Một bộ phận học sinh, giáo viên đang quá lệ thuộc vào ChatGPT

08/12/2024 06:57
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đối với học sinh, nếu quá lệ thuộc vào ChatGPT, các em sẽ mất đi động lực phấn đấu, giảm đi sự tư duy cần thiết mà lứa tuổi học trò rất cần để phát triển.

Kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên được tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học để nhằm hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò. Vì thế, thay vì người thầy truyền thụ kiến thức như trước đây thì giờ đây nhiều nhiệm vụ học tập đã được chuyển giao cho người học.

Người viết là giáo viên Ngữ văn Trung học cơ sở thời gian qua nhận thấy một số vấn đề nảy sinh. Nhiều sản phẩm học tập của học sinh chuẩn bị ở nhà rất chỉn chu, đầy đủ, tương đương với dự kiến sản phẩm của người thầy nhưng giáo viên chỉ cần hỏi sâu lại vài ý thì nhiều em không trả lời được. Hỏi ra thì một số học sinh nói các em chuẩn bị bài ở nhà là nhờ vào ChatGPT.

Không chỉ học sinh, một bộ phận giáo viên hiện nay cũng sử dụng ChatGPT khi thực hiện các kế hoạch giáo dục và có cả tình trạng giáo viên đứng ra nhận viết sáng kiến kinh nghiệm thuê cho đồng nghiệp thông qua ứng dụng ChatGPT để kiếm thêm thu nhập.

b482e8787b4dc113985c.jpg
Chỉ cần gõ nội dung cần, ChatGPT sẽ có lời giải

Học sinh đã quá quen thuộc với ChatGPT

Có thể học sinh Tiểu học chưa biết, hoặc ít biết về ChatGPT nhưng học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay không xa lạ gì với ChatGPT vì nhiều em xem đây là công cụ để chuẩn bị bài học khi ở nhà.

Trong khi đó, theo cách dạy và học hiện nay, tổ chức thực hiện một hoạt động học sẽ bao gồm 4 bước: giao nhiệm vụ- thực hiện nhiệm vụ- báo cáo, thảo luận -kết luận, nhận định.

Cụ thể, tại phụ lục IV của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đã hướng dẫn 4 bước như sau:

Giao nhiệm vụ học tập: Trình bày cụ thể nội dung nhiệm vụ được giao cho học sinh (đọc/nghe/nhìn/làm) với thiết bị dạy học/học liệu cụ thể để tất cả học sinh đều hiểu rõ nhiệm vụ phải thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ (học sinh thực hiện; giáo viên theo dõi, hỗ trợ): Trình bày cụ thể nhiệm vụ học sinh phải thực hiện (đọc/nghe/nhìn/làm) theo yêu cầu của giáo viên; dự kiến những khó khăn mà học sinh có thể gặp phải kèm theo biện pháp hỗ trợ; dự kiến các mức độ cần phải hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.

Báo cáo, thảo luận (giáo viên tổ chức, điều hành; học sinh báo cáo, thảo luận): Trình bày cụ thể giải pháp sư phạm trong việc lựa chọn các nhóm học sinh báo cáo và cách thức tổ chức cho học sinh báo cáo (có thể chỉ chọn một số nhóm trình bày/báo cáo theo giải pháp sư phạm của giáo viên).

Kết luận, nhận định: Phân tích cụ thể về sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành theo yêu cầu (làm căn cứ để nhận xét, đánh giá các mức độ hoàn thành của học sinh trên thực tế tổ chức dạy học); làm rõ những nội dung/yêu cầu về kiến thức, kĩ năng để học sinh ghi nhận, thực hiện; làm rõ các nội dung/vấn đề cần giải quyết/giải thích và nhiệm vụ học tập mà học sinh phải thực hiện tiếp theo.

Bên cạnh phụ lục IV của Công văn 5512 thì tại mô đun 4- Xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà giáo viên đã được tập huấn thì cũng hướng dẫn việc giảng dạy, học tập 1 hoạt động giáo dục trên lớp sẽ có 4 bước: giao nhiệm vụ- thực hiện nhiệm vụ- báo cáo, thảo luận -kết luận, nhận định.

