Cuối cùng, nhà trường và gia đình cần chấm dứt chấm dứt “bệnh thành tích”, đừng ép buộc học sinh đi học phải giỏi vì năng lực của mỗi em là khác nhau.

Nhìn chung, việc tổ chức các kì kiểm tra, đánh giá nhẹ nhàng, hiệu quả là góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên