Đề xuất trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học để sử dụng chung là giải pháp được nhiều người ủng hộ nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn về việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách lớn này.
Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mua bản quyền sách, nhà xuất bản đấu thầu phát hành
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng ngân sách 3.500 tỷ đồng là một số tiền rất lớn, vì vậy cần phải tính toán thật kỹ để tránh có thêm một “Việt Á” trong giáo dục.
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính đến phương án mua bản quyền sách bởi vì cơ cấu chi phí tác giả biên soạn là phần tiền không lớn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo theo ước tính có thể chi khoảng 100-200 tỷ đồng cho các tác giả, thẩm định viên và bản quyền, còn lại khâu xuất bản, phát hành sẽ đấu giá để các nhà xuất bản tham gia thầu… Như vậy, chúng ta có thể yên tâm không bị thổi giá độc quyền sách”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương |
Với cách làm này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh tính toán rằng sẽ giúp tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng, từ đó sử dụng tiền tiết kiệm được để chi cho các vấn đề giáo dục khác.
Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi mua bản quyền sách giáo khoa nên tiến hành số hóa, phát hành bản sách giáo khoa điện tử để đông đảo học sinh được tiếp cận với giá thành rẻ nhất.
Đồng thời, việc xác định đối tượng thụ hưởng nếu thực hiện đề xuất mua sách đưa vào thư viện trường học cũng là một vấn đề theo Tiến sĩ Vinh cần phải nghiên cứu kỹ.
“Phương án trích 3.500 tỷ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần cần được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách chuẩn xác. Khi xây dựng chính sách, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng phải được nghiên cứu kỹ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên tham khảo kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa tại các nước tiên tiến khi triển khai chương trình này", Tiến sĩ Vinh đề xuất.
Thêm một vấn đề nảy sinh khi sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa nữa là việc thực hiện một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa. Vậy mua sách mỗi bộ theo tỉ lệ như thế nào khi có rất nhiều bộ sách khác nhau trên thị trường, và mỗi địa phương lại dùng một hoặc cùng lúc nhiều bộ sách khác nhau?
Vì vậy, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét và sử dụng chung một bộ sách giáo khoa để thống nhất trong việc mua sách và cho mượn ở các địa phương.
Nên chăng tập trung nhiều nguồn lực hơn cho cơ sở vật chất trường học
Có ý kiến cho rằng việc chi con số 3.500 tỷ đồng cho sách giáo khoa là lãng phí, thay vào đó Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung nhiều nguồn lực hơn cho cơ sở vật chất trường học. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Giữa các ý kiến đánh giá đề xuất trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện là việc làm nhân văn, vẫn có ý kiến cho rằng việc chi khoản tiền 3.500 tỷ đồng cho sách giáo khoa là quá lớn và không cần thiết.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội bày tỏ quan điểm:
“Việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách đưa vào thư viện cho học sinh mượn nhìn sơ qua là chính sách tốt, về lợi ích trước mắt là người dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ tiền ra để mua sách. Tuy nhiên nếu nhìn sâu vấn đề thì lại có những điểm cần phải xem xét kỹ lưỡng”.
“Chúng ta biết rằng nguồn ngân sách là có hạn, vì vậy tất nhiên nó sẽ bị chi phối bởi nguyên lý “phồng chỗ nọ xẹp chỗ kia”. Nguồn ngân sách đã bị cắt một khoản để chi cho sách giáo khoa thì rõ ràng nguồn lực cho các yếu tố khác trong giáo dục sẽ bị giảm đi.
Trong khi cơ sở vật chất tại các trường công lập hiện nay đã xuống cấp trầm trọng; không chỉ vùng khó, ngay tại thành phố cũng có tình trạng các trường bị dột, nứt, lở tường thường xuyên”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.
Vị Hiệu trưởng này cũng bày tỏ băn khoăn về các chính sách giáo dục thay đổi thường xuyên:
“Cá nhân tôi thấy rằng đề xuất này dường như đang theo hướng chiều theo dư luận xã hội nhiều hơn là một chính sách cứng.
Khi câu chuyện sách giáo khoa đang được quan tâm thì chúng ta lại dễ dàng bỏ quên các vấn đề giáo dục khác, mà rõ ràng khi tập trung nhiều nguồn lực cho vấn đề này thì nguồn lực khác sẽ bị thay đổi theo.
Tôi cho rằng không cần phải miễn phí sách giáo khoa, quan trọng nhất là tập trung vào nguồn lực nhà trường, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ ngày càng tốt hơn để giúp nhà trường không phải huy động người dân đóng góp, từ đó phần nào cũng tránh hiện tượng lạm thu ở một số cơ sở.
Còn câu chuyện sách giáo khoa thì nên để cho người dân, coi đó là một hình thức xã hội hóa giáo dục; các học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo quy định vẫn được các chính sách của nhà nước hỗ trợ.
Bây giờ, chúng ta đang nói nhiều đến các chiến lược lâu dài, rồi phát triển công nghệ dạng "mấy chấm" trong giáo dục, nhưng trang thiết bị của các nhà trường hiện nay đâu có đủ!”.