Vì thế, trước khi học bài mới, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị ở nhà, khi đến tiết học trên lớp, học sinh sẽ trình bày sản phẩm đã chuẩn bị. Tiếp theo là học sinh nhận xét, trao đổi sản phẩm và cuối cùng là giáo viên nhận xét, chốt vấn đề.

Nhưng, chuẩn bị nhiệm vụ (bài mới) khi mà học sinh chưa học sẽ là vấn đề nan giải với nhiều học sinh. Nhiều em sẽ lấy từ nội dung đã học ở lớp học thêm (học trước chương trình) hoặc lên ChatGPT.

ChatGPT sẽ giải quyết cho học sinh những bài học khó, những vấn đề không có trong sách giáo khoa hoặc những câu hỏi trong đề cương ôn tập; giới hạn kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Nhiều học sinh được điểm cao nhờ ChatGPT

Một giáo viên Ngữ văn đang công tác tại một tỉnh phía Nam chia sẻ, hiện nay môn Ngữ văn đang thực hiện ra đề kiểm tra theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là tránh dùng lại ngữ liệu trong sách giáo khoa nhưng ChatGPT đang hỗ trợ khá đắc lực cho nhiều học trò.

Giáo viên này cho biết, trước khi kiểm tra giữa kỳ 1 của năm học này, vì lớp 9 là năm đầu tiên thực hiện nên giáo viên trong tổ thống nhất sẽ lấy một số bài thơ của những tác giả có trong sách giáo khoa để làm đề kiểm tra và giáo viên trong tổ rất cẩn thận tra cứu kĩ không có bài mẫu trên mạng internet.

Tuy nhiên, khi chấm bài thì có rất nhiều bài văn viết rất dài, hay và cảm nhận rất tốt, khác xa với học lực của học sinh trên lớp. Vì thế, giáo viên thể hiện rõ sự ngạc nhiên khi phát bài kiểm tra và hỏi một số học sinh có điểm số bất thường thì nhiều em thật thà nói rằng mình nhờ ChatGPT làm rồi học thuộc bài. Khi kiểm tra, các em chép vào.

Chính vì thế, một số học sinh bây giờ nhờ sự trợ giúp của ChatGPT khi chuẩn bị bài học mới, trước khi kiểm tra nhằm đối phó với giáo viên khi học trên lớp và có được điểm cao khi kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Không chỉ học sinh mà theo tìm hiểu của người viết bài, hiện nay có cả tình trạng một số giáo viên đứng ra nhận viết sáng kiến kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Họ có thể đăng tin trên các trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên hoặc họ đứng ra giao dịch trực tiếp với một số đồng nghiệp trong trường, trong địa bàn. Chỉ cần người đặt hàng đưa ra tên đề tài là họ bám vào cấu trúc của một sáng kiến kinh nghiệm hoàn toàn mới, hay, rất khó phát hiện. Người chấm có tra lên mạng internet cũng không thể nào phát hiện ra. Đương nhiên, đề tài đó sẽ là sản phẩm hoàn toàn mới.

Vì thế, có giáo viên khoe có những tuần “cày” đến chục đề tài sáng kiến kinh nghiệm để kiếm thêm thu nhập. Không ít giáo viên có điều kiện mà yếu công nghệ thông tin bỏ ra mấy trăm ngàn là có một sáng kiến kinh nghiệm để nộp cho trường, rồi trường gửi đi chấm ở cấp cao hơn.

Chúng ta không phủ nhận những lợi ích của công nghệ thông tin, trong đó có ChatGPT nhưng nếu học sinh, giáo viên quá lệ thuộc hoặc xem đây là công cụ thể thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Đối với học sinh, nếu quá lệ thuộc vào ChatGPT, các em sẽ mất đi động lực phấn đấu, giảm đi sự tư duy cần thiết mà lứa tuổi học trò rất cần để phát triển. Hơn nữa, không phải lúc nào ChatGPT cũng đưa ra những đáp án đúng.

Đối với giáo viên nếu lạm dụng quá mức cũng mất đi tính tự học, tự trau dồi của chính mình và dần dần lệ thuộc vào ChatGPT. Điều quan trọng là chúng ta đang phải đối mặt với nhiều sự giả dối. Sự giả dối nào cũng đáng lên án, nhất là trong ngành giáo dục- môi trường giáo dục và học tập để làm tiền đề định hình nhân cách, trí tuệ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